Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp

  • 10:15 | Thứ Ba, 12/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, Huyện đoàn Tuyên Hóa đã triển khai nhiều phong trào, hoạt động thiết thực, hiệu quả hướng về cơ sở. Trong đó, phong trào đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp đã giúp cho nhiều bạn trẻ trên địa bàn giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
 
Để khơi dậy tinh thần xung kích của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển các mô hình kinh tế, vươn lên khá giàu, Huyện đoàn Tuyên Hóa đã phối hợp với các cơ quan liên quan định hướng cho ĐVTN về nghề nghiệp, khởi nghiệp, thực hiện các mô hình phát triển phù hợp, hỗ trợ nguồn vốn, tiếp cận khoa học kỹ thuật, tạo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các mặt hàng kinh doanh… 
Tập huấn khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã và xây dựng mô hình phát triển kinh tế cho thanh niên huyện Tuyên Hóa.
Tập huấn khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã và xây dựng mô hình phát triển kinh tế cho thanh niên huyện Tuyên Hóa.
Năm 2023, 100% đoàn trường học trên địa bàn đã tổ chức hội nghị tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh lớp 12, cung cấp các thông tin tuyển dụng để định hướng nghề nghiệp cho các em; phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, vận động TN trên địa bàn đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang nước ngoài. Hiện, toàn huyện có hàng nghìn ĐVTN tham gia lao động tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và các nước khác.
 
Huyện đoàn cũng đã phối hợp với các ngân hàng để tạo điều kiện cho TN vay vốn, XKLĐ. Đến nay, tổng dư nợ tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đạt trên 106 tỷ đồng với 48 tổ tiết kiệm và vay vốn do Huyện đoàn giới thiệu. Nhìn chung, nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, chủ yếu là tập trung cho phát triển kinh tế hộ gia đình, như: Chăn nuôi, trồng rừng, mở các dịch vụ kinh doanh, sản xuất... Hiện, trên địa bàn có 4 mô hình làm ăn kinh tế có sử dụng nguồn vốn Quỹ Quốc gia về việc làm từ kênh Trung ương Đoàn ủy quyền cho Huyện đoàn quản lý với số tiền 310 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 30 ĐVTN với thu nhập 4-9 triệu đồng/tháng.
 
Ngoài ra, Huyện đoàn còn phối hợp với UBND huyện tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp giữa Chủ tịch UBND huyện với TN năm 2023 với chủ đề “TN huyện Tuyên Hóa với chuyển đổi số, phát triển kinh tế số”. Hội nghị đã mở ra nhiều hướng đi mới, giúp ĐVTN định hướng nghề nghiệp, việc làm và khởi nghiệp, tiếp cận vốn vay. Huyện đoàn cũng đã phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức lớp tập huấn khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã và xây dựng mô hình phát triển kinh tế cho TN trên địa bàn…
 
Nhờ tiếp cận kiến thức, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, trên địa bàn huyện đã xuất hiện hàng trăm mô hình của ĐVTN có thu nhập cao, lãi ròng đạt từ 50-300 triệu đồng, đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội và giải quyết việc làm tại các địa phương.
 
Bí thư Đoàn thị trấn Đồng Lê Đặng Thanh Văn chia sẻ: “Đoàn thị trấn có 12 chi đoàn, trong đó có 9 chi đoàn thuộc các tiểu khu với 132 ĐV. Để tạo điều kiện cho ĐVTN phát triển kinh tế, chúng tôi đã phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện cho các bạn trẻ vay vốn. Đến nay, trên địa bàn đã xây dựng 7 mô hình kinh tế vườn đồi, vườn rừng, chăn nuôi; 3 mô hình sửa chữa ô tô và hàng chục mô hình kinh doanh cà phê, in ấn, quảng cáo… Trong đó, có 12 mô hình có lãi từ 50-300 triệu đồng/năm”.
a
Anh Trần Ánh Dương (ngoài cùng bên trái) xây dựng mô hình in, quảng cáo, làm nội thất bằng nhựa và gỗ công nghiệp, tạo việc làm cho thanh niên trên địa bàn.
Năm 2021, ĐV Trần Ánh Dương, ở tiểu khu Đồng Văn, thị trấn Đồng Lê, được vay vốn Quỹ Quốc gia về việc làm từ kênh Trung ương Đoàn gần 100 triệu đồng. Từ nguồn vốn này kết hợp với số vốn tích cóp, anh đã xây dựng mô hình in, quảng cáo, làm nội thất bằng nhựa và gỗ công nghiệp. Mô hình đã giúp anh đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm, lãi ròng đạt trên 300 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 6 TN trên địa bàn với mức thu nhập từ 7-9 triệu đồng/tháng. Anh Dương tâm sự: “Thời gian tới, tôi sẽ đầu tư thêm máy móc, mở rộng lĩnh vực kinh doanh để tạo thêm nhiều việc làm cho ĐVTN. Tôi cũng mong có thêm nhiều bạn trẻ được vay vốn, mạnh dạn phát triển sản xuất, kinh doanh để làm giàu cho bản thân và xã hội”.
 
