Chung tay phòng, chống tệ nạn xã hội

  • 07:18 | Thứ Sáu, 28/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Chúng tôi xác định công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống tệ nạn xã hội (TNXH). Vì thế, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) luôn chú trọng thực hiện công tác này bằng nhiều hình thức, phong phú về nội dung và phương pháp tuyên truyền”, ông Hồ Tân Cảnh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB và XH khẳng định. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền mà kết quả thực hiện phòng, chống TNXH đã tác động tích cực vào việc ngăn chặn tội phạm, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế trên địa bàn.
 
Theo Sở LĐ-TB và XH, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 4.200 cơ sở kinh doanh dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, trong đó có 356 cơ sở lưu trú, 181 cơ sở karaoke và massage, gần 2.980 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ du khách tại các điểm du lịch.
 
Thời gian qua, tình hình hoạt động mại dâm có xu hướng giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên tệ nạn mại dâm vẫn còn diễn biến phức tạp, thủ đoạn hoạt động ngày càng kín đáo, tinh vi. Địa điểm hoạt động mại dâm phần lớn diễn ra tại các cơ sở lưu trú, massage, điểm karaoke, quán cafe giải khát... Khi khách hàng có nhu cầu, chủ các cơ sở lưu trú, đối tượng dẫn dắt thông qua điện thoại di động móc nối với nhau để gọi gái bán dâm, hẹn thời gian, địa điểm để tổ chức mua bán dâm. Các đường dây gái mại dâm lợi dụng mạng xã hội để hoạt động nhằm đối phó với cơ quan chức năng; địa bàn hoạt động tệ nạn mại dâm chủ yếu tại các phường trung tâm TP. Đồng Hới, các huyện, thị xã và các tuyến, điểm du lịch đông người.
 
Trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng nhiều phụ nữ hoạt động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, nhiều người di cư trái phép. Ngoài ra một số đối tượng ngoại tỉnh vào địa bàn lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhu cầu cần việc làm của phụ nữ dân tộc thiểu số ở một số xã miền núi, lừa gạt đi lao động hưởng lương cao nhưng lại ép hành nghề mại dâm. Những hành vi này tiềm ẩn nguy cơ để tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi mua bán người nhằm mục đích bóc lột tình dục, sức lao động và các mục đích khác.
 
Nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống mại dâm, mua bán người, Sở LĐ-TB và XH đã chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền trên các trang thông tin điện tử, báo chí địa phương, đơn vị cũng tập trung tuyên truyền bằng các tờ rơi, sách mỏng, băng rôn, áp phích nhằm thông tin đến tận tay người dân tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng, chống nạn mua bán người, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng, chống nạn mua bán người, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Theo ông Hồ Tân Cảnh, công tác tuyên truyền này cũng được phòng LĐ-TB và XH các huyện, thị xã, thành phố chú trọng, trong đó, hiệu quả nhất phải kể đến việc tuyên truyền thông qua hệ thống phát thanh, đồng thời tổ chức quán triệt nghiêm túc các nội dung, biện pháp thực hiện trong đội ngũ cán bộ cốt cán và triển khai thực hiện. Các địa phương đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền tại cộng đồng, thông qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, tư vấn hỗ trợ cá nhân trực tiếp hoặc gián tiếp.
 
“Các hoạt động tuyên truyền thiết thực, phù hợp với đặc thù của cơ sở, đối tượng, đã vận động nhân dân tự giác tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, kiên quyết đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, TNXH, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội”, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB và XH Hồ Tân Cảnh cho biết thêm.
 
Đặc biệt, Sở LĐ-TB và XH đã phối hợp với Phái đoàn Tổ chức di cư quốc tế triển khai Dự án “Đấu tranh phòng, chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại: Tăng cường truyền thông thay đổi hành vi và các dịch vụ hỗ trợ”. Dự án chủ yếu tập trung vào việc đào tạo giảng viên nguồn và đào tạo cho học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về các kỹ năng.
 
