Những người canh "mắt thần"

  • 07:44 | Thứ Hai, 31/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nằm trên đỉnh đồi cao trên con đường Trương Pháp (thuộc địa phận phường Hải Thành, TP. Đồng Hới) đoạn ngang cửa biển, ngọn đèn nơi Trạm hải đăng Nhật Lệ luôn được các cán bộ trạm thắp sáng đều đặn mỗi tối, giúp bà con vươn xa ngoài đại dương yên tâm bám biển...
 
365 ngày túc trực                         
 
Trạm hải đăng Nhật Lệ có 5 cán bộ, đều là những người xa quê, đến từ các tỉnh lân cận, như: Nghệ An, Hà Tĩnh. Nhưng khi lựa chọn công việc là người canh “mắt biển” và được phân công công tác tại Quảng Bình, họ đã xem nơi đây là nhà, bà con dân biển là những người thân để dành trọn tình cảm và tâm huyết, hoàn thành tốt nhiệm vụ thắp sáng đêm tối trên biển xa.
 
Để đèn biển hoạt động đều đặn như được lập trình sẵn, những người gác đèn phải luôn có mặt tại điểm làm việc. 5 người với một cán bộ là trạm trưởng sẽ thay nhau trực tại đơn vị. Thời gian ở trạm còn nhiều hơn ở nhà, vậy nên các anh em đều quan tâm, chăm sóc nhau không khác gì gia đình.
 
“Tất cả anh em chúng tôi ở đây đều là người xa quê. Vì vậy, đến công tác tại Quảng Bình với nhau cũng xem như là người trong nhà, cùng ăn uống, cùng sinh hoạt, nhờ đó cũng vơi đi nỗi nhớ nhà”, anh Trần Văn Phúc (SN 1969, Hà Tĩnh), Trạm trưởng Trạm hải đăng Nhật Lệ cho biết.
 
Phần lớn những cán bộ gác đèn biển tại trạm đều có gia đình ở quê. Niềm vui của các anh ngoài công việc chỉ đơn giản gói gọn sau vài phút gọi điện về cho gia đình.
 
“Tôi đi công tác xa, nên bao nhiêu công việc nhà cũng nhờ cả vào vợ. May mắn, gia đình luôn thông cảm và dành lời động viên nên tôi cũng thêm phần yên tâm, vững vàng để gắn bó với công việc ở Quảng Bình”, anh Nguyễn Lương Hân (SN 1986, Hà Tĩnh), cán bộ tại trạm chia sẻ.
 
Công việc hàng ngày của những người canh "mắt biển" chỉ loanh quanh tại khu vực trạm với nhiều công việc tỉ mỉ. Ban ngày, các cán bộ kiểm tra từng chi tiết trong hệ thống phản quang, lau chùi bóng đèn định kỳ và các thiết bị phụ trợ, theo dõi các thông số kỹ thuật đèn biển, hệ thống pin năng lượng mặt trời…
 
Đặc biệt, sổ nhật ký ghi chép về hoạt động tại trạm phải được cập nhật hàng ngày, chi tiết và đầy đủ. Từ đó, Trạm trưởng sẽ thực hiện công tác báo cáo theo tháng, quý… với Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Bắc Trung bộ, thuộc Tổng công ty Bảo đảm hàng hải miền Bắc.
Trạm đèn biển Nhật Lệ nằm trên phòng tuyến Nhật Lệ, thuộc hệ thống lũy Đào Duy Từ.
Trạm đèn biển Nhật Lệ nằm trên phòng tuyến Nhật Lệ, thuộc hệ thống lũy Đào Duy Từ.
Đến đúng 18 giờ, đèn biển sẽ được thắp sáng và kéo dài cho đến 6 giờ sáng hôm sau. Khung giờ được giữ nguyên cho 365 ngày trong năm.Công việc tưởng nhàn, nhưng yêu cầu tính cẩn trọng và sự chỉnh chu bởi nếu để xảy ra một sai sót nhỏ sẽ gây xáo trộn lớn trên biển xa.
 
“Với mỗi việc nhỏ, anh em chúng tôi đều phải tỉ mỉ và đặt trọn tâm trí vào đó để bà con ngoài khơi được thấy ánh đèn, được yên tâm khi đêm đến...”, anh Phúc chia sẻ.
 
Kết nối ngư dân với đất liền
 
Đèn biển Nhật Lệ có chiều cao 37m so với mực nước biển, phạm vi chiếu sáng 360° với ánh sáng trắng có thể vươn xa 18,9 hải lý (khoảng 35km). Đã gắn bó với nghề hơn 30 năm, anh Trần Văn Phúc cho biết dù trong bất kỳ tình huống nào, đèn biển cũng không bao giờ được tắt trong đêm.
 
