Rà soát hộ nghèo, cận nghèo để có giải pháp giảm nghèo bền vững

  • 08:19 | Thứ Bảy, 14/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đây được xem là bước quan trọng để có các giải pháp hỗ trợ người nghèo kịp thời, hiệu quả. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của hoạt động này, phóng viên (PV) Báo Quảng Bình đã có cuộc trò chuyện với ông Hồ Tân Cảnh, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH). Sau đây là nội dung trao đổi:
 
PV: Xin ông cho biết mục đích và yêu cầu đặt ra đối với công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình... trên địa bàn tỉnh hiện nay?
 
Ông Hồ Tân Cảnh: Năm 2022 là năm thứ 2 chúng ta thực hiện công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025. Mục đích của việc này là để thực hiện chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và các chế độ liên quan khác cho người nghèo trong năm 2022 cũng như giai đoạn 2022-2025.
 
Kết quả của việc rà soát là căn cứ xác định đúng đối tượng để thực hiện các chính sách có liên quan, như: Chính sách về bảo hiểm y tế; hỗ trợ vốn vay, đào tạo nghề… theo quy định. Yêu cầu của công tác rà soát nhằm xác định được các hộ đáp ứng chuẩn nghèo, chuẩn cận nghèo, chuẩn mức sống trung bình theo quy định của Chính phủ và đặc biệt phản ánh đúng thực trạng của đời sống nhân dân tại địa phương.
 
Chính vì vậy, sau khi tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch rà soát năm 2022, Sở LĐ-TB-XH đã khẩn trương tổ chức triển khai ngay việc tập huấn nhằm kịp thời hướng dẫn cho các huyện, thị xã, thành phố… về quy trình, phương thức thực hiện công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ năm 2022 và xác định những hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình.
 
Yêu cầu đề ra của việc rà soát này là các địa phương phải triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, bảo đảm tính chính xác theo nguyên tắc công khai, công bằng, dân chủ, đúng tiến độ về thời gian, kết quả rà soát phải lấy đúng thực tế, tình hình thực tiễn kinh tế-xã hội của địa phương và đời sống của nhân dân.
 
PV: Vậy, việc rà soát được triển khai như thế nào và có những thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông?
 
Ông Hồ Tân Cảnh: Ngay sau khi có văn bản hướng dẫn chỉ đạo của Bộ LĐ-TB-XH, chúng tôi đã khẩn trương tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch rà soát năm 2022, trong đó nhấn mạnh đến mục đích, yêu cầu của việc rà soát; đặc biệt chế độ báo cáo phải bảo đảm theo quy định, như: Trước ngày 15/11/2022 các địa phương có báo cáo kết quả rà soát sơ bộ; trước ngày 15/12/2022 có báo cáo kết quả rà soát chính thức.
 
Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, các địa phương đã triển khai thực hiện đồng bộ việc rà soát, chế độ báo cáo theo đúng kế hoạch. Chúng tôi cũng đã tham mưu kịp thời báo cáo đúng tiến độ cho Bộ LĐ-TB-XH theo đúng quy định. Trong quá trình thực hiện, nhiều địa phương đã đưa ra các giải pháp hữu ích, phù hợp để thực hiện tốt công tác rà soát hộ nghèo và hộ cận nghèo.
Thông qua công tác rà soát, nhiều hộ nghèo đã nhận được chính sách hỗ trợ để phát triển kinh tế.
Thông qua công tác rà soát, nhiều hộ nghèo đã nhận được chính sách hỗ trợ để phát triển kinh tế.
Bằng nhiều hình thức đa dạng, công tác rà soát được tổ chức đúng quy trình, bảo đảm tính dân chủ, công khai, minh bạch. Kết quả tổng rà soát đạt được nhiều kết quả tích cực, phản ánh đúng thực trạng đời sống người dân.
 