Điều này sẽ góp phần trang bị thêm những kiến thức cơ bản để học viên áp dụng trong thực tiễn tìm kiếm việc làm, giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết về các quy định của pháp luật liên quan về phòng, chống mua bán người, tránh việc di cư trái phép, góp phần tạo môi trường di cư ổn định, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
 
Cùng với nạn mại dâm, mua bán người, công tác tuyên truyền phòng chống tệ nạn ma túy cũng luôn được chú trọng. Hiện nay, Quảng Bình có 133/151 xã, phường, thị trấn với gần 2.900 đối tượng có liên quan đến ma túy. Độ tuổi của người nghiện ma túy ngày càng trẻ hóa. Thành phần đối tượng nghiện tập trung chủ yếu vào nhóm có trình độ văn hóa thấp, đối tượng có tiền án, tiền sự, người không có việc làm. Tệ nạn ma túy đã ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, gây tâm lý lo lắng cho người dân.
 
Sở LĐ-TB và XH đã phối hợp với các ngành, Mặt trận và đoàn thể các địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền về công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa, gắn với xây dựng xã, phường, thị trấn làm tốt công tác phòng, chống ma túy. Nhiều văn bản về phòng, chống tệ nạn ma túy đã được tuyên truyền sâu rộng đến các địa bàn dân cư. Sở cũng đã tổ chức các lớp tập huấn về công tác phòng, chống TNXH cho cán bộ, trưởng thôn, các cấp hội, đoàn thể, HS, SV các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn.
 
Ông Hồ Tân Cảnh cho biết, công tác tuyên truyền phòng, chống TNXH đã phát huy hiệu quả tích cực khi mà tại các địa phương, nhân dân và cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động đã tự giác đăng ký thực hiện tốt các quy định về an ninh trật tự, như: “Không có chồng, con mắc TNXH và vi phạm pháp luật”, “Thôn, xóm, bản làng bình yên, gia đình hòa thuận”, “Thanh niên xung kích an ninh”, “Tuổi trẻ học đường bài trừ tệ nạn ma túy, mại dâm”, “Gia đình, dòng họ gương mẫu”, “Ông, bà, cha, mẹ mẫu mực, con, cháu hiếu thảo”… Từ đó đã tác động tích cực vào việc ngăn chặn các loại tội phạm, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế trên địa bàn.
 
Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, công tác tuyên truyền, giáo dục chỉ tập trung chủ yếu ở các địa bàn trọng điểm (huyện, thị xã, thành phố) mà chưa đến được với một số vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, nhận thức của người dân ở các địa bàn này vẫn còn hạn chế. Muốn hiệu quả của công tác trọng tâm này có tính lan tỏa, góp phần đẩy lùi TNXH ra khỏi cộng đồng thì cần sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cấp, ngành địa phương, sự chung tay của toàn xã hội.
Diệu Hương

tin liên quan

Triển khai hệ thống phần mềm Tiếp nhận và xử lý phản ánh hiện trường

(QBĐT) - Ngày 18/10/2022 Văn phòng UBND tỉnh đã có thông báo kết luận của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong tại phiên họp ngày 4/10/2022 của Ban Chỉ đạo Tiếp nhận và xử lý phản ánh hiện trường tỉnh Quảng Bình.

Quảng Ninh: Phát động Tháng cao điểm "Vì người nghèo" năm 2022

(QBĐT) - Sáng 27/10, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN và Ban vận động "Quỹ vì người nghèo" huyện Quảng Ninh tổ chức lễ phát động Tháng cao điểm "Vì người nghèo" và tiếp nhận ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" năm 2022.
 

Tổng kết dự án nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật về bảo vệ môi trường

(QBĐT) - Chiều 27/10, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Dự án "Nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật về bảo vệ môi trường cho phụ nữ, trẻ em và đồng bào dân tộc thiểu số đảm bảo thực hiện quyền được sống trong môi trường trong lành".