Được vay 71 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Quốc gia về việc làm kết hợp với nguồn vốn khác, tháng 9/2023, chị Nguyễn Thị Hoa, ở thôn Tân Hóa, xã Mai Hóa xây dựng nhà hàng Hoa Hợp chuyên phục vụ đám cưới... Mô hình của chị có tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ đồng, có khả năng phục vụ hàng trăm đám cưới mỗi năm, tạo việc làm thường xuyên cho 5 ĐVTN và hàng chục lao động thời vụ. Chị Hoa chia sẻ: “Lúc vay vốn mở nhà hàng tôi cũng lo lắm, nhưng được các tổ chức đoàn, gia đình quan tâm, động viên, ủng hộ và giới thiệu khách nên công việc kinh doanh cũng đã dần ổn định”…
“Huyện đoàn Tuyên Hóa có 43 tổ chức cơ sở đoàn (19 xã, thị trấn; 19 chi đoàn trực thuộc và 5 đoàn trường học). Ðể thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp, góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, Huyện đoàn sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan giúp ĐVTN tư vấn việc làm, tiếp cận nguồn vốn, khoa học kỹ thuật; mở rộng các mô hình trang trại, chú trọng đào tạo nghề, xây dựng câu lạc bộ TN khởi nghiệp, TN giúp nhau phát triển kinh tế...”, Bí thư Huyện đoàn Tuyên Hóa Nguyễn Ngọc Quân cho biết.
Bí thư Đoàn xã Mai Hóa Nguyễn Thị Ngọc Ánh cho biết: “Chị Nguyễn Thị Hoa là người rất năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân và tạo nhiều việc làm cho ĐVTN trên địa bàn. Mô hình nhà hàng của chị mới đi vào hoạt động nhưng đã được nhiều khách hàng lựa chọn, đánh giá cao”. Trước đây, trên địa bàn xã có rất đông ĐVTN. Để phát triển kinh tế, Đoàn xã đã tuyên truyền, vận động ĐVTN mạnh dạn vay vốn xây dựng các mô hình kinh tế và XKLĐ. Đến nay, cả xã đã có trên 200 ĐVTN đi XKLĐ, xây dựng được hàng chục mô hình kinh tế, trong đó có 3 hộ hình đạt lãi ròng trên 50 triệu đồng/năm...
 
Mặc dù đạt nhiều hiệu quả, nhưng phong trào đồng hành cùng TN khởi nghiệp, lập nghiệp tại huyện Tuyên Hóa vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, với những cách làm hay của các tổ chức đoàn, tin rằng trong thời gian tới, các bạn trẻ sẽ có thêm điều kiện phát triển kinh tế, việc làm khi được tiếp cận chế độ chính sách, vốn vay, kiến thức để áp dụng vào thực tế…
XUÂN VƯƠNG

tin liên quan

Tổ chức hơn 100 lớp đào tạo nghề tại các địa phương

(QBĐT) - Theo số liệu từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, năm 2023, toàn tỉnh đã tổ chức được 108 lớp đào tạo nghề cho 3.599 người từ các nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch 463, nguồn kinh phí địa phương và nguồn kinh phí của 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp

(QBĐT) - Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN), thời gian qua, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN trên địa bàn tỉnh.
 

Khánh thành và bàn giao bếp ăn bán trú Trường TH-THCS số 2 Kim Thủy

(QBĐT) - Chiều nay, 11/3, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức lễ khánh thành và bàn giao bếp ăn bán trú Trường TH-THCS số 2 Kim Thuỷ (Lệ Thủy). Tham dự có đại diện lãnh đạo các ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan.