Những tội ác cuối cùng của đế quốc Mỹ trên đất lửa Quảng Bình

Bài 2: Tên người đã khuất... hóa thành tên Quyết Thắng

  • 07:12 | Thứ Bảy, 31/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Rời xã Quảng Sơn, nơi xảy ra trận thảm sát B52 tang thương khi chỉ còn đúng 25 ngày nữa thôi, Hiệp định Paris về chiến tranh Việt Nam chính thức được ký kết (27/1/1973), tôi lại đến với xã Thanh Trạch (Bố Trạch). Cũng như ở xã Quảng Sơn, trước khi kết thúc chiến dịch ném bom từ Nam vĩ tuyến 20 trở vào, đế quốc Mỹ tiếp tục gây ra một tội ác khác, trận thảm sát thôn Quyết Thắng vào ngày 13/1/1973, chỉ cách thời khắc ký kết Hiệp định Paris đúng 14 ngày.
 
 
Ký ức tang thương
 
Ngày 13/1/1973, buổi sáng, mọi hoạt động tất bật thời chiến bắt đầu: Người dân xã Thanh Trạch thức dậy cùng với các đơn vị Thanh niên xung phong (TNXP) Cù Chính Lan, C283 Hải Hưng (tỉnh Hải Dương và Hưng Yên hiện tại); cán bộ, công nhân Đoàn 309 cảng Gianh; bộ đội Binh trạm 16 và lực lượng dân quân, du kích triển khai bốc dỡ hàng hóa từ tàu vận tải neo tại cảng Gianh xuống tập kết vào các kho trung chuyển để chi viện cho chiến trường miền Nam.
 
Trên bầu trời, máy bay trinh sát A3J, F101 bay rì rì tìm mục tiêu rồi chỉ điểm bằng pháo khói cho lũ F4H, F105, AD6 lao đến cắt bom, bắn phá một số trọng điểm: Quân cảng Hải quân, cảng Gianh, bến phà Gianh, kho tàng... Mặc lũ “con Ma, thần Sấm” bắn phá, bom đạn vừa dứt, mọi hoạt động bốc dỡ, vận chuyển vẫn cứ tiếp tục. Không ai biết, chỉ một khoảnh khắc nữa thôi, máy bay Mỹ sẽ gây ra một trận bom thảm sát kinh hoàng.
 Khu tưởng niệm TNXP C283 tại thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch (Bố Trạch).
Khu tưởng niệm TNXP C283 tại thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch (Bố Trạch).

8 giờ sáng, máy bay cắt bom xuống cống Bốn, cống Mười trên trục đường giao thông huyết mạch từ Bắc vào Nam qua xã Thanh Trạch sau đó lan rộng đến thôn Quyết Thắng. Vào giữa trưa, tranh thủ dứt tiếng bom, các lực lượng TNXP, công nhân cảng Gianh, bộ đội xăng dầu Binh trạm 16 về tại căn cứ và trạm xá dã chiến đóng ở thôn Quyết Thắng tham gia cấp cứu cho những người bị thương và dùng cơm trưa.

Đúng thời điểm này, lũ “con Ma, thần Sấm” bỗng dưng xuất hiện lao xuống cắt bom rải thảm. Sau 4 giờ oanh tạc, khi máy bay Mỹ chuồn đi, một khung cảnh tan hoang trải rộng ra dưới tầm mắt những người còn sống sót.

Ông Lê Tuấn Kéo, nguyên Chính trị viên C283 Hải Hưng, người chứng kiến trọn vẹn trận thảm sát, đến tận 50 năm sau vẫn chưa nguôi sự ám ảnh: “Thôn Quyết Thắng bị nhấn chìm trong khói lửa ngút trời, cây cối, nhà cửa bị san bằng, xác người nằm chết la liệt. Khủng khiếp lắm! Nhìn đâu cũng thấy xác người. Xác người bị bom hất tung lên ngọn cây, nóc nhà. Rất nhiều thân thể chẳng còn nguyên vẹn, nhiều nữ TNXP bị lửa thiêu cháy đen. Trẻ con, cụ già bị bom phạt ngang người, chết rồi mà mắt vẫn mở trừng trừng... Trong trận bom này, 35 đồng đội tôi ở C283 Hải Hưng hy sinh”.
 
GS.TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội có mẹ là bà Lê Thị Cúc và Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch Nguyễn Trí Tuệ có chị gái Nguyễn Thị Hòa chết trong trận thảm sát luôn đau đáu về sự kiện đau thương này.
 
Ông Nguyễn Trí Tuệ chia sẻ: “Khi trưởng thành, tham gia công tác ở xã, tôi luôn nhớ về sự mất mát vô cùng to lớn trong trận bom ngày 13/1/1973 nên quyết tâm sưu tầm tài liệu, nhân chứng, họ tên các nạn nhân... Hy vọng một lúc nào đó, nơi xảy ra trận thảm sát sẽ có một tấm bia được dựng lên. Và hiện tại, Khu tưởng niệm TNXP C283 được xây dựng quy mô, bề thế ngay trên mảnh đất xảy ra trận thảm sát năm xưa ở thôn Quyết Thắng, sát cạnh Quốc lộ 1”.
 
Trận thảm sát máy bay Mỹ tại thôn Quyết Thắng ngày 13/1/1973 đã giết hại 156 nạn nhân, riêng C283 Hải Hưng có 35 cán bộ, chiến sĩ hy sinh.
 