“Đèn biển Nhật Lệ có nhiệm vụ là đèn báo cửa cho các tàu thuyền hoạt động trong khu vực và để giao thông trên biển diễn ra an toàn trên vùng biển bao la. Không chỉ vậy, ánh sáng của đèn biển còn là biểu tượng của đất liền cho ngư dân, giúp bà con nơi đây yên tâm bám biển, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Do vậy, đèn biển luôn phải được thắp sáng trong đêm tối dù trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào”, anh Phúc chia sẻ.
 
Chúng tôi cùng các cán bộ trèo lên đỉnh cao nhất-nơi đặt “mắt thần” của biển, cách mặt đất khoảng 20m. Tại đây, hàng ngày các anh đều đặn lên chăm sóc, lau chùi các thiết bị. Trong đó, lớp kính bảo vệ ngoài cùng phải được giữ sạch, không bám bụi bẩn để ánh sáng có điều kiện tốt nhất, chiếu sáng ngoài biển khơi. Định kỳ, đèn sẽ được tháo lắp và lau chùi. Công việc của các anh cũng phải tiếp xúc với nhiều hóa chất độc hại.
 
Đứng trên mái của ngọn đèn vào một ngày mùa thu, nhưng nhiệt độ trong buồng đèn biển vẫn khá nóng do chất liệu phần mái giữ nhiệt, phần khác do đèn tỏa ra. Anh Phúc chia sẻ, vào những ngày trời mùa hè nóng đỉnh điểm, điều kiện làm việc ở trên cao rất khổ cực và nóng bức. “Trời mùa hè thì không phải nói, nóng và bức bối lắm. Nhưng để đèn biển luôn sáng thì trong điều kiện thời tiết nào chúng tôi cũng phải nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ”, Trạm trưởng Trạm hải đăng Nhật Lệ cho biết thêm.
 
Với ánh sáng như sợi dây kết nối ngư dân ngoài biển xa với đất liền, ngọn đèn biển đã góp phần để giao thông trên biển an toàn. Các cán bộ tại trạm cũng rất vui khi trong suốt nhiều năm qua, không có sự cố nào trên biển xảy ra và ngọn đèn biển Nhật Lệ vẫn luôn tỏa sáng đều đặn mỗi khi đêm về.
 
Thú vị hơn, Trạm hải đăng Nhật Lệ có vị thế đắc địa, nằm trên đồi cao ngay cửa biển Nhật Lệ với rặng cây cối xanh tươi trên phòng tuyến Nhật Lệ, thuộc hệ thống lũy Đào Duy Từ. Ngay sát với cổng vào của Trạm hải đăng Nhật Lệ là di tích đền thờ Hoằng quốc công Đào Duy Từ. Do vậy, nhiều khách du lịch cũng như người dân địa phương thường lui tới nơi đây. Không ít lần, các cán bộ của trạm lại trở thành những hướng dẫn viên bất đắc dĩ.
 
“Thỉnh thoảng cũng có du khách đến xin chụp ảnh ở Trạm hải đăng Nhật Lệ. Chúng tôi rất vui khi được tiếp đón họ và giới thiệu thêm về đèn biển Nhật Lệ, về những điểm đến ở TP. Đồng Hới cho khách du lịch. Lâu lâu được "chuyển" nghề cũng rất vui”, các cán bộ ở trạm hài hước chia sẻ.
 
Bằng sự tận tâm và cẩn trọng trong công việc, những người canh “mắt thần” Nhật Lệ đã thắp sáng sự yên tâm, an lòng cho bà con và những người đi biển, để đèn biển Nhật Lệ trở thành một phần không thể thiếu của ngư dân vùng biển.
 
An Đồng

tin liên quan

TX. Ba Đồn: Thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11

(QBĐT) - Năm 2022, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội TX. Ba Đồn được giao chỉ tiêu, kế hoạch tín dụng các chương trình cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11 là 42,020 tỷ đồng.

Vụ giẫm đạp ở Seoul: Đại sứ quán Việt Nam xác nhận có 1 công dân thiệt mạng

Liên quan tới vụ tai nạn tại Itaewon, Seoul, theo Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc thông báo đã xác định 1 công dân Việt Nam (sinh năm 2001) thiệt mạng trong vụ việc.
 

Chuyện mất trộm

(QBĐT) - Thời buổi loạn lạc, lợi dụng nhà người ta sơ hở là ăn trộm, ăn cướp... Ông mà bắt được đứa nào, ông cho một trận.