Bản PLoang... nơi gặp gỡ của những tấm lòng
(QBĐT) - Trong chuyến công tác lên với xã Trường Sơn (Quảng Ninh), Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Nguyễn Văn Thái cho tôi xem bức thư cảm ơn của chị Hồ Thị Thi, Trưởng bản PLoang gửi lớp cao cấp lý luận chính trị (CCLLCT) K73B.15, Tỉnh ủy Quảng Bình. Bức thư có đoạn: “... Nhờ sự giúp đỡ từ tập thể lớp CCLLCT K73B.15 mà ước mơ bao đời nay của đồng bào Bru-Vân Kiều bản PLoang đã thành hiện thực. Hiện tại, mỗi hộ đồng bào sở hữu một công trình nhà vệ sinh khép kín kết hợp với nhà tắm, giúp PLoang trở thành bản đồng bào Bru-Vân Kiều đầu tiên ở xã Trường Sơn phủ kín công trình vệ sinh, hướng đến mục tiêu xây dựng bản văn minh, xanh-sạch-đẹp”.
Sáng kiến “xanh”... đồng hành giúp dân bản
Năm 2023, tranh thủ thời gian tạm nghỉ học, Ban cán sự lớp CCLLCT K73B.15 quyết định chọn xã miền núi Trường Sơn tiến hành chuyến thực tế để triển khai chương trình thiện nguyện vì cuộc sống cộng đồng.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND xã Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Trần Thị Thùy Dung đề xuất: “Hay là chúng ta cùng chung tay làm nhà vệ sinh giúp đồng bào. Hiện tại trên địa bàn xã, Bộ đội Biên phòng (BP) đang triển khai mô hình “Nhà vệ sinh vì cộng đồng”. Bước đầu thí điểm, mô hình đã nhận được sự đồng thuận rất cao của đồng bào Bru-Vân Kiều ở các bản”.
Qua tìm hiểu, Ban cán sự lớp được thượng tá Lê Văn Sỹ, Chính trị viên Đồn BP Làng Mô cho biết: “Đây chính là sáng kiến của cán bộ, chiến sĩ đồn. Quá trình cùng ăn, cùng ở, cùng làm, Bộ đội BP hiểu rõ phong tục, tập quán bà con. Muốn đồng bào thay đổi nếp sống sạch, hợp vệ sinh, giữ gìn môi trường sống văn minh thì phải bắt đầu từ điều tưởng chừng nhỏ nhặt nhất-chuyện vệ sinh cá nhân. Thế là mô hình “Nhà vệ sinh vì cộng đồng” ra đời”.
Mô hình “Nhà vệ sinh vì cộng đồng”-một sáng kiến “xanh” của tuổi trẻ Đồn BP Làng Mô bao gồm hầm tự hủy kết nối 3 thùng nhựa nguyên sinh HDPE có sức dẻo và độ bền cao, chịu được va đập, không bị ăn mòn, ôxy hóa... dung tích 160 lít/thùng kết nối với nhau bằng hệ thống ống nhựa. Phía trên hầm tự hủy gắn bể phốt, được che chắn và lợp bằng các nguyên vật liệu đồng bào sẵn có. Diện tích một công trình tự hủy khoảng từ 5-10m2 tùy theo điều kiện kinh tế từng hộ đồng bào. Thời gian bền vững của công trình khoảng 10 năm. Chi phí mỗi công trình vệ sinh theo mô hình “xanh” này chỉ từ 4-7 triệu đồng, bằng 1/3 chi phí nhà vệ sinh xây bằng gạch và xi măng.
Sau khi hoàn thiện mô hình, Đồn BP Làng Mô triển khai thí điểm giúp 10 hộ gia đình tại các bản Khe Cát, Cổ Tràng, Cây Sú, Trung Sơn... Kết quả rất khả quan, hợp lòng dân.
Qua thống nhất với lãnh đạo xã Trường Sơn và Đồn BP Làng Mô, Ban cán sự lớp CCLLCT K73B.15 quyết định chọn bản PLoang triển khai làm “Nhà vệ sinh vì cộng đồng”, cố gắng hỗ trợ cho tất cả các hộ dân trong bản có nhu cầu.
Nơi gặp gỡ của những tấm lòng
Xã Trường Sơn có 15 bản đồng bào dân tộc thiểu số Bru-Vân Kiều. Từ lâu, vấn đề ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh tại các bản đồng bào luôn ở mức báo động, nguyên nhân do điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng, đời sống đồng bào gặp nhiều khó khăn, chịu sự tác động của tập quán, thói quen ăn, ở lạc hậu từ người dân.
