Quản lý và tôn tạo kiến trúc cảnh quan TP. Đồng Hới

Bài 1: Ba thập kỷ nỗ lực kiến tạo

  • 08:49 | Thứ Ba, 12/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian gần đây, lĩnh vực kiến trúc cảnh quan đã trở nên quen thuộc và được nhiều người quan tâm. Kiến trúc cảnh quan là một nội dung quan trọng trong quy hoạch, phát triển hạ tầng kỹ thuật, xây dựng đô thị, gìn giữ môi trường sinh thái và bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa. Quản lý và phát triển tốt kiến trúc cảnh quan là tạo ra môi trường sống thân thiện, không gian nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí một cách hài hòa, gắn kết chặt chẽ giữa thiên nhiên-con người và kiến trúc, từ đó, xây dựng môi trường sống phát triển bền vững. Và TP. Đồng Hới cũng đang nỗ lực hướng đến những mục tiêu đó.
 
Hơn 30 năm xây dựng và phát triển kể từ ngày tái lập tỉnh, TP. Đồng Hới đã đạt nhiều thành quả to lớn trên tất cả các lĩnh vực phát triển đô thị, xứng đáng là trung tâm tỉnh lỵ và hòa nhập vào không gian chung của các đô thị thuộc vùng duyên hải miền Trung cũng như cả nước. Diện mạo đô thị và nhịp sống cư dân thành phố đã thay đổi một cách nhanh chóng, đang hình thành được đáng vẻ riêng hài hòa với cảnh quan thiên nhiên và địa hình sông-núi-biển. Có thể nói, lĩnh vực kiến trúc cảnh quan và môi trường sinh thái TP. Đồng Hới đã được tỉnh, thành phố và người dân quan tâm tôn tạo và gìn giữ từ khi triển khai quy hoạch xây dựng.
 
Năm 2004, sau khi Đồng Hới được công nhận thành phố, nhiều chương trình, đề án có tính xã hội hóa đã được thành phố tuyên truyền rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân và triển khai một cách bài bản, theo kế hoạch, như: Đề án xã hội hóa xây dựng đường giao thông quy mô nhỏ, điện chiếu sáng trong khu dân cư, vỉa hè, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố…
Kiến trúc cảnh quan TP. Đồng Hới ngày càng khang trang.
                   Kiến trúc cảnh quan TP. Đồng Hới ngày càng khang trang.    Ảnh: Hành Tiến
Các chương trình kế hoạch xây dựng công viên, phát triển cây xanh đô thị, chỉnh trang đô thị, hệ thống thoát nước R3 trong khu dân cư, sân thể thao… được triển khai. Dự án Môi trường và Biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới đã chú trọng đầu tư hệ thống kè sông, hồ trong thành phố, thu gom và xử lý nước thải, rác thải theo công nghệ hiện đại.
 
Từ năm 2010, được sự hỗ trợ từ các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh và các nguồn thu từ quỹ đất, thành phố đã tập trung đầu tư kè phía Đông sông Nhật Lệ, công viên Nhật Lệ, quảng trường biển Bảo Ninh, bãi tắm Hải Thành, Bảo Ninh, Quang Phú, tượng đài Mẹ Suốt, xây dựng và nâng cấp hệ thống chợ trong thành phố… Thành phố nâng cấp và chỉnh trang Nhà truyền thống Cây Đa chùa Ông, Quảng Bình quan, hào và thành Đồng Hới, di tích hồ Bàu Tró, Lũy Thầy… Nhiều công trình lớn được tỉnh đầu tư như Quảng trường Hồ Chí Minh, Bảo tàng tổng hợp tỉnh...
 
Nhiều khu du lịch, khu đô thị, khu nhà ở thương mại, khu nhà ở mới và công tác chỉnh trang đô thị được triển khai một cách đồng bộ, thường xuyên, vì vậy, hạ tầng đô thị và kiến trúc cảnh quan thành phố ngày một khang trang, môi trường trong lành, thân thiện.
 