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng gặp không ít khó khăn, một số địa phương chưa đạt được tiến độ thực hiện, báo cáo kết quả rà soát ở một số địa phương vẫn còn xảy ra tình trạng thiếu sót; trong công tác chỉ đạo chưa quyết liệt còn né tránh. Trong quá trình thực hiện công tác rà soát hộ nghèo và hộ cận nghèo còn lúng túng, kinh nghiệm thực tế ít nên hiệu quả chưa cao...
 
PV: Kết quả của cuộc rà soát này có phải là căn cứ, cơ sở để tỉnh đưa ra các giải pháp hỗ trợ cho người nghèo nhằm giúp họ thoát nghèo bền vững?
 
Ông Hồ Tân Cảnh: Sau gần 3 tháng tổng lực, gấp rút triển khai thực hiện công tác rà soát, đến nay chúng tôi đã tổng hợp đầy đủ kết quả rà soát theo quy định, đồng thời đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3627/QĐ-UBND, ngày 21/12/2022 phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ năm 2022 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
 
Theo đó, toàn tỉnh có tổng số hộ dân cư là 257.085 hộ; hộ nghèo đa chiều có 25.105 hộ, chiếm tỷ lệ 9,76%. Hộ nghèo thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số có 4.045 hộ, chiếm tỷ lệ 31,47% hộ tổng số hộ nghèo; hộ cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số có 1.249 hộ, chiếm tỷ lệ 10,2% tổng số hộ cận nghèo.
 
Hộ nghèo không có khả năng lao động trên địa bàn tỉnh cũng chiếm tỷ lệ khá cao, cụ thể: Có 5.656 hộ, chiếm tỷ lệ 44% tổng số hộ nghèo; hộ cận nghèo không có khả năng lao động có 3.403 hộ, chiếm 27,78% tổng số hộ cận nghèo.
 
Kết quả rà soát số hộ nghèo và hộ cận nghèo được phê duyệt tại quyết định này sẽ là cơ sở để thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và các chính sách phát triển kinh tế, xã hội trong năm 2023 và giai đoạn 2023-2025. Từ kết quả rà soát, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững, trong đó thực hiện một số nội dung chủ yếu như sau:
 
Thứ nhất, là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp đưa mục tiêu, chỉ tiêu giải pháp giảm nghèo gắn với mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
 
Thứ hai, là tập trung hỗ trợ chính sách vay vốn nhằm giúp người dân tiếp cận được với các nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất.
 
Thứ ba, là cần phải có chính sách khuyến khích xuất khẩu lao động đối với con em hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bãi ngang ven biển và vùng đặc biệt khó khăn để phát triển.
 
Thứ tư, là đẩy mạnh đầu tư vào giáo dục và đào tạo nghề. Và cuối cùng là cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng nông thôn.
 
PV: Xin cảm ơn ông.
 
Năm 2022, toàn tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với tổng nguồn phân bổ giai đoạn 2021-2025 là 60 tỷ đồng, riêng năm 2022 là 24 tỷ đồng. Nguồn vốn này góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, từng bước rút ngắn khoảng cách về tỷ lệ hộ nghèo giữa các địa phương trong tỉnh; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để vươn lên thoát nghèo bền vững .
Hiền Phương (thực hiện)

tin liên quan

Lan tỏa phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"

(QBĐT) - Những năm qua, phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" (ANTQ) trên địa bàn TP. Đồng Hới ngày càng được xây dựng, củng cố vững chắc.

Bàn giao 33 nhà "Đại đoàn kết" cho hộ nghèo, gia đình chính sách

(QBĐT) - Ngày 13/1, ông Nguyễn Cảnh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Minh Hóa cho biết, năm 2022 huyện Minh Hóa đã xây dựng và bàn giao 33 nhà "Đại đoàn kết" cho hộ nghèo và hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn.

Tổ chức "Tết nhân ái" cho các đối tượng đặc biệt khó khăn

(QBĐT) - Sáng 13/1, Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với Công đoàn-Đoàn Thanh niên Cảng hàng không Đồng Hới tổ chức chương trình "Tết nhân ái" cho các đối tượng bảo trợ xã hội, bệnh nhân nghèo, người khuyết tật trên địa bàn.