Kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống ngành Tổ chức xây dựng Đảng (14/10/1930-14/10/2022)
Giải pháp quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
(QBĐT) - Tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, có vị trí rất quan trọng trong hệ thống tổ chức của Đảng. Đội ngũ đảng viên có vai trò trực tiếp và là nhân tố cơ bản quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ. Công tác xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh; nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng và mỗi đảng viên.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh nhiệm vụ: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ đảng viên”. Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết về tăng cường củng cố, xây dựng TCCSĐ và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong tình hình mới.
Xác định vai trò quan trọng của TCCSĐ và đội ngũ đảng viên, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương, thời gian qua, công tác xây dựng TCCSĐ và phát triển đội ngũ đảng viên luôn được các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ tỉnh đặc biệt coi trọng, triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ, với quyết tâm chính trị cao, chú trọng đổi mới, sáng tạo bằng những mô hình, giải pháp cụ thể nhằm tạo chuyển biến trong thực tiễn.
Một số kết quả nổi bật
Trước khi Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Kế hoạch số 07-KH/TW, ngày 17/8/2022 của Bộ Chính trị về tăng cường củng cố, xây dựng TCCSĐ và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới được ban hành, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định: “Tiếp tục đổi mới công tác tổ chức xây dựng Đảng” với yêu cầu phải xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, năng lực cụ thể hóa, lãnh đạo tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng cho đội ngũ cấp ủy viên, nhất là bí thư cấp ủy; chú trọng phát triển đảng viên, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn và trong các loại hình doanh nghiệp. Đây là cơ sở quan trọng, làm nền tảng, tạo bước chuyển biến tích cực, rõ nét trong công tác xây dựng TCCSĐ và đảng viên của Đảng bộ tỉnh.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, sau khi tổng kết 5 năm xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, giai đoạn 2016-2020, ngày 22/9/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 31-KH/TU về sắp xếp, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ, giai đoạn 2021-2025, đặt ra yêu cầu thực hiện việc sắp xếp, củng cố, kiện toàn TCCSĐ thống nhất, đồng bộ với hệ thống chính trị, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình, tránh trùng lắp, chồng chéo, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo TCCSĐ nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, có hiệu quả về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ. Trong đó, mạnh dạn thực hiện thí điểm một số mô hình, cách làm cụ thể xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn.
Toàn tỉnh hiện có 207 chi bộ với 5.783 đảng viên ở địa bàn biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa; 3 tổ chức đảng với 316 đảng viên thuộc các tổ chức, cơ quan, đơn vị có trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện đóng trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố; 1.070 chi bộ có từ 30 đảng viên đến 200 đảng viên.
Do số lượng đảng viên đông, hoạt động phân tán, nên việc tổ chức sinh hoạt chi bộ gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất không bảo đảm; việc tổ chức thảo luận, điểm danh, thu nộp đảng phí có những bất cập, tỷ lệ đảng viên vắng sinh hoạt cao… Bên cạnh đó, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, có thời điểm phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội; thiên tai bão, lũ thường xuyên xảy ra làm ảnh hưởng đến việc duy trì nền nếp sinh hoạt theo định kỳ.
Thực tiễn đặt ra yêu cầu phải đổi mới, áp dụng một số hình thức sinh hoạt chi bộ phù hợp với tính chất đặc thù đối với tổ chức đảng ở cơ sở. Căn cứ vào chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 01-HD/BTCTU, ngày 21/10/2021 về thí điểm tổ chức sinh hoạt đối với một số chi bộ đặc thù để chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc triển khai thực hiện. (1) Đối với mô hình “Sinh hoạt chi bộ theo tổ đảng”, áp dụng đối với những chi bộ có thành lập tổ đảng ở khu dân cư có số lượng từ 70 đảng viên trở lên đối với đảng bộ huyện, thị xã; có từ 100 đảng viên trở lên đối với Đảng bộ TP. Đồng Hới. (2) Đối với mô hình “Sinh hoạt chi bộ trực tuyến”, áp dụng ở các chi bộ trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đảng viên phải làm việc phân tán ở nhiều địa phương, trải dài trên địa bàn rộng hoặc chi bộ có các bộ phận đảng viên phải thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện không thể rời vị trí công tác.