Đến với thành phố "Hoa hồng", du khách không chỉ được thưởng thức ẩm thực mà còn  được nghỉ ngơi, thư giãn, ngắm nhìn những không gian có kiến trúc cảnh quan đẹp, môi trường sinh thái trong lành, thân thiện, ít nơi có được. Đó là những bãi tắm trải dài từ xã Quang Phú đến xã Bảo Ninh có chiều dài hơn 12km. Dòng Nhật Lệ trong xanh, chảy hiền hòa quanh năm nối liền dòng Long Đại.
 
Du khách có thể đi thuyền thưởng ngoạn cảnh đẹp hai bên dòng sông, ngắm nhìn rặng dừa thấp thoáng của làng quê Bảo Ninh và xa xa là dãy núi Trường Sơn hùng vĩ. Du khách sẽ được trải nghiệm những cồn cát trắng ở các xã Quang Phú, Bảo Ninh. Nhiều người có thể tìm đến để nghiên cứu, khám phá về truyền thống lịch sử, văn hóa và con người Đồng Hới qua các công trình văn hóa, di tích lịch sử, như: Quảng trường Hồ Chí Minh, thành Đồng Hới, Quảng Bình quan, tượng đài Mẹ Suốt, hồ Bàu Tró, cửa sông Nhật Lệ…
 
Dòng Nhật Lệ đã có hai cầu nối liền đôi bờ và chuẩn bị xây dựng thêm cầu mới có kiến trúc đẹp hài hòa với cảnh quan trong lòng thành phố. Những sản phẩm du lịch Đồng Hới đã được kết nối với các tour, tuyến, điểm du lịch ở các địa phương trong tỉnh và khu vực. Thời gian qua, du khách đến với TP. Đồng Hới và Quảng Bình tăng nhanh, trung bình hàng năm khoảng 15%. Năm 2015, thành phố đã đón hơn 1.107.000 lượt khách, tăng 27,6% so với năm 2014. Năm 2019, trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thành phố đã đón hơn 1.260.000 lượt du khách.
 
Tuy vậy, trong quá trình quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, các hoạt động dịch vụ, sản xuất kinh doanh còn thiếu chặt chẽ, chưa cương quyết trong xử lý sai phạm. Kiến trúc cảnh quan một số khu vực đang bị tổn hại, môi trường tự nhiên đang dần mất đi những giá trị vốn có. Cần được nghiên cứu, rà soát để có kế hoạch điều chỉnh phù hợp.
 
Ths.KTS. Trần Đình Dinh
 
Bài 2: Hướng tới thành phố du lịch

tin liên quan

Bàn giao xe cứu thương và ký kết vận chuyển từ thiện bệnh nhân nghèo

(QBĐT) - Ngày 11/4, tại trụ sở Báo Quảng Bình đã diễn ra buổi bàn giao xe cứu thương và ký kết vận chuyển từ thiện bệnh nhân nghèo trên địa bàn tỉnh.

Xảy ra 25 vụ tai nạn giao thông, hàng trăm vụ vi phạm nồng độ cồn

Trong ngày 10/4, toàn quốc xảy ra 25 vụ tai nạn đều ở giao thông đường bộ; lực lượng Cảnh sát giao thông đã kiểm tra, xử lý 4.738 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; xử phạt 5,68 tỷ đồng.

Cần chỉnh trang khu vực biển Nhật Lệ

(QBĐT) - Bước vào mùa du lịch năm 2022, một trong những nội dung quan trọng là chỉnh trang đô thị và các điểm du lịch, trong đó có bãi biển Nhật Lệ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều khu vực lân cận dọc bãi biển Nhật Lệ, tình trạng mất vệ sinh, cảnh quan nhếch nhác vẫn còn tồn tại, cần được sớm quan tâm chỉnh trang.