Phê bình văn học nữ và phê bình văn học nữ Quảng Bình

  • 08:31 | Chủ Nhật, 16/06/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Văn đàn Việt gần 25 năm đầu thế kỷ XXI có sự trình hiện của một thế hệ nhà phê bình văn học (PBVH) là nữ 7x, 8x đông đảo, bên cạnh thế hệ PBVH nữ 6x trở về trước đã ổn định tên tuổi cùng lứa PBVH nữ 9x, 20x rải rác manh nha, và đương nhiên là còn bên cạnh một lực lượng PBVH nam nhiều thế hệ.
 
Thế hệ PBVH nữ 7x, 8x là thế hệ chủ lực, làm nên sắc diện của PBVH nữ nói chung hiện thời. Lứa PBVH nữ 7x, 8x này hiện chủ yếu làm việc ở các viện nghiên cứu, các trường đại học, các tạp chí khoa học hoặc văn nghệ, đa phần có học vị tiến sĩ, nhiều người có học hàm phó giáo sư.
 
Nếu so sánh với đội ngũ PBVH nam cùng thế hệ thì đội ngũ PBVH nữ 7x, 8x không hề thua kém về số lượng, nếu không nói là có phần nhỉnh hơn. Đặc biệt, trong khi nhiều cây bút nam đồng lứa mặc dù xuất hiện đều đặn, thường xuyên trên các diễn đàn nhưng vẫn chưa có đầu sách xuất bản, thì đa phần cây bút PBVH nữ 7x, 8x mỗi người đã xuất bản từ 1-6 đầu sách (người dẫn đầu về số lượng là Hoàng Thụy Anh).
 
Hiện tượng có vẻ như “nữ thịnh nam suy” này có thể được lý giải ở đặc thù ngành học ngay từ khâu tuyển sinh đầu vào. Ngành ngữ văn ở các trường đại học bao giờ cũng thu hút người nữ, số sinh viên nam theo học thường chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khi người ta mặc định rằng học văn rất nhẹ nhàng, học như chơi (“dạy toán, học văn, ăn thể dục”), thì có đông người nữ chọn học văn là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, PBVH lại là chuyện khác, là lĩnh vực đòi hỏi nhiều lao tâm khổ tứ, vậy mà vẫn có đông người nữ chấp nhận dấn thân, kiên gan bền chí với nó, thì những người này quả đã vượt lên… “nữ nhi thường tình”.
 
Có thể nói, thời gian qua, đội hình PBVH nữ 7x, 8x “ra sân” khá ấn tượng thuyết phục. Các công trình đã xuất bản của họ tiếp cận và nhập cuộc khá nhanh nhạy với những lý thuyết mới mẻ và dường như “bao sân” văn học. Không chỉ “trực chiến” với văn học Việt