Đến nay, đã có 9/13 đảng bộ cấp trên cơ sở lựa chọn 44 chi bộ để thí điểm, trong đó có 40 chi bộ thí điểm sinh hoạt chi bộ theo tổ đảng và 4 chi bộ thí điểm sinh hoạt trực tuyến. Việc sinh hoạt chi bộ theo tổ đảng đã phát huy hiệu quả, chi ủy, chi bộ có sự đầu tư chuẩn bị nội dung, phân công và gắn trách nhiệm các đồng chí cấp ủy viên trong việc chủ trì sinh hoạt tại các tổ đảng hoặc liên tổ đảng; sinh hoạt chi bộ được thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục, nội dung theo quy định, chất lượng được bảo đảm, tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt bình quân đạt gần 90%. Đối với sinh hoạt chi bộ trực tuyến, hầu hết số lượng đảng viên tham gia sinh hoạt đầy đủ 100%; đảng viên tiết kiệm thời gian, giảm đi lại, vừa tham gia sinh hoạt chi bộ, vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao, bước đầu được đánh giá phát huy hiệu quả.
Trước yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai xây dựng mô hình tổ chức đảng “Năm tốt, Bốn không”, cụ thể gồm: Năm tốt: Xây dựng quy chế hoạt động tốt; xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết tốt; giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên tốt; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình tốt; phát triển đảng viên tốt. Bốn không: Không để nội bộ mất đoàn kết, thiếu thống nhất; không bị đánh giá, xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ; không có cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật; không để phát sinh, xảy ra các vụ việc bất ngờ, phức tạp ở cơ quan, đơn vị, địa phương.
Nhằm sắp xếp, củng cố, kiện toàn TCCSĐ thống nhất, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình; tránh trùng lắp, chồng chéo, đến nay, đã chuyển giao 25 TCCSĐ trực thuộc đảng bộ cấp huyện về Đảng bộ Khối Doanh nghiệp và Khối các cơ quan tỉnh; thành lập TCCSĐ thống kê khu vực trực thuộc cấp ủy huyện nơi đặt trụ sở của đơn vị.
Một trong những điểm mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của TCCSĐ, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án ứng dụng phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử”; giai đoạn 1 dự kiến triển khai tại khoảng 1.000 chi bộ trực thuộc 172 TCCSĐ với hơn 16.000 đảng viên của 11/13 đảng bộ. Đề án được triển khai sẽ góp phần tích cực trong việc định hướng, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên một cách kịp thời hơn; hỗ trợ cho việc học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sinh hoạt chi bộ, quản lý đảng viên hiệu quả. Đồng thời, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, các cấp ủy, tổ chức đảng trên địa bàn rất chú trọng công tác phát triển đảng viên, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài trong công tác xây dựng Đảng, góp phần tăng cường, bổ sung lực lượng, trẻ hóa đội ngũ đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ. Quán triệt phương châm “Ở đâu có dân thì ở đó có đảng viên”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 58-KH/TU về kết nạp đảng viên giai đoạn 2022-2025 và đề ra chỉ tiêu cụ thể: Đối với tổ chức đảng có nguồn kết nạp đảng viên; các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy bình quân hàng năm phải kết nạp tối thiểu 3% so với tổng số đảng viên hiện có ở đầu năm. Đề ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm đẩy mạnh kết nạp đảng viên ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; vùng có quần chúng theo tôn giáo; khu vực doanh nghiệp tư nhân; học sinh, sinh viên trong các trường học; sỹ quan, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang và nơi chưa có tổ chức đảng.
Cùng với việc quan tâm phát triển đảng viên về số lượng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng đảng viên theo tinh thần Chỉ thị của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Chấn chỉnh công tác kết nạp đảng viên, khắc phục triệt để tình trạng chạy theo số lượng, xem nhẹ chất lượng. Trong 3 năm (năm 2019, 2020, 2021), các cấp ủy, tổ chức đảng đã tiến hành rà soát, sàng lọc 159 đảng viên và kiên quyết đưa 85 người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng.
