Đào tạo ngành công nghệ kỹ thuật ô tô: Bắt kịp xu thế

  • 07:21 | Thứ Sáu, 22/09/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Số lượng tuyển sinh luôn vượt chỉ tiêu đề ra. Học sinh, sinh viên (HSSV) đều tìm kiếm được việc làm phù hợp ngay khi ra trường. Công nghệ kỹ thuật ô tô được coi là ngành, nghề “hot”. Sức hút ấy sẽ còn kéo dài, nhất là khi nhu cầu sử dụng ô tô ngày càng phổ biến và các doanh nghiệp (DN) kinh doanh loại hình vận tải này đang ngày càng mở rộng quy mô sản xuất.  
 
Nghề “hợp trend”
 
Tốt nghiệp THPT, em Võ Minh Tâm (xã Dương Thủy, Lệ Thủy) chọn học nghề thay vì thi vào các trường đại học như bạn bè cùng trang lứa. Tâm bảo, từ nhỏ, em đã yêu thích mày mò, tháo lắp các mô hình ô tô nhưng không nghĩ lớn lên sẽ theo học ngành kỹ thuật này. Dần dần Tâm nhận thấy ngành công nghệ kỹ thuật ô tô ngày càng phổ biến khi nhiều người quen theo học và làm nghề. Giữa rất nhiều sự lựa chọn, Tâm quyết định theo học ngành công nghệ ô tô hệ cao đẳng tại Trường cao đẳng kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình (CĐKTCNNQB).
 
“Tụi em vẫn thường đùa với nhau là mình đang theo học một ngành rất “hợp trend” (hợp xu hướng-P.V) khi thấy các anh khóa trên tốt nghiệp ra trường đều xin được việc làm, có anh còn đi làm, có thu nhập ngay khi đang trong thời gian thực tập”, Tâm chia sẻ thêm.
 
Như lời Tâm nói, ngành công nghệ kỹ thuật ô tô là một trong những ngành “hot” hiện nay, thu hút một số lượng lớn HSSV. Tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn, ngành này luôn đứng tốp đầu về số lượng HSSV theo học. Chỉ tiêu tuyển sinh năm sau luôn cao hơn năm trước. Số HSSV tốt nghiệp ra trường có việc làm cũng chiếm tỷ lệ rất cao, từ 90-100%.
 
Trong đó, nhiều em đã mạnh dạn mở các gara ô tô, mang đến nguồn thu nhập ổn định. Nhu cầu sử dụng phương tiện ô tô ngày càng tăng cùng việc mở rộng quy mô sản xuất của các hãng ô tô đã đặt ra đòi hỏi lớn về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Quy mô, chỉ tiêu tuyển sinh ngày một nới rộng nhưng nguồn cung vẫn không đủ cầu.
Chương trình đào tạo ngành công nghệ kỹ thuật ô tô luôn chú trọng kỹ năng thực hành cho HSSV.
Chương trình đào tạo ngành công nghệ kỹ thuật ô tô luôn chú trọng kỹ năng thực hành cho HSSV.
Theo ông Đào Hữu Mạnh, Trưởng khoa Cơ khí động lực, Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình, công nghệ kỹ thuật ô tô được xem là ngành đào tạo mũi nhọn. Ngành này có số lượng HSSV đông nhất trong toàn trường với số lượng tuyển sinh hàng năm luôn vượt chỉ tiêu đề ra. “Từ năm 2012 đến nay, ngành công nghệ ô tô luôn được Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình quan tâm đầu tư về trang thiết bị dạy học để nâng cao chất lượng đào tạo. Đối với ngành này, trường đang đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng với số lượng tuyển sinh luôn ở tốp đầu và tăng dần theo hàng năm”, ông Mạnh cho biết thêm.
 
Tại Trường CĐKTCNNQB và Trường trung cấp Du lịch-Công nghệ số 9, ngành công nghệ kỹ thuật ô tô cũng được coi là ngành “hot”. Ngoài hệ trung cấp, cao đẳng, Trường CĐKTCNNQB cũng liên kết đào tạo với Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh để đào tạo hệ đại học liên thông, hình thức vừa làm, vừa học.
 
Chạy đua với công nghệ
 
Cánh cửa cơ hội nghề nghiệp đối với HSSV tốt nghiệp ngành công nghệ kỹ thuật ô tô luôn rộng mở. Tuy nhiên, đây được coi là ngành đặc thù, không phải là nghề nghiệp mà bất cứ ai cũng có thể theo đuổi và phát triển tốt. Công nghệ ô tô là lĩnh vực luôn thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi cả DN, cơ sở GDNN, người dạy và người học cũng phải nhanh chóng bắt kịp với sự phát triển của công nghệ. Không nhanh, sẽ tụt hậu, không nắm bắt được, sẽ thiếu kỹ năng nghề. Vì vậy, chương trình đào tạo ngành công nghệ kỹ thuật ô tô cũng phải thay đổi để chạy đua với công nghệ.
 
Theo ông Nguyễn Thế Lực, Trưởng khoa Cơ khí và xây dựng công trình, Trường CĐKTCNNQB, là ngành đặc thù nên việc đào tạo công nghệ kỹ thuật ô tô cũng bắt buộc phải có sự ưu tiên đầu tư trang thiết bị, nhất là các loại động cơ, công nghệ mới hỗ trợ cho việc dạy học, thực hành của HSSV tại nhà xưởng. Chương trình đào tạo được thiết kế phù hợp, ưu tiên kỹ năng nghề với 30% lý thuyết, 70% thực hành.
 
Tại một hội thảo về GDNN mới đây, bà Nguyễn Thị Bảo Yến, đại diện Công ty Thaco Auto Quảng Bình khẳng định, mối quan hệ giữa nhà trường và DN trong đào tạo ngành công nghệ ô tô còn chưa chặt chẽ. DN chưa đặt ra những ngành, nghề nên cân nhắc ưu tiên đào tạo, có nhu cầu tuyển dụng trong thời gian nhất định. Nhà trường thì vẫn chủ yếu đào tạo theo khả năng “cung” chứ chưa thực sự đào tạo theo “cầu” của DN. Trong khi đó, nhiều DN, đơn vị phải dành một khoản tài chính và thời gian để đào tạo bổ sung cho SV mới tốt nghiệp ra trường.

“Tại trường chúng tôi, tiết thực hành của HSSV luôn được chú trọng. Trong đó, mỗi nhóm học tích hợp và thực hành tại nhà xưởng tối đa không quá 18 HSSV. Phải làm sao để các em càng được thực hành nhiều càng tốt. Ngoài ra, nhà trường cũng ký kết các chương trình hợp tác quốc tế với các DN, trường nghề ở Thái Lan, Lào… để nâng cao chất lượng đào tạo”, ông Lực chia sẻ.

Để chạy đua với công nghệ, giáo viên đứng lớp cũng buộc phải thường xuyên cập nhật, phát triển kỹ năng nghề. Nhiều cơ sở GDNN đã cử giáo viên tham gia vào các chương trình bồi dưỡng chuyên sâu, tham quan tại các DN ô tô. Và chính bản thân người học cũng buộc phải nỗ lực cập nhật công nghệ, nâng cao tay nghề.

Doanh nghiệp vào cuộc

Là ngành nghề đặc thù nên việc đào tạo nhân lực cho ngành công nghệ kỹ thuật ô tô đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và DN. DN phải tham gia vào quá trình đào tạo, thiết kế chương trình giảng dạy, hỗ trợ HSSV học nghề, thực tập… Thời gian qua, Công ty CP Toyota Quảng Bình đã áp dụng chương trình T-TEP hỗ trợ đào tạo nghề tại Quảng Bình. Đây là một trong những chương trình hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực của Toyota Việt Nam trên toàn quốc.

Từ năm 2015, Toyota Quảng Bình bắt đầu hợp tác với Trường CĐKTCNNQB trong đào tạo nghề. Ngoài việc hỗ trợ học bổng, Toyota Quảng Bình còn hỗ trợ nhà trường các trang thiết bị, máy móc, động cơ xe cũ để tiện cho quá trình nghiên cứu, học tập của HSSV. Đơn vị cũng phối hợp tổ chức các lớp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa giảng viên đào tạo tại Toyota với nhà trường. Đây còn là môi trường thực tập chuyên nghiệp cho phần đông HSSV đang theo học ngành công nghệ kỹ thuật ô tô.

HSSV tham quan về quy trình hoạt động, nguyên tắc làm việc, mô hình sản xuất… tại các doanh nghiệp.
HSSV tham quan về quy trình hoạt động, nguyên tắc làm việc, mô hình sản xuất… tại các doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Bùi Trung, Giám đốc Công ty CP Toyota Quảng Bình, mỗi năm, đơn vị đón từ 20-40 HSSV đến thực tập. Để tạo điều kiện tốt nhất cho học viên trong quá trình thực tập, Toyota Quảng Bình cho các em được tiếp cận với công cụ, thiết bị hiện đại cũng như công nghệ mới nhất của Toyota, đồng thời tập huấn các kỹ năng mềm phục vụ cho công việc. Trong số đó, có không ít em được nhận việc ngay sau khi hoàn thành thời gian thực tập.
 
Những năm qua, Thaco Auto Quảng Bình đã hợp tác với nhiều cơ sở GDNN trên địa bàn trong đào tạo nghề công nghệ kỹ thuật ô tô. Tuy nhiên, theo chia sẻ của đại diện đơn vị, hoạt động hợp tác chỉ dừng lại ở mức độ tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chương trình đào tạo, tiếp nhận SV đến thực tập trong thời gian ngắn và tham quan về quy trình hoạt động, nguyên tắc làm việc, mô hình sản xuất… Giữa DN và các cơ sở chưa thực hiện được hoạt động hợp tác đào tạo chuyên sâu, như: Cử SV và giảng viên đến DN để đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, khả năng hợp tác, khả năng sử dụng ngoại ngữ…
 
“Cầu” luôn tăng cao, đồng nghĩa với cơ hội nghề nghiệp luôn rộng mở với những ai lựa chọn theo học ngành công nghệ kỹ thuật ô tô. Tuy nhiên, để đào tạo nghề “đo ni, đóng giày” với nhu cầu của thị trường lao động, thì việc xây dựng chương trình đào tạo cần sát với thực của DN. Muốn vậy, cái “bắt tay” giữa nhà trường và DN cần chặt chẽ, hiệu quả hơn.  
Diệu Hương

tin liên quan

Khánh thành và bàn giao công trình nông thôn mới ở xã Hưng Trạch

(QBĐT) - Chiều 21/9, Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức lễ khánh thành và bàn giao công trình nông thôn mới ở thôn Bồng Lai I và II, xã Hưng Trạch (Bố Trạch). 

Trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó huyện Quảng Trạch

(QBĐT) - Chiều 21/9, tại Trường THCS Quảng Lưu (Quảng Trạch), Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với Hội CTĐ huyện Quảng Trạch tổ chức chương trình trao học bổng cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. 
 

Cầu nối lan tỏa yêu thương

(QBĐT) - Với nhiều hoạt động ý nghĩa, Hội Chữ thập đỏ TX. Ba Đồn đã và đang phát huy hiệu quả vai trò cầu nối gắn kết yêu thương trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện.