icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Mở rộng diện tích, đa dạng đối tượng nuôi mô hình lúa-cá

  • 17:09 | Thứ Bảy, 19/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Để hoàn thiện quy trình nuôi cá trắm đen trong ruộng lúa phù hợp với điều kiện tự nhiên, làm tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích và đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng thủy sản..., góp phần phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái bền vững trên địa bàn tỉnh, xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) đã triển khai mô hình nuôi giống cá trắm đen trong ruộng lúa. Đây cũng là cơ sở khoa học cho các công trình nghiên cứu tiếp theo về các hình thức nuôi thương phẩm cá trắm đen.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Trần Xuân Tình cho biết: Toàn huyện Quảng Ninh hiện có hơn 600ha đất chiêm trũng thích hợp cho việc phát triển các mô hình cá-lúa, cá-lúa-vịt để tăng lợi nhuận. Trên thực tế, mô hình cá-lúa đã chứng minh là mô hình nuôi sinh thái, bền vững với môi trường và đem lại hiệu quả kinh tế kép cho người dân, nên từ khá lâu được áp dụng ở địa phương. Để đa dạng hóa hình thức và đối tượng giống thủy sản mới có giá trị kinh tế cao hơn, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, xã Vạn Ninh triển khai thử nghiệm mô hình nuôi giống cá trắm đen trong ruộng lúa.
 
Theo các chuyên gia, cá trắm đen là loài cá đặc sản nước ngọt, thịt cá có hàm lượng dinh dưỡng cao, nhiều khoáng chất như canxi, phốt pho, sắt, vitamin, thơm ngon và đặc biệt có một số tác dụng tốt trong y học nên được người dân Việt Nam ưa chuộng.
 
Trong tự nhiên, cá trắm đen thường sống ở tầng giữa và tầng đáy hạ lưu các sông, đồng ruộng, nơi có nước tĩnh hoặc chảy yếu. Đây là loài cá dễ tìm kiếm nguồn thức ăn, khi còn nhỏ, trắm đen thường ăn động vật phù du, ấu trùng muỗi, ấu trùng chuồn chuồn; khi lớn, cá chuyển sang ăn các loài động vật, như: Trai, ốc, hến, sò, tôm và côn trùng.
 
Từ trước đến nay, người nuôi chỉ chủ yếu thả nuôi cá trắm đen như một loài nuôi thủy ghép ở các ao nuôi cá truyền thống để tận dụng nguồn ốc tự nhiên trong ao. Cá trắm đen nếu thả trong ao đầm có động vật nhuyễn thể phong phú thì một năm nuôi cá thể đạt khối lượng 3-4kg/con từ cá giống 0,1-0,15kg/con.
Người dân xã Vạn Ninh thu hoạch cá trắm đen.
Người dân xã Vạn Ninh thu hoạch cá trắm đen.

Sau 8 tháng thử nghiệm mô hình nuôi giống cá trắm đen trong ruộng lúa giống Nhị ưu 838 của Hợp tác xã (HTX) Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Vạn Hải (Vạn Ninh), kết quả cho thấy: Tỷ lệ sống của cá đạt 85%, thời gian sinh trưởng 120 ngày, thu hoạch được 662,5kg cá trắm đen và 21,5 tấn lúa trên diện tích 2ha ruộng nuôi, lợi nhuận kinh tế thu được trên 39 triệu đồng/2ha.

Quy trình cụ thể như sau: Gieo lúa trên ruộng trước khoảng 30 ngày; chọn cá giống thả vào ruộng nuôi; tiến hành các bước chăm sóc lúa và cá; cuối cùng là thu hoạch lúa, cá. Về thức ăn nuôi cá chủ yếu là nguồn tự nhiên trong ruộng lúa, gồm các loài sinh vật, động vật phù du, như: Ốc, côn trùng, thóc rơi rụng, rong, bèo... Ngoài ra, trong quá trình nuôi bổ sung thêm thức ăn tổng hợp, thức ăn tự chế biến theo công thức: 70% cám+30% bột cá; lượng thức ăn bổ sung giảm dần từ 10% ở 2 tháng đầu xuống 3% từ tháng thứ 7.
 
Ông Trần Văn Hỷ (ở thôn Nam Hải, xã Vạn Ninh) chia sẻ, gia đình ông hiện có 10ha ruộng trên lúa-dưới với cá các loại, như: Trắm đen, chẽm, cá lát, đem lại thu nhập cao hơn gấp 3 lần so với trước đây. Không riêng gì ông Hỷ, bà con trong thôn, xã đều phấn khởi thực hiện mô hình lúa-cá vì thuận lợi trong chăm sóc, có thêm nguồn thu và nguồn thực phẩm phục vụ nhu cầu đời sống.
 
Tuy nhiên, để lúa và cá đủ điều kiện cùng phát triển trên cùng đơn vị diện tích, bắt buộc mọi người phải giữ gìn môi trường, không được lạm dụng hóa chất trong nuôi trồng để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái. Thời gian tới, ông Hỷ cùng bà con trong thôn, xã tiếp tục duy trì và mở rộng mô hình cá-lúa mang lại nhiều lợi ích thiết thực này.
 
“Từ hiệu quả kinh tế của mô hình cá-lúa, đến nay, toàn xã đã nhân rộng trên 490ha tại 2 HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Vạn Hải và Vạn Phúc. Trong năm 2021, năng suất cá từ mô hình cá-lúa đạt 5,5 tạ/ha; sản lượng đạt 270 tấn. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn lợi thủy sản và tăng thu nhập cho người dân, xã cũng đã vận động bà con ở 2 HTX có địa thế thuận lợi phát triển, mở rộng diện tích nuôi cá trên ruộng lúa, tận dụng cả diện tích mặt nước của các con hói chạy quanh ruộng lúa để thả nuôi cá trắm đen...”, Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh Nguyễn Hữu Lương cho biết thêm.
 
Hương Trà
 
 
 
 

tin liên quan

Nâng cao chất lượng hoạt động diễn tập khu vực phòng thủ

(QBĐT) - Để nâng cao chất lượng hoạt động trong diễn tập khu vực phòng thủ (KVPT) trên địa bàn, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) TP. Đồng Hới chủ trì thực hiện nhiệm vụ "Nghiên cứu hoạt động của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương trong diễn tập KVPT TP. Đồng Hới", từ đó, đề xuất các giải pháp ứng dụng vào thực tiễn.
 

Phát hiện kháng thể giải thích nguyên nhân gây đông máu do COVID-19

Một nhóm nhà nghiên cứu tại NIH và các viện đối tác đã phát hiện sự lưu hành các kháng thể kháng phospholipid, vốn xuất hiện phổ biến hơn ở những người mắc các bệnh tự miễn như bệnh lupus ban đỏ.

Tại sao "Omicron tàng hình" lây lan nhanh hơn biến thể gốc?

Những nghiên cứu ban đầu cho thấy "Omicron tàng hình" có thể kéo dài làn sóng dịch COVID-19 do biến thể Omicron gốc gây ra, nhưng không có nhiều khả năng gây ra một làn sóng lây nhiễm mới.