Và kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn
Mặc dù vẫn đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc, song những kết quả đạt được trong xây dựng, củng cố TCCSĐ và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên ở Đảng bộ tỉnh ta thời gian qua có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ đảng viên, phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực, phẩm chất, uy tín. Qua thực tiễn triển khai công tác này cũng đúc rút ra được những bài học kinh nghiệm cho giai đoạn tiếp theo.
Một là, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải hết sức coi trọng việc tổ chức phổ biến, quán triệt các quy định của Điều lệ Đảng, các quy định, hướng dẫn của Trung ương về xây dựng và nâng cao chất lượng TCCSĐ và đảng viên; nhất là mục đích, yêu cầu, những điểm mới, qua đó, tạo sự thống nhất về mặt nhận thức, sự đồng thuận cao trong chi bộ, cấp ủy và đội ngũ đảng viên. Tập trung đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất, hiệu quả.
Hai là, thường xuyên quan tâm làm tốt công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về công tác xây dựng TCCSĐ và đảng viên. Từ đó, nêu cao quyết tâm chính trị, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trên thực tế. Quan tâm chăm lo xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ cấp ủy viên các cấp, nhất là bí thư cấp ủy có đủ bản lĩnh chính trị, phẩm chất, trí tuệ và năng lực hoạt động thực tiễn đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chú trọng công tác phân tích, đánh giá cán bộ, đảng viên và TCCSĐ hàng năm bảo đảm chất lượng, đúng thực chất.
Ba là, quá trình tổ chức thực hiện cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; sự theo dõi, hướng dẫn kịp thời của cấp ủy cấp trên; bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu, vai trò tiên phong, gương mẫu trong sinh hoạt đảng; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đồng thời, cần tạo môi trường để đảng viên rèn luyện, phấn đấu, nâng cao bản lĩnh chính trị, tính tiên phong, gương mẫu, thực hiện nghiêm các nguyên tắc về sinh hoạt đảng. Bên cạnh đó, phải kịp thời nắm bắt tình hình, chỉ đạo, hướng dẫn và giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các chi bộ, các cấp ủy đảng.
Bốn là, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ phải gắn liền với xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phải lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ sở làm thước đo năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ. Quá trình thực hiện phải thường xuyên kết hợp giữa xây dựng cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh với củng cố, chấn chỉnh cơ sở đảng yếu kém; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải đi đôi với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh.
Năm là, phát huy tốt dân chủ trong Đảng và trong xã hội; tăng cường mối quan hệ máu thịt và chịu sự giám sát của nhân dân; phải dựa vào dân để xây dựng Đảng và rèn luyện cán bộ, đảng viên. Coi trọng chất lượng phát triển đảng viên, đi đôi với việc thường xuyên rà soát, sàng lọc, kịp thời và kiên quyết đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng.
Công cuộc đổi mới của quê hương, đất nước đang bước vào giai đoạn mới, bên cạnh nhiều thời cơ, vận hội, có không ít những khó khăn, thách thức. Để làm tròn sứ mệnh cao cả của mình, đòi hỏi tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến cơ sở phải thực sự trong sạch, vững mạnh về mọi mặt. Tại Hội nghị Trung ương 5, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và thống nhất cao về sự cần thiết phải tạo cho được sự chuyển biến mạnh mẽ và thực chất hơn nữa trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở nước ta thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện từ gốc, từ cơ sở; nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên và chất lượng đảng viên, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Phát huy kết quả đạt được, các cấp ủy đảng trong toàn Đảng bộ tỉnh sẽ chủ động cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng TCCSĐ và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Mỗi một đảng viên cũng phải xác định rõ bổn phận và trách nhiệm thiêng liêng và cao cả của mình, không ngừng phấn đấu và rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng về phẩm chất đạo đức, lối sống; gương mẫu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Đây sẽ là giải pháp quan trọng hàng đầu trong nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Trần Vũ Khiêm
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.