"Điện Biên Phủ trên không"-Hành trình chiến thắng

Bài 1: Đường ra trận

  • 09:06 | Thứ Bảy, 17/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 1921, tại vùng đất Cao Lao Hạ, chàng trai tên Lê Chiêu Nghi (Lê Văn Tri) ra đời. “Đất nghèo nuôi những anh hùng/ Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên”, chàng trai ấy sớm giác ngộ cách mạng, được cách mạng tôi rèn, trở thành một vị tướng lĩnh cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Nhắc đến chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” của 50 năm về trước (12/1972-12/2022), chúng ta lại tưởng nhớ đến ông, Trung tướng Lê Văn Tri, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ).
 
Trong cuốn hồi ký “Mặt đất và bầu trời” (NXB QĐND năm 2006), bằng chất văn chân tình của vùng đất Kẻ Hạ ven bờ sông Gianh lịch sử, Trung tướng Lê Văn Tri kể: “Tôi sinh ngày 13/9/1921, nhằm ngày 12/8 năm Tân Dậu tại xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Cha tôi tên là Lê Chiêu Ty, qua đời khi tôi vừa mới lên tám. Mẹ tôi là Nguyễn Thị Nhi ở vậy thờ chồng, nuôi con. Cha mẹ tôi có 8 người con gồm 5 trai và 3 gái...”.
 
Một ngày giữa tháng 12/2022, lần theo chỉ dẫn từ cuốn hồi ký “Mặt đất và bầu trời”, chúng tôi về xã Hạ Trạch, quê hương Trung tướng Lê Văn Tri. “Ở Hạ Trạch, nhắc đến tướng Tri, người dân ai cũng biết. Dù ông mất đến nay đã 16 năm tròn”, Chủ tịch UBND xã Hạ Trạch Lưu Bá Lâm tự hào.
 
Chủ tịch UBND xã Hạ Trạch Lưu Bá Lâm cùng các ông: Lưu Bá Minh, nguyên bác sĩ Hải quân, bạn học với con gái đầu tướng Lê Văn Tri, được tướng Tri xem như con cái trong nhà; Lê Chiêu Thắng, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hạ Trạch, cháu gọi tướng Tri bằng ông... đưa chúng tôi đến thăm ngôi từ đường trên mảnh đất hương hỏa xưa kia gia đình tướng Tri sinh sống; thăm nhà thờ họ Lê Chiêu, nơi còn lưu nhiều kỷ niệm mỗi lần tướng Tri về thăm quê. Những câu chuyện, những kỷ vật chúng tôi ghi nhận từ vùng đất Cao Lao Hạ giúp tái hiện phần nào sự nghiệp cách mạng cao cả của Trung tướng Lê Văn Tri.
Trung tướng Lê Văn Tri.
Trung tướng Lê Văn Tri.

Cựu chiến binh Lê Chiêu Thắng kể chuyện về người ông của mình: “Dù nhà nghèo, con đông, bà Nguyễn Thị Nhi vẫn tảo tần một nắng hai sương lo cho con ăn học đàng hoàng. Năm 1937, sau khi hoàn thành xong bằng yếu lược, ông Tri quyết định Nam tiến, nơi đến là Sài Gòn. Năm 1938, ông trở về quê vào Đồng Hới dạy học và tự học rồi đỗ Trường Kỹ nghệ Thực hành Huế khóa 1939-1941.

Năm 1941, tốt nghiệp xong Trường Kỹ nghệ Thực hành Huế, ông tiếp tục vào Nam. Trong cao trào chuẩn bị Tổng khởi nghĩa ở Nam Bộ, ông Lê Văn Tri gia nhập đội Thanh niên tiền phong do ông Huỳnh Văn Nghệ, một cán bộ cách mạng phụ trách và tham gia cướp chính quyền ở Sài Gòn ngày 25/8/1945”.

Sau Cách mạng tháng Tám, ông trở về quê hương, vào bộ đội Giải phóng quân thuộc Chi đội Lê Trực tại huyện Bố Trạch, khởi đầu con đường binh nghiệp, đường ra trận vinh quang của người lính Cụ Hồ. Tháng 12/1947, ông làm Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Bình. Tháng 4/1950, trở thành Trung đoàn phó Trung đoàn 18 kiêm chỉ huy Mặt trận đường 9 sau đó là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 95 chiến đấu tại mặt trận Bình Trị Thiên. Tháng 7/1953, đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ cho ông giữ chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn pháo cao xạ 367.
 
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Trung đoàn 367 phát triển thành Đại đoàn thuộc Bộ Tư lệnh Binh chủng Pháo binh, ông giữ chức Đại đoàn phó. Năm 1956, ông được cử sang học tại Học viện Pháo binh Lê-nin-grat (Liên Xô). Năm 1967, ông giữ chức Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân chủng PK-KQ; năm 1969 là Tư lệnh Quân chủng PK-KQ.
 
Tháng 12/1972, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B52 vào Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh, thành miền Bắc. Tư lệnh Lê Văn Tri và lực lượng PK-KQ cùng quân dân miền Bắc dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp... lập nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” oanh liệt, buộc đế quốc Mỹ phải chấp nhận ngồi trở lại bàn đàm phán Paris.
 
