Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Những giai thoại văn học dân gian của làng Thổ Ngọa

  • 07:14 | Thứ Ba, 24/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đầu xuân, Câu lạc bộ thơ làng Thổ Ngọa, phường Quảng Thuận (TX. Ba Đồn) có truyền thống, mỗi đêm đến chúc xuân tại một gia đình thành viên. Ở đây, ngoài đọc cho nhau nghe những sáng tác mới, họ còn “ôn cố tri tân”, đàm luận sôi nổi về những giai thoại dân gian của làng…
Hội xuân làng
                                    Hội xuân làng Thổ Ngọa.                 Ảnh: P.V.Thức
Những tranh luận chưa có hồi kết từ một bài thơ truyền tụng
 
Làng Thổ Ngọa là một trong “Bát danh hương” đứng vị trí thứ tư của Quảng Bình (Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim). Theo tộc phả của họ Nguyễn Khống, dòng họ có mặt sớm nhất ở làng, ông Nguyễn Khống, tự Khắc Nhượng, một võ tướng theo phò Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành. Ông quê ở xã Thổ Vượng, thuộc huyện Can Lộc, Hà Tĩnh ngày nay. Khoảng năm 1471, do có công đánh Chiêm Thành, ông được vua ban cho vùng đất hoang hóa dọc hạ nguồn sông Gianh.
 
Ông đã đưa vợ là bà Hoàng Thị Thường người làng Ngọa Kiều, thuộc Can Lộc, Hà Tĩnh và họ hàng vào lập nghiệp. Để tưởng nhớ quê hương, ông đã lấy hai chữ đầu của Thổ Vượng và Ngọa Kiệu ghép lại thành tên làng Thổ Ngọa. Gần 550 năm tồn tại và phát triển, các bậc tiền nhân của làng đã để lại cho hậu thế một danh hương đáng tự hào. Trong đó, phải kể đến những nét văn hóa đặc sắc có từ những giai thoại văn học dân gian.
 
Theo một số văn bản lưu truyền với nhiều khảo dị và những truyền miệng từ người cao tuổi thì, không biết tự bao giờ, ở phủ Quảng Trạch đã xuất hiện một bài thơ, mà người ta cho rằng, đó là của ông quan phủ hết nhiệm sở truyền lại cho người kế nhiệm: “Vật ẩm Tượng Sơn tửu/Vật đả Phan Long đề/Vật thú Thổ Ngọa thê/Vật giao La Hà hữu”. Những thứ “Vật” (không) của ba làng Tượng Sơn, Phan Long, La Hà xin được để dịp khác. Ở đây chỉ nói đến “Vật thú Thổ Ngọa thê” nghĩa là, không nên lấy vợ người làng Thổ Ngọa, đã gây ra tranh cãi tại sao lại như vậy?
 
Từ cổ chí kim, đã xuất hiện ba lý do khác nhau, cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Lý do thứ nhất, vì con gái Thổ Ngọa trắng da, dài tóc, xinh đẹp, được trai nhiều làng mê, quan thầy mến, nên sợ họ không chung thủy. Lý do thứ hai, vì con gái Thổ Ngọa chỉ quen nghề nón, không quen ruộng đồng, nếu cưới về thì không biết làm gì để ăn.
 
Lý do cuối cùng, vì làng Thổ Ngọa là một làng văn vật. Là một ngôi làng duy trì các chế hộ hương ước khắt khe. Các thủ tục thành hôn rất nghiêm ngặt theo quy định “Lục lễ thành hôn” và các quy tắc lễ giáo phong kiến khác. Muốn lấy được vợ người Thổ Ngọa phải có sáu lần dâng lễ tốn kém, lại phải nhờ người có văn hóa thưa trình, đối đáp. Chỉ cần sơ suất trong lễ vật, thưa trình là coi như “xôi hỏng, bỏng không”. Đã vậy, thời gian của “Lục lễ” kéo dài nhiều năm, người con trai rất nhọc công làm rể mới được… ngủ với vợ.
 
Tranh luận xảy ra như sau: Với lý do thứ nhất, nói vậy thì trai làng Thổ Ngọa không biết sợ vợ “không chung thủy” à? Mà chung thủy hay không, đâu phải ở xinh đẹp? Quan trọng là ở bản chất chứ, ở đâu chẳng có người xấu kẻ tốt? Với lý do thứ hai, người ta phản biện, vậy phải sinh ra trên ruộng đất thì mới biết làm nông à? Với lại gái Thổ Ngọa về nhà chồng vẫn có thể đem nghề nón về theo, biết đâu còn tạo nghề cho quê chồng?
 
Cuối cùng, đa số vẫn thiên về lý do thứ ba, bởi nó hợp lý hợp tình. Câu thơ khuyên là không nên, nhưng cũng là lời cảnh tỉnh phải cẩn thận nếu muốn lấy vợ người làng Thổ Ngọa. Tuy nhiên, tranh luận mãi mãi vẫn là… tranh luận, chẳng bao giờ có hồi kết.
 
Hò phường nón và những giai thoại về đối đáp
 
Thổ Ngọa có nghề làm nón lá nổi tiếng tự bao đời. Trong các tộc phả của các dòng họ, không thấy nói rõ nghề nón của làng có từ bao giờ, ông tổ là ai? Chỉ biết một thực tế rằng, làng ít ruộng, lại nhiễm mặn, chua phèn nên cuộc sống dựa vào nghề nón là chủ yếu.
 
Nghề làm nón, ngoài việc có thể kiếm tiền hàng ngày, nó còn tạo nên một bản sắc văn hóa phong nhã. Trước Cách mạng tháng Tám, làng nón còn duy trì phương thức “Bạn chùm”. Bạn chùm có hai thể thức, thứ nhất là “Bạn chùm phiên”, dành cho những gia đình nghèo trong xóm nhỏ, do chợ Đồn mười ngày có một phiên sáu, nên người ta duy trì chùm mười. Sau khi phiên về, chùm bạn đó sẽ bắt thăm, rồi theo thứ tự đó, cả mười người đến một nhà làm nón trong một ngày, ngày hôm sau sang nhà khác.
 
Thể thức thứ hai là “Bạn chùm năm”, loại chùm này có quy mô rộng rãi. Không gian là cả làng, số lượng là 30 người, thời gian kéo dài từ tháng hai đến tháng mười âm, mỗi phiên chợ chỉ đến làm chùm một gia đình, điều kiện thường là những nhà khá giả. Một đặc điểm chung là “Bạn chùm” chỉ duy trì trong hạng tuổi con gái. Vậy nên cứ mỗi đêm bạn chùm, bên trong nữ tú ngồi xoay tròn quanh tọa đăng, bên ngoài sân hoặc lối vào nhà, đặt cái chõng tre, ấm nước chè xanh. Nam thanh đến ngồi chơi uống nước, rồi nam nữ “bẻ” chuyện hò đối đáp, ngỏ ý sinh tình. Người ta gọi đó là hò phường nón. Thể thức hò này cũng tương tự hò phường vải Nghệ-Tĩnh, kể cả làn điệu cũng gần giống.
 
Bên nam và bên nữ đều có một “chuyên gia” biết “bẻ” chuyện hò. Thường thì bên nam có nhiều người có “trự” (chữ) hơn, nên hay chiếm ưu thế. Chuyện kể rằng lúc bấy giờ, cả làng chỉ có o Ngà, tuy không học nhưng “bẻ” chuyện hò giỏi lắm. O Ngà bị hỏng một mắt, con nhà nghèo, nên “Bạn chùm” nào muốn nhờ o thì phải trả công mấy cái nón.
 
Chuyện hò xoay quanh đề tài tình yêu đôi lứa rất ý nhị. Ví dụ, có hai người đã phải lòng nhau nên bên nam hò: “Rứa nựa ai ơi rồi… Ghé chợ Họa dưới thuyền trên bến/Trai khôn thời biết kén vợ chợ đông/Sông Gianh nước chảy hai dòng/ Hỏi thăm ai đó có một lòng với anh?”. O Ngà liền “bẻ” cho bên nữ đối đáp: “Rứa nựa ai ơi rồi… Em nghe tiếng anh đau đầu chưa khá/Em băng đồng vượt sá, kiếm nắm lá anh xông/Ở mần răng cho trọn đạo vợ chồng/Đổ mồ hôi ra em quạt, ngọn gió lồng em che”.
 
Cũng có lúc là những câu hò trách móc cay nghiệt, khi bên nam đã trách một o bên nữ, vì cha mẹ ham giàu mà nhận sính lễ: “…Em lấy chồng không cân lứa vừa đôi chi cả/Thầy mẹ em ở nhà vội vã bán gả em đi/Thôi thôi đừng có sống mần chi/Em về rút con gươm mà tự vẫn, sống mần chi cho thẹn thuồng”. Nhưng o Ngà đã “bẻ” một câu hò rất nhân văn, hiếu đạo: “… Nước dưới sông cũng có khi trong khi đục/Đám đất kia cũng có chỗ lở chỗ bồi/Em cũng trách thầy mẹ bán gả không cân lứa vừa đôi/Nhưng phải răng thì chịu rứa cho rồi/Anh nhủ em rút con gươm mà tự vẫn, biết thầy mẹ ngồi đợi ai!”.
 
Cũng theo giai thoại, thì một hôm có tốp nam làng Thổ Ngọa sang chơi xóm Đinh (nay thuộc phường Quảng Thọ, TX. Ba Đồn). Xóm Đinh không thuộc làng Thổ Ngọa, nhưng do ở sát, nên họ cũng làm nón và có phong tục tương tự. Phía nữ biết trong tốp nam có anh mồ côi rất nghèo bèn ra điệu hò mai mỉa: “…Đã làm trai thì ra trai tráng/Đã đàn ông thì xứng đáng đàn ông/Thân anh như chó không lông/Răng còn mộng tưởng con ông cháu bà?”.
 
Mấy anh trai nhìn nhau tức bực, nhưng không ai “bẻ” được. Họ cử một anh cao to, băng đồng chạy về năn nỉ với cậu học trò tên Ngật, để cho nhanh, anh trai vác cậu Ngật mà chạy. Cậu Ngật “bẻ” rằng: “…Chó không lông anh ngồi kề góc bếp/Đói khó như anh đây cũng ở giữa làng/Giàu sang như em đó cũng ở lang đất người”. Về vế đối đáp này, theo giai thoại, còn có một vế khác rất “độc”, nhưng do ngữ thanh, nghĩa tục nên không tiện chép ra đây.
 
Những cặp câu đối đầy hóc búa, chữ nghĩa
 
Ngoài hò phường nón đối đáp, Thổ Ngọa còn lưu truyền những cặp đối, phú với người các làng, với nghệ thuật chơi chữ vô cùng thú vị.
 
Cảnh Dương cũng là một trong “Bát danh hương”, người dân ở đây rất có truyền thống hiếu học, đỗ đạt như người Thổ Ngọa. Một hôm, hai nho sinh của hai làng gặp nhau, nho sinh Cảnh Dương bèn ra vế đối: “Thổ Ngọa tám mươi đêm còn xỏ”. Nho sinh Thổ Ngọa hiểu ngay là mình bị chơi “xỏ”. Lý do, người Thổ Ngọa làm nón thì phải “xâu kim xỏ lá” dù là cụ già 80 tuổi, đêm vẫn ngồi làm nón. Nhưng chữ “xỏ” trong vế đối còn hàm nghĩa chuyện quan hệ vợ chồng.
 
Nho sinh Thổ Ngọa cũng đối nhanh và hóm hĩnh không kém: “Cảnh Dương chín chục sáng vẫn cà”. Nho sinh Cảnh Dương hiểu và cười xòa, bởi người Cảnh Dương mở đầu, kết thúc câu nói luôn đệm chữ “cà”, và chữ “cà” cũng “phồn thực” không kém chữ “xỏ”. Một cặp câu đối chỉnh, hay không chê vào đâu được.
 
Lại có chuyện một người Thổ Ngọa gặp người Cao Lao Hạ. Làng Cao Lao tuy không phải danh hương, nhưng truyền thống học hành cũng nức tiếng. Người Thổ Ngọa thách đối: “Cao Lao làm lắm Cao Lao mệt”. Vế ra hay ở chỗ tiếng Hán, “lao” nghĩa là mệt trong tiếng Việt. Sau khi ngẫm một lúc, người Cao Lao bèn đối: “Thổ Ngọa ăn no Thổ Ngọa nằm”. Hai người ôm nhau vui vẻ, vì vế đối quá hay, bởi “ngọa” có nghĩa là nằm.
 
Ngày xuân, xin kể lại những giai thoại văn học dân gian của làng Thổ Ngọa. Một phần để tạo nên sảng khoái vui vẻ đầu năm. Phần để con cháu mai sau không quên những gì mà cha ông của một “Bát danh hương” để lại.
Đỗ Thành Đồng 

tin liên quan

Bài 2: Tên người đã khuất... hóa thành tên Quyết Thắng

(QBĐT) - Rời xã Quảng Sơn, nơi xảy ra trận thảm sát B52 tang thương khi chỉ còn đúng 25 ngày nữa thôi, Hiệp định Paris về chiến tranh Việt Nam chính thức được ký kết (27/1/1973), tôi lại đến với xã Thanh Trạch (Bố Trạch). 

Đầy đặn vốn liếng nhưng chưa thể… sinh lời

(QBĐT) - Quảng Bình mang trong mình những giá trị về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa của bà con dân tộc thiểu số nhưng những tiềm năng, lợi thế ấy chưa thực sự được phát huy.

Bài 1: Ngày giỗ chung cho những người nằm xuống

(QBĐT) - Không biết run rủi thế nào, ngày tôi về Quảng Sơn lại đúng dịp người dân trong xã tổ chức lễ giỗ chung thường niên (ngày 28/11 âm lịch) cho những nạn nhân trong trận thảm sát B52 cách đây tròn 50 năm.