Một cái tên chung thành... Quyết Thắng!
 
Sau hòa bình, ông Lê Tuấn Kéo trở về quê hương, tham gia công tác ở huyện Văn Lâm (Hưng Yên). Bắt đầu từ những năm 1997, ông cùng nhiều đồng đội trở lại chiến trường xưa.
 
Ông Kéo kể: “Đơn vị C283 Hải Hưng được thành lập cấp tốc theo quyết định của Bộ Giao thông vận tải, Cục Vận tải biển Hải Phòng và Tỉnh đoàn Hải Hưng, quân số điều động dự trù 300 người nhưng cho đến ngày lên đường chi viện chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại cảng Gianh, Quảng Bình thì có một sự trùng hợp lạ kỳ, chỉ có mặt đúng 283 người. Từ Hải Hưng vào Quảng Bình khoảng 700km nhưng chúng tôi phải mất gần 10 ngày đêm. Hành quân từ ngày 13/8/1972, cho đến ngày 21/8 thì đến thôn Đơn Sa, xã Quảng Phúc, sau đó vượt sông vào cảng Gianh, đóng quân tại xã Thanh Trạch”.
Những kỷ vật của lực lượng TNXP sót lại trong trận thảm sát được trưng bày trong Khu tưởng niệm TNXP C283.
Những kỷ vật của lực lượng TNXP sót lại trong trận thảm sát được trưng bày trong Khu tưởng niệm TNXP C283.
“Thêm một điều kỳ lạ nữa, ngày chúng tôi lên đường đều giữ lời thề Quyết Thắng với hậu phương, lúc nào đất nước thống nhất sẽ trở về. Khi vào Quảng Bình lại đóng quân tại thôn Quyết Thắng. Trong 5 tháng 15 ngày bám trụ, C283 bốc xếp, vận chuyển trên 80.000 tấn hàng hóa quân sự. Ngoài ra, còn thả hàng từ tàu Hồng Kỳ xuống biển, từ đảo Hòn La vào bờ. Đơn vị còn đảm nhận bám trụ thêm 4km mặt đường; đào lấp khoảng 10.000m3 đất đá, bảo đảm mạch máu giao thông luôn thông suốt; làm 16 hàm kèo trú ẩn, giúp dân làm thêm 60 hầm kèo, 50 hầm cá nhân, cùng nhân dân trong thôn Quyết Thắng tăng gia sản xuất hơn 10 mẫu ruộng...”.
 
Ông Lê Tuấn Kéo tiếp tục hoài niệm: “Chiến tranh, chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong hoàn cảnh trên bom, dưới đạn, chúng tôi xác định chắc chắn sẽ có mất mát, hy sinh. Tất cả thành viên C283 luôn kiên cường, dũng cảm “một tấc không đi, một ly không rời” đúng như lời thề Quyết Thắng ngày lên đường vào Nam. Nhưng... chúng tôi không ngờ, sự mất mát lớn đến như vậy. Chỉ một trận bom thảm sát chưa đầy 4 giờ đồng hồ mà 35 đồng đội tôi ngã xuống. Đau đớn thay khi chỉ còn 3 ngày nữa, đế quốc Mỹ đơn phương chấm dứt lệnh ngừng bắn trên toàn miền Bắc và 14 ngày sau thì Hiệp định Paris được ký kết”.
 
Tưởng nhớ những nạn nhân của vụ thảm sát, ngày 30/11/2011, UBND tỉnh Quảng Bình đã quyết định công nhận xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với sự kiện ngày 13/1/1973, tên gọi “Vụ thảm sát thôn Quyết Thắng”.
 
Ngày 3/3/2019, Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khởi công xây dựng công trình Khu tưởng niệm TNXP C283 với kinh phí hơn 38 tỷ đồng. Công trình khánh thành vào ngày 21/12/2021, trở thành nơi nhân dân, thân nhân, đồng đội của những người đã khuất đến thăm viếng, dâng hương tưởng niệm; đồng thời là "địa chỉ đỏ" nhằm giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng và lý tưởng sống cho thế hệ trẻ hôm nay, mai sau.
 
Khi tôi kết thúc bài viết này, Tết Dương lịch 2023 cận kề, ngày tri ân những nạn nhân trong hai vụ thảm sát Quảng Sơn, Thanh Trạch 50 năm trước cũng sắp đến. Lại bần thần nhớ lời Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch Nguyễn Trí Tuệ khi cùng ông viếng Khu tưởng niệm TNXP C283 tại thôn Quyết Thắng: “Máu đào của các anh chị đã hòa quyện vào từng tấc đất quê hương Thanh Trạch. Tên người đã khuất hóa thành một cái tên chung-Quyết Thắng”.
 
Ngô Thanh Long

tin liên quan

Quyết liệt bảo đảm tiến độ dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam

(QBĐT) - Thực hiện nghị quyết của Quốc hội và nghị quyết của Chính phủ về triển khai đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, cùng các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã quyết liệt triển khai các nội dung công việc của dự án. Đặc biệt là công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giải phóng mặt bằng, quyết tâm bảo đảm tiến độ của dự án.

Kết quả kỳ họp thứ 20 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy

(QBĐT) - Ngày 28/12, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã họp kỳ thứ 20 do đồng chí Đinh Hữu Thành, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy chủ trì.

Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Cựu chiến binh Việt Nam

Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam khóa VI, khẳng định Đại hội là sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của các cấp Hội và hội viên cựu chiến binh cả nước.