Bám bản, bám làng đưa chính sách đến với người dân
(QBĐT) - Để người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở xã miền núi Trường Sơn tiếp cận với chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, thời gian qua, các cán bộ BHXH huyện Quảng Ninh và đại lý thu BHXH nơi đây đã nỗ lực bám bản, bám làng để tuyên truyền, vận động theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”...
Tiết kiệm tiền để tham gia
Chúng tôi có dịp đi cùng chị Trần Thị Thúy Hà, đại lý thu BHXH, ghé thăm gia đình anh Hồ Thắng và Nguyễn Thị Nuôn ở bản Cổ Tràng, xã Trường Sơn. Vợ chồng anh Thắng đều là người Vân Kiều, nhưng nhờ chăm chỉ lao động sản xuất nên gia đình thuộc diện hộ khá của xã.
Hỏi về BHXH tự nguyện, chị Nuôn nói: “Gia đình tôi trồng rừng, chăn nuôi trâu, bò nên có nguồn thu nhập khá ổn định. Mỗi năm, bán bò, bán rừng keo, gia đình lại trích ra một khoản nhỏ, tiết kiệm lại để tham gia BHXH tự nguyện. Năm 2021, tôi đóng cả năm cho 2 vợ chồng hơn 3 triệu đồng. Năm nay, tôi cũng đang tiết kiệm để đủ tiền đóng một lần cho cả năm chứ không đóng theo tháng, thuận tiện người đóng lẫn người thu”.
Còn anh Hồ Thắng thì bảo rằng, tham gia BHXH tự nguyện để sau này 2 vợ chồng già, không còn sức lao động nữa thì đã có lương hưu, không làm phiền đến con cái. “Cũng nhờ cán bộ BHXH huyện Quảng Ninh và chị Trần Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, cũng là đại lý thu BHXH ở xã đã tuyên truyền, giải thích, vận động mà người dân chúng tôi biết được chính sách BHXH tự nguyện mang lại lợi ích thiết thực nên tham gia. Người dân ở xã Trường Sơn đa số vẫn còn khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn tiết kiệm một lúc một ít để tham gia”, anh Thắng nói.
Đại lý thu tận tụy
Ông Lê Thanh Tiến, Giám đốc BHXH huyện Quảng Ninh cho biết, Trường Sơn là một xã miền núi của huyện, nơi có hơn 65% dân số là đồng bào DTTS nên việc vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm đưa chính sách BHXH tự nguyện đến với người dân, từ năm 2021, BHXH huyện Quảng Ninh đã đẩy mạnh việc tuyên truyền ở địa bàn xã Trường Sơn. Đặc biệt, BHXH huyện đã phối hợp với chính quyền xã và chị Trần Thị Hà, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã mở đại lý thu BHXH ở xã nhằm thuận tiện cho việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia.
Từ khi đảm nhận nhiệm vụ làm đại lý thu BHXH, chị Hà đã thường xuyên bám bản, bám làng tận tụy tuyên truyền bà con hăng say lao động sản xuất, đồng thời tiết kiệm để tham gia BHXH tự nguyện. Trường Sơn là một địa bàn vùng khó, chưa có người tham gia BHXH tự nguyện, nhưng sau một thời gian vào cuộc tuyên truyền vận động, người dân nơi đây đã thay đổi nhận thức và tham gia BHXH tự nguyện ngày càng đông. Đến thời điểm này, trên địa bàn xã đã có 38 người tham gia BHXH tự nguyện, trong đó có nhiều hộ đồng bào DTTS.
Anh Trần Văn Hưng đang đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản nhưng cũng gửi tiền về để tham gia BHXH tự nguyện cho bố mẹ theo hình thức đóng cả năm 1 lần. Nhiều trường hợp khác, người dân đã có ý thức tiết kiệm hàng ngày để đóng BHXH tự nguyện, sau này được hưởng lương hưu. Sự đổi thay trong nhận thức về một chính sách an sinh xã hội thiết thân đã làm nên sự thay đổi trong đời sống đồng bào vùng cao.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Hà tâm sự: “Với người dân ở vùng cao, đặc biệt là đồng bào DTTS, tuyên truyền nội dung gì cũng phải “mưa dầm thấm lâu”, nói một lần chưa hiểu thì phải nói, giải thích nhiều lần. Tôi luôn kiên trì giải thích từng thắc mắc, từng chế độ chính sách, sự hỗ trợ của Nhà nước như thế nào. Một buổi tuyên truyền tập trung, họ không hiểu thì mình tới nhà, giải thích cặn kẽ. Mà tâm lý bà con mình, có một vài người tham gia thì lại dễ vận động, thuyết phục người khác hơn. Nên tôi cũng phải chọn người có thu nhập ổn định để tham gia không bị đứt đoạn, có hiểu biết hơn về chính sách để người khác hỏi còn trả lời được. Chỉ cần nói thực, nói đúng, có sự so sánh được mất, so sánh số tiền họ tham gia tính theo ngày thì không bao nhiêu, nhưng về già hưởng lợi nhiều. Cứ vậy, người dân trên địa bà xã Trường Sơn ngày càng tin tưởng và tích tham gia vào chính sách an sinh của Nhà nước”.
Lâm An
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.