“Cao trào cách mạng cuốn lấy chúng tôi đi. Trên những con đường ra trận đưa chúng tôi chiến đấu gần nhau” là những lời Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Không quân, nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn dành tặng cho người bạn thân đồng hương của mình, Trung tướng Lê Văn Tri-“Từ một chiến sĩ bộ binh rồi trở thành cán bộ chỉ huy cao cấp của quân chủng kỹ thuật hiện đại, đánh thắng lực lượng không quân hùng mạnh bậc nhất thế giới của đế quốc Mỹ. Chiến công vang dội trận “Điện Biên Phủ trên không” trở thành mốc son lịch sử chói lọi mang tầm vóc thời đại trong trang sử vàng chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Góp phần vào chiến công này có bản lĩnh, trí tuệ Tư lệnh PK-KQ Lê Văn Tri”.
Nhà từ đường, nơi xưa kia gia đình Trung tướng Lê Văn Tri sinh sống tại xã Hạ Trạch.
Nhà từ đường, nơi xưa kia gia đình Trung tướng Lê Văn Tri sinh sống tại xã Hạ Trạch.
Những vị tướng Quảng Bình như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Trung tướng Lê Văn Tri, Thiếu tướng Phan Khắc Hy... họ gặp nhau chính trên những con đường ra trận. Trong những năm tháng chiến tranh đầy gian khổ, Trung tướng Lê Văn Tri đã tự sự về điều này: “Được sự dìu dắt của tập thể cùng với sự cố gắng bản thân, tôi dành cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bước đầu là người lính rồi ngày càng trưởng thành, trở thành cán bộ chỉ huy trên nhiều mặt trận... Nhìn lại quãng đường đi qua tôi không bao giờ quên công ơn của Đảng và Bác Hồ kính yêu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người Anh Cả Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng và càng thấy tình đồng chí, nghĩa đồng bào thật sâu đậm”.
 
Về chiến thắng 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”, Tư lệnh PK-KQ Lê Văn Tri nhớ lại: “Ngay từ năm 1965, Bác Hồ đã dự báo trước sau gì đế quốc Mỹ cũng đưa B52 ra đánh phá miền Bắc. Bác khẳng định: Ta nhất định thắng. Mỹ nhất định thua. Dù đế quốc Mỹ lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B57, B52 hay “Bê” gì đi nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”.
 
Vào tháng 4/1966, ông lúc đó đang công tác tại Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu, được phân công đến báo cáo tình hình chiến đấu của quân và dân miền Bắc. Gặp Bác, Bác tươi cười hỏi: “Cháu quê ở đâu mà nghe tiếng nói như dân “cá gỗ?”. “Thưa Bác, cháu ở Quảng Bình”. Bác lại hỏi: “Có gần vùng quê của chú Văn không?”. “Thưa Bác, anh Văn ở huyện Lệ Thủy, còn cháu ở huyện Bố Trạch, bên bờ sông Gianh”. Bác Hồ căn dặn: Trên cương vị là Cục phó Cục Tác chiến trực tiếp theo dõi tình hình miền Bắc, cháu phải cố gắng giúp Bộ Tổng Tham mưu, Quân ủy Trung ương chỉ đạo đánh thắng chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ.
 
Khi ông trở lại Quân chủng PK-KQ, trong một lần làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng cũng chỉ đạo: Mỹ ngụy thua đau trên chiến trường miền Nam, tại hội nghị Paris, chắc chắn chúng sẽ dùng B52 tập kích chiến lược miền Bắc. Nhiệm vụ đặt ra cho Quân chủng PK-KQ là hết sức nặng nề đòi hỏi đồng chí phải suy nghĩ, học tập, nghiên cứu rất nhiều. Trong công việc phải hết sức bí mật, mọi quyết định phải hết sức chính xác.
 
Năm 1966, khi những chiếc B52 đầu tiên xuất hiện trên bầu trời miền Bắc, Bác Hồ giao nhiệm vụ cho Quân chủng PK-KQ: Mỹ đã đưa B52 ra đánh phá miền Bắc. Phải đánh cho được B52! Trách nhiệm này Bác giao cho các chú PK-KQ.
 
Thực hiện nhiệm vụ Bác Hồ, Bộ Tổng Tham mưu, Quân ủy Trung ương giao, Quân chủng PK-KQ nhanh chóng bắt tay vào nghiên cứu tìm cách đánh B52, bắt đầu tại chiến trường khu 4 ngay từ những năm 1966.
 Ngô Thanh Long
 
Bài 2: Những trận “thử lửa” với pháo đài bay B52 trên bầu trời Khu 4

tin liên quan

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri

(QBĐT) - Tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII, các sở, ban, ngành đã trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trong tỉnh. Báo Quảng Bình lược ghi một số nội dung trả lời của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) mà cử tri quan tâm.

Thí sinh Quảng Bình đoạt giải ba hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi toàn quốc

(QBĐT) - Sáng nay, 16/12, tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức bế mạc và trao giải hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi toàn quốc năm 2022.

Bầu 144 đoàn viên ưu tú vào Ban chấp hành Trung ương Đoàn khóa XII

Chiều nay, tại phiên họp thứ 4 của Đại hội Đoàn, các đại biểu đã bỏ phiếu bầu 144 đoàn viên ưu tú nhất tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa XII, nhiệm kỳ 2022 -2027, khuyết một nhân sự.