Xem xét kỹ lưỡng các nội dung chuẩn bị Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội

  • 05:55 | Thứ Năm, 13/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình Phiên họp thứ 16, tháng 10/2022, trọng tâm là cho ý kiến các nội dung để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chiều 12/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 16.
 
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, sau 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình Phiên họp thứ 16, tháng 10/2022, trọng tâm là cho ý kiến các nội dung để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
 
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến cụ thể về các nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Đó là các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023, trong đó có phương án điều chỉnh tiền lương cơ sở cho cán bộ công chức, người có công với cách mạng, cán bộ nghỉ hưu; Kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2022 và dự kiến Kế hoạch đầu tư công năm 2023.
 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo giám sát việc giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn, thư của công dân và kết quả giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2022; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4.
 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ tổng kết đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội; kết quả triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, giai đoạn 2021-2030.
 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số ôtô thông qua đấu giá; công tác nhân sự trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 4; việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ theo thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xem xét báo cáo Công tác dân nguyện của Quốc hội 9/2022; cho ý kiến về Bộ nhận diện Quốc hội Việt Nam; đồng thời tham gia cho ý kiến bằng văn bản đối với dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với công chức viên chức; 3 báo cáo của Chính phủ gửi đại biểu Quốc hội nghiên cứu tại Kỳ họp thứ 4 gồm: Tình hình thực hiện mục tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022; Báo cáo về quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2021; Tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2021.
 
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ các nội dung thuộc Kỳ họp thứ 4 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến kỹ lưỡng và đến nay cơ bản đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Từng nội dung đã được các Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành và kết luận cụ thể.
 
Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan, sớm ban hành ngay các kết luận để các cơ quan hữu quan kịp thời tiếp thu chỉnh lý, có căn cứ triển khai thực hiện.
 
Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội và các cơ quan bám sát kết luận của phiên họp, khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện, đảm bảo hồ sơ, tài liệu được gửi sớm nhất có thể, với chất lượng cao nhất để các đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng và có ý kiến sâu sát, chất lượng nhất tại Kỳ họp thứ 4. 
 
Ngay sau phiên họp, Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ sẽ họp liên tịch mở rộng để lãnh đạo, chỉ đạo công tác tổ chức Kỳ họp thứ 4, nhằm bảo đảm tiếp tục nâng cao chất lượng kỳ họp để đáp ứng yêu cầu đặt ra.
 
"Thời gian từ nay đến lúc khai mạc Kỳ họp thứ 4 chỉ còn khoảng hơn 1 tuần. Đây là thời gian các cơ quan phải gấp rút hoàn thiện đầy đủ hồ sơ tài liệu, các nội dung trình Quốc hội. Vì vậy, các cơ quan của Quốc hội cùng các cơ quan, tổ chức hữu quan phải tập trung cao độ, thật sự khẩn trương, rà soát kỹ lưỡng và hoàn thiện các bước cuối cùng về các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp đạt chất lượng cao nhất, bảo đảm phục vụ Quốc hội đưa ra được những quyết sách đúng đắn, kịp thời với sự đồng thuận cao để Kỳ họp thứ 4 tiếp tục thành công. Cho đến nay, mọi công việc cần thiết cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đã hoàn tất và sẵn sàng cho ngày khai mạc dự kiến vào 20/10 tới," Chủ tịch Quốc hội khẳng định./.
 
Theo Diệp Trương (TTXVN/Vietnam+)
 

tin liên quan

Đại hội đại biểu Hội Cựu chiến binh tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2027

(QBĐT) - Ngày 12/10, Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2027.

Kiên trì, kiên quyết thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng

(QBĐT) - Sáng nay, 12/10, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc giao ban công tác kiểm tra, giám sát 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2022.

Tạo chuyển biến toàn diện, rõ nét trong công tác kiểm tra, giám sát

(QBĐT) - Chiều 12/10, đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đinh Hữu Thành chủ trì hội nghị giao ban công tác kiểm tra, giám sát 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2022.