Giống thực trạng chung các bản trong xã, tại bản PLoang, nơi sinh sống của 35 hộ, 158 khẩu đồng bào Bru-Vân Kiều hầu như chưa có một nhà vệ sinh nào theo đúng nghĩa, an toàn với môi trường. Đồng bào cứ “hồn nhiên” thải tự do ra đồi núi, suối khe, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, nguồn nước sinh hoạt...
“Cho nên, những công trình “Nhà vệ sinh vì cộng đồng” mà lớp CCLLCT K73B.15 hỗ trợ kinh phí cùng Bộ đội BP Làng Mô xây dựng tặng đồng bào trong bản, bà con vui lắm. Vừa giữ sạch nhà, vừa giúp sạch bản”-Trưởng bản PLoang Hồ Thị Thi chia sẻ-“Cái đầu bà con hiểu ra là muốn xây dựng bản làng sạch, đẹp, hợp vệ sinh, hạn chế ô nhiễm môi trường thì phải đoạn tuyệt việc “hồn nhiên ” đi thải tự do ra đồi núi, suối khe mà nên dùng nhà vệ sinh tự hủy, khép kín, kết hợp với nhà tắm... Nhưng khổ nỗi, bà con nghèo, thiếu tiền, nên “cái khó bó cái khôn”. Vậy là thay mặt bà con dân bản PLoang, trên cương vị trưởng bản, mình quyết định xin thêm. Đến nay, tất cả các hộ trong bản đăng ký danh sách đều có nhà vệ sinh tự hủy”.
Lớp CCLLCT K73B.15, Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức trong thời gian 18 tháng, từ tháng 9/2022 đến tháng 3/2024 gồm 55 học viên đến từ các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị toàn tỉnh. Kết thúc khóa học, tất cả học viên tốt nghiệp với kết quả từ loại khá trở lên. Ngoài duy trì tốt phong trào học tập, tập thể lớp còn tích cực tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội, chung tay vì cộng đồng với nguồn kinh phí huy động, đóng góp trên 120 triệu đồng, trong đó hỗ trợ làm 25 công trình “Nhà vệ sinh vì cộng đồng” tại bản PLoang, xã Trường Sơn trị giá trên 100 triệu đồng. |
“Từ 5 công trình “Nhà vệ sinh vì cộng đồng” ban đầu, tiếp đó thêm 10 công trình nữa được triển khai. Ngày đại diện lớp CCLLCT K73B.15 lên thăm bản PLoang, đồng bào mong ước: “Cán bộ miền xuôi giúp dân bản thì giúp cho “trọn nghĩa, vẹn tình”. Mong muốn bà con là nhà nào cũng có công trình vệ sinh, để khỏi phải dùng chung, giúp đồng bào chủ động trong khâu vệ sinh cá nhân, không phải ra rừng, ra suối...”.
Thể theo nguyện vọng bà con bản PLoang, tập thể lớp CCLLCT K73B.15 quyết định hỗ trợ thêm 10 công trình “Nhà vệ sinh vì cộng đồng” theo đúng danh sách đăng ký tại Trưởng bản Hồ Thị Thi. Toàn bộ 25 công trình “Nhà vệ sinh vì cộng đồng” triển khai trong năm 2023, hoàn thành đúng dịp Tết Nguyên đán 2024, trở thành một niềm vui lớn của bản PLoang”, anh Lê Thanh Tâm, lớp trưởng lớp CCLLCT K73B.15 cho biết.
Trò chuyện cùng chúng tôi, nhắc đến ý nghĩa thiết thực của mô hình “Nhà vệ sinh vì cộng đồng” đối với dân bản PLoang, già làng Hồ Trực xúc động: “Trước đây chưa có nhà vệ sinh khép kín, khổ lắm! Nhất là vào thời điểm mưa gió, giá rét, đêm hôm, không ra rừng, ra suối được. Bây giờ khác rồi..., dùng nhà vệ sinh khép kín tiện cả đôi đường, vừa thuận lợi cho sinh hoạt cá nhân, vừa bảo đảm gia đình, bản làng sạch sẽ. Đồng bào mãi ghi nhớ trong tâm tình cảm của người miền xuôi”.
An Hồ