Người anh hùng Gạc Ma ở thành phố mang tên Bác

  • 09:09 | Thứ Năm, 14/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Buổi sáng tháng ba, tại buổi họp mặt Hội đồng hương huyện Quảng Ninh ở TP. Hồ Chí Minh, tôi nhận ra anh trong bộ lễ phục màu trắng với quân hàm trung tá. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Nguyễn Văn Lanh đến, kịp đón nhận những tình cảm yêu thương từ quê nhà trao gửi. “Không còn mấy ngày nữa là cả nước nhớ về sự kiện Gạc Ma, quần đảo Trường Sa, 14/3/1988. Năm nay, vì sức khỏe yếu nên anh không về được với đồng đội Quảng Bình một thời sống chết giữ đảo Gạc Ma”, anh Nguyễn Văn Lanh bồi hồi.
 
Cờ Tổ quốc quyết giữ
 
Trong câu chuyện giữ đảo Gạc Ma, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Lanh vẫn nhớ như in từng cái tên của đồng chí, đồng đội một thời đi giữ gìn biển, đảo Trường Sa; trong đó có rất nhiều liệt sỹ quê hương Quảng Bình: Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, Anh hùng LLVTND Trần Văn Phương (phường Quảng Phúc, TX. Ba Đồn), Nguyễn Văn Lục (xã Quảng Thủy, TX. Ba Đồn), Nguyễn Xuân Thống (xã Nhân Trạch, Bố Trạch), Mai Xuân Hải (xã Liên Trạch, Bố Trạch), Võ Văn Tứ (xã Trường Sơn, Quảng Ninh) và Lê Hữu Thảo (Hà Tĩnh)...
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lanh (bìa phải).
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lanh (bìa phải).
Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Lanh nhớ lại lời động viên của Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma Trần Văn Phương trước giờ sinh tử với quân thù: “Tất cả chúng mình quyết giữ lấy đảo. Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Máu chúng mình sẽ thắm mãi với Trường Sa, thắm mãi trên lá cờ Tổ quốc Việt Nam”.
 
Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Lanh sinh ra tại xã Vạn Ninh (Quảng Ninh). Tháng 8/1985, Nguyễn Văn Lanh vào bộ đội. Tháng 3/1988, anh nhận lệnh ra quần đảo Trường Sa, đi xây dựng đảo Gạc Ma.
 
Buổi sáng ngày 14/3/1988 vẫn vẹn nguyên trong ký ức, anh Lanh kể: “Có nhắm mắt xuôi tay mới thôi không còn nhớ. Sáng đó, bộ đội chưa kịp ăn lót dạ thì các anh Trần Văn Phương, Lê Hữu Thảo cùng khoảng 20 người rời tàu HQ-604 xuống xuồng đến đảo Gạc Ma. Khi cờ Tổ quốc được anh Phương cắm xuống đảo thì địch đổ bộ. Hai bên giáp lá cà, giằng co nhau quyết liệt. Anh em trên đảo Gạc Ma chỉ có xà beng, cuốc, xẻng trong lúc đó phía Trung Quốc được trang bị vũ khí tận răng. Từ tàu HQ-604, thấy tình hình trên đảo Gạc Ma căng thẳng, bộ đội được lệnh bơi vào chi viện cho đảo. Sau đó thì súng nổ... anh Trần Văn Phương trúng đạn ngã xuống. Mình vội xông tới nắm lấy cán cờ từ bàn tay đẫm máu của anh Phương, giữ nguyên ngọn cờ bất khuất đó”.
Đại diện lãnh đạo huyện Quảng Ninh và đại diện Hội đồng hương huyện Quảng Ninh tại TP. Hồ Chí Minh tặng hoa cho Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lanh.
Đại diện lãnh đạo huyện Quảng Ninh và đại diện Hội đồng hương huyện Quảng Ninh tại TP. Hồ Chí Minh tặng hoa cho Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lanh.
Thời điểm sinh tử giữ đảo Gạc Ma, anh Nguyễn Văn Lanh là trung sĩ thuộc Trung đoàn 83 Công binh Hải quân. Đến năm 1989, Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Nguyễn Văn Lanh khi anh tròn 23 tuổi.
 
Nhớ về đồng đội
 
Trong trận hải chiến giữ đảo Gạc Ma, Nguyễn Văn Lanh bị quân Trung Quốc đâm một lưỡi lê từ phía sau rồi hứng trọn loạt đạn găm vào vai xuyên xuống lưng, sau đó thì ngất đi. Lúc tỉnh dậy, anh thấy mình đang ở đảo Sinh Tồn. “Nguyễn Văn Lục ở xã Quảng Thủy đưa mình về trên tấm ván nham nhở vết đạn cùng với Võ Văn Tứ, quê quán xã Trường Sơn (Quảng Ninh). Tứ bị mất một chân, máu ra nhiều, nên khi đến đảo Sinh Tồn thì Tứ hy sinh”-Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Lanh bồi hồi.
 
Nguyễn Văn Lanh bảo: “Trong trận hải chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988, có 64 đồng đội hy sinh. Rất nhiều người bị phía Trung Quốc bắt giữ. Tỉnh Quảng Bình có 13 liệt sỹ vĩnh viễn nằm lại giữa Gạc Ma, giữa sóng nước Trường Sa”.

Trong câu chuyện ân tình tại thành phố mang tên Bác, tôi thông báo cho Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Lanh hay: Kỷ niệm 36 năm sự kiện Gạc Ma, quần đảo Trường Sa (14/3/1988-14/3/2024) năm nay diễn ra tại Nghĩa trang liệt sỹ phường Quảng Phúc (TX. Ba Đồn) nơi có phần mộ của Anh hùng LLVTND, liệt sĩ Trần Văn Phương, UBND TX. Ba Đồn và UBND phường Quảng Phúc quyết định gắn biển tên đường mang tên Anh hùng LLVTND, liệt sỹ Trần Văn Phương cho một tuyến phố trung tâm ở phường Quảng Phúc. Điều đặc biệt... là con đường mang tên người Anh hùng Gạc Ma luôn hướng thẳng ra biển lớn.

 
Bà Nguyễn Thị Kỷ năm nay ngoài 90 tuổi, mẹ Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Lanh, hiện tại đang sinh sống ở xã Vạn Ninh. Ngày ngày mẹ vẫn mong đứa con trai từ phương Nam trở về, như ngày xưa trông ngóng tin con phía mênh mông sóng nước Trường Sa.
 
Ở TP. Hồ Chí Minh, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Lanh hẹn với mẹ Kỷ rằng sẽ về: “Về thăm mạ, thăm đồng đội con. Thắp nén tâm nhang cho 13 liệt sỹ Gạc Ma quê hương Quảng Bình. Nhưng sức khỏe con không bảo đảm, đường sá xa xôi cách trở. Sức khỏe lại quá yếu. Hẹn mạ và đồng đội ngày sau”.
 
Hỏi chuyện, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Lanh cho hay: “Sau khi đồng đội đưa về đảo Sinh Tồn, Quân chủng Hải quân đón anh vào Bệnh viện Quân y 175 (TP. Hồ Chí Minh) để cứu chữa. Do vết thương quá nặng, bị lưỡi lê làm đứt gân nên cánh tay phải gần như liệt. Đến năm 1989, các bác sĩ Bệnh viện 103 (Hà Nội) nối thành công đoạn gân bị đứt và mãi 4 năm sau, cánh tay anh mới hồi phục dần”.
Thanh Long

tin liên quan

Quảng Ninh: Huy động 457 đơn vị máu từ ngày hội hiến máu tình nguyện

(QBĐT) - Sáng 13/3, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) huyện Quảng Ninh phối hợp với Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới tổ chức ngày hội HMTN đợt 1 năm 2024. 

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 21/CĐ-TTg gửi Bộ trưởng Công an, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy.

Tiếp nhận, cứu hộ nhiều động vật hoang dã, quý hiếm

(QBĐT) - Ngày 13/3, Phó Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (BQL VQG PN-KB) Hoàng Hải Vân cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận 11 cá thể động vật hoang dã do Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội chuyển giao để tiếp tục cứu hộ và thả về môi trường tự nhiên.