Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Quảng Bình, mùa xuân 50 năm trước

  • 07:15 | Thứ Ba, 24/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Ghi chép của Nguyễn Khắc Phê
 
(QBĐT) - Trong dòng chảy lịch sử của một dân tộc, một vùng đất, cũng như cuộc đời mỗi con người, có những “cột mốc” để lại dấu ấn không thể nào quên!
 
Mùa xuân 1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký ngày 27/1/1973. Cuộc chiến đấu vì độc lập và tự do của Việt Nam được cả thế giới quan tâm và ngưỡng mộ, nên ngày ký Hiệp định Paris còn là ngày vui của cả nhân loại tiến bộ.
 
Quảng Bình-vùng đất chịu nhiều đau thương trong cuộc chiến dài lâu và anh hùng của dân tộc, nên niềm vui đón hòa bình càng đặc biệt; có thể nói cả tỉnh “vỡ òa” trong tiếng reo, tiếng cười từ Đèo Ngang đến Hạ Cờ, từ cảng Gianh đến đèo Mụ Giạ.
 
Tôi có may mắn chứng kiến những ngày vui như trong mơ ấy, do lúc đó, tôi đang giữ một chức rất chi là “oai”, có thể gọi là “thư ký” cho Trưởng ty Giao thông Quảng Bình, “đóng đô”  tại Rẫy Cau, còn gọi là Cộn, nơi sơ tán của nhiều bà con thị xã Đồng Hới…
 
Để có ngày vui mùa xuân 1973, Quảng Bình cùng với cả nước đã trải qua biết bao gian khổ hy sinh. Trước thềm ngày vui đặc biệt này, hàng đàn B.52 Mỹ vẫn ồ ạt đánh Hà Nội, Hải Phòng tạo “sức ép” buộc chúng ta chấp nhận điều kiện thương thuyết của chúng, chặn con đường đi đến thống nhất Việt Nam. Nhưng với chiến dịch 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” bắn rơi nhiều “pháo đài bay B.52” và máy bay khác của Mỹ, Nixơn đã buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra.
 
Đã nửa thế kỷ qua rồi, nhưng tôi còn nhớ, mấy ngày đó, quân và dân Quảng Bình mới chỉ có thể bày tỏ niềm vui trước chiến thắng từ Thủ đô trong những căn hầm chật chội. Và thật là đau xót, vào một ngày đầu năm 1973, trong nắng và gió lạnh hanh khô, cả vùng sơ tán ở Cộn và Rẫy Cau bàng hoàng trước tin dữ: B.52 rải thảm xuống Quảng Sơn-một vùng “căn cứ an toàn”, nhiều người chết, trong đó có cô Xuân, một phóng viên xinh đẹp của Báo Quảng Bình!...
 
Ngày 14/1/1973, tiếng bàn tán to nhỏ về việc ngừng bắn sắp đến lan từ căn hầm này đến căn hầm khác. Cả ngày nắng to. Trời trong xanh như mùa hè. Buổi sáng có vài loạt B.52 xa xa. Chiều, những chiếc phản lực trinh sát lượn vật vờ rất cao. Đêm trăng sáng, vắng tiếng phản lực. Chỉ nghe một vài loạt B.52 rất xa. Từ phòng “cơ yếu” của Ty Giao thông, điện báo từ Trung ương và tỉnh gửi về liên tiếp.
 
Ông Lê Đức Mận, Trưởng ty, đi họp ở tỉnh đến 1 giờ sáng mới về. Anh Nguyễn Đình Chí, Trưởng phòng thiết kế, cho biết sẽ lấp sông đoạn cầu Dài đã bị đánh sập. Cũng đã nghe tiếng nổ từ phía Đồng Hới dội lên-tiếng mìn phá thành cổ lấy gạch lấp sông! Lúc đó, tất cả cho chiến thắng; đã ai nghĩ tới chuyện bảo tồn di tích… Mở đài Hoa Kỳ nghe: Nixơn cũng họp với Kissinger lúc 2 giờ sáng…
Lễ ký tắt Hiệp định Paris về Việt Nam ngày 23/1/1973 (Nguồn: Sách “Hội nghị PARI cánh cửa đến hòa bình”-NXB Chính trị  Quốc gia-Sự thật).
Lễ ký tắt Hiệp định Paris về Việt Nam ngày 23/1/1973 (Nguồn: Sách “Hội nghị PARI cánh cửa đến hòa bình”-NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật).
Sáng 15/1, sương mù dày đặc chưa tan đã lại nghe tiếng phản lực lao thấp, rồi tiếng bom B.52 xa xa. Đã có người thoáng thất vọng. Trời lại nắng. Buổi chiều, đường qua Cộn dần đông nghịt. Một số thanh niên thị xã được huy động, vai vác súng, gánh củi tập trung chuẩn bị đi phục vụ chiến dịch.
 
Một sự chờ đợi căng thẳng ở Bộ Chỉ huy. Đêm 12 âm lịch, trăng rất sáng. Đài Mỹ và Anh vẫn chưa đưa tin về việc sẽ có ngừng bắn. Anh em lại chui xuống hầm ngủ! Hơn 3 giờ sáng, chợt nghe tiếng súng trường, súng máy nổ ran xa gần, mỗi lúc một nhiều. Không hiểu sao lại nghĩ đến khả năng chúng nó bất thần đổ bộ! Nhưng sau đoán là đồng bào được tin ngừng bắn, nổ “pháo” chào mừng.
 
Ra khỏi hầm, không kịp mặc quần dài, chạy xuống phòng trực điện đài. Từ xa, đã thấy ánh đèn tỏa sáng. Cậu Quang, trực điện đài bảo: 12 giờ đêm, anh Lại Văn Ly (Phó Chủ tịch, Trưởng ban Bảo đảm giao thông Quảng Bình) đã điện sang cho biết: Giờ N. (giờ Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc) từ 0 giờ ngày 16/1. Và từ đó, ngọn đèn không bị chụp phòng không che khuất nữa!
 
Súng nổ càng nhiều. Và ánh lửa sáng từng vùng trời như những ngọn pha lớn chiếu lên. Người lớn và trẻ con đều lấy thuốc súng đốt. Lâu rồi, ánh lửa bị ém lại, thèm khát được bốc cao, tỏa sáng. Tiếng người xôn xao. Tiếng loa truyền thanh. Không ai còn có thể nằm yên được nữa! Một cậu nhảy ra khỏi hầm hô “một-hai” tập thể dục và đọc to câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Đường ta rộng thênh thang tám thước…”
 
Trời vừa sáng, lấy xe đạp xuống thành Đồng Hới. Trên đường gặp ai cũng thấy nét mặt vui, thấp thoáng nụ cười và cứ muốn nhìn vào mắt nhau. Người đông nghịt. Rất đông thanh niên đi phục vụ chiến dịch. Cổng thành Đồng Hới đã đổ sụp. Gạch vụn, dù đã hàng trăm năm vẫn là màu hồng, rải khắp đường xuống bến phà. Đầu bến, xe đạp cán bộ dựng thành dãy. Một chiếc xe công ty cầu vừa chở ván xuống…
 
Trời lại sương mù dày đặc. Gác xe đạp lên xe ô tô đi ra cảng Gianh. Lâu rồi mới lại đi với tốc độ hơn 40 km/giờ trên đường nhựa. Một đoàn người dài đông đúc kéo xuống bến cảng. Ngoài sông còn sương giăng; một chiếc thuyền có lá cờ đỏ sao vàng tươi rói. Trời đã hửng nắng. Trên bến đầy cờ và khẩu hiệu. Những lô cốt sứt sẹo vì bom Mỹ. Những đống gạo có bao ni lông bị bom xé rách. Cách đây chỉ hai hôm, gần 100 người đã chết ở đây. Còn thấy một đôi dép nhựa nằm lẫn trên bãi cát…
 
Sáng ngày 17/1/1973, trời vẫn sương mù. Đạp xe ra Đèo Ngang. Gặp kỹ sư Toàn và Ngọ ra chuẩn bị cầu Roòn. Tỉnh dự định lấp đá hơn nửa sông và làm 60m cầu trong 7 ngày. Công binh đang lắp cầu phao.
 
Lên đèo Ngang giữa trưa. Trên đỉnh mây trắng như bông, từng dải mây mỏng sà xuống phía Quảng Bình. Sắp có gió mùa Đông Bắc. Nhìn ra biển, tầm nhìn đã thu hẹp. Đảo Hòn La nhô lên hình nửa quả bầu vững chãi trên mặt biển xanh thẫm lô xô sóng bạc. Bên bờ biển, hàng dương xanh đổ gục. Những mái nhà ngói làng Quảng Đông, Cảnh Dương đổ nát. Nơi đây, suốt mấy tháng qua, đã diễn ra một chiến dịch hợp đồng lớn, để có thể tiếp nhận hàng vạn tấn gạo từ tàu Hồng Kỳ, trong điều kiện máy bay, tàu chiến Mỹ ngăn chặn quyết liệt với đủ loại bom đạn, thủy lôi...
 
Những ngày này, tại Pháp, các cuộc bàn thảo ráo riết về một số chi tiết phía Mỹ muốn điều chỉnh trong dự thảo Hiệp định Paris đang diễn ra giữa chuyên viên các phái đoàn, rồi cố vấn đoàn Việt Nam Lê Đức Thọ gặp riêng cố vấn cao cấp phái đoàn Hoa Kỳ Henry Kissinger…
 
Hiệp định chưa được ký, nhưng Mỹ đã phải tuyên bố ngưng ném bom miền Bắc, từ Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam gửi Thông báo mật đến tất cả tỉnh, thành, chỉ thị tranh thủ từng ngày khôi phục giao thông, chỉ viện tiền tuyến, đồng thời không ngừng cảnh giác…
Cầu Dài, ngày hòa bình đầu tiên-xuân 1973.
Cầu Dài, ngày hòa bình đầu tiên-xuân 1973.
Chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris, tôi mới biết có chỉ thị như thế qua cuốn sách “Hội nghị PARI, cánh cửa đến hòa bình” (NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật); còn nửa thế kỷ trước, tôi cũng như mọi người dân Quảng Bình, lòng vui náo nức trước những cảnh tượng chưa từng có. Đêm, nhìn xe đi từng đoàn, đèn pha sáng trưng di động từ phía Bắc vào, tưởng như một thành phố đang trôi vào. Trong những đoàn xe đó, có cả đoàn xe của các bộ, thấy ghi rõ: “Bộ Cơ khí và luyện kim”…
 
Tại cảng Gianh, trước đây, thấy sức người nổi lên với những chiếc thuyền chuyển tải chèo tay, những đôi vai khuân vác. Nay tàu xe đậu kín. Những cần trục quay tít. Ngày nào, thấy chiếc thuyền 5 tấn đã cho là to, nay tàu 50 tấn cũng thấy nhỏ… Thành Đồng Hới vẫn tiếp tục ngã xuống lấp sông cho xe vào phía Nam. Gạch lâu ngày vẫn cứng và hồng, mặc dù rêu phủ kín bên ngoài. Mìn nổ, những cột khói màu hồng. Chưa xong cầu Dài (lấp sông bằng gạch như dự tính), xe đi cầu phao. Những chiếc xe “ba-cầu” đi, phao bị nhấn chìm uốn cong thành đường “sin”, hay là hình sóng…
 
Một sự tình cờ ngẫu nhiên thú vị: Đúng vào ngày 23/1/1973, tại Paris, cố vấn của hai phái đoàn Việt Nam và Mỹ ký tắt Hiệp định Paris, mở cánh cửa chắc chắn tiến tới hòa bình thì tôi lên xe… đạp về làng Trung Quán bên sông Kiến Giang, bước vào căn nhà nhỏ đã mở rộng cửa để chuẩn bị cho lễ cưới của mình sẽ tổ chức ngay sau ngày ký Hiệp định Paris!...
 
Tròn nửa thế kỷ đã qua, kể từ những ngày vui đặc biệt của Quảng Bình và của riêng mình. Cuộc sống hào hùng, phong cảnh và con người xinh đẹp trên dải đất hẹp này đã cho tôi vốn sống và nguồn cảm hứng để viết nên hàng ngàn trang sách, trong đó hai tiểu thuyết “Đường giáp mặt trận” và “Những cánh cửa đã mở” đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Dù vậy, tôi cảm thấy vẫn mắc nợ miền quê đã dành cho mình bao ân nghĩa đang trở thành một “điểm đến” mong ước của “thiên hạ” gần xa…
 
Nguyễn Khắc Phê

tin liên quan

Bài 2: Tên người đã khuất... hóa thành tên Quyết Thắng

(QBĐT) - Rời xã Quảng Sơn, nơi xảy ra trận thảm sát B52 tang thương khi chỉ còn đúng 25 ngày nữa thôi, Hiệp định Paris về chiến tranh Việt Nam chính thức được ký kết (27/1/1973), tôi lại đến với xã Thanh Trạch (Bố Trạch). 

Đầy đặn vốn liếng nhưng chưa thể… sinh lời

(QBĐT) - Quảng Bình mang trong mình những giá trị về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa của bà con dân tộc thiểu số nhưng những tiềm năng, lợi thế ấy chưa thực sự được phát huy.

Bài 1: Ngày giỗ chung cho những người nằm xuống

(QBĐT) - Không biết run rủi thế nào, ngày tôi về Quảng Sơn lại đúng dịp người dân trong xã tổ chức lễ giỗ chung thường niên (ngày 28/11 âm lịch) cho những nạn nhân trong trận thảm sát B52 cách đây tròn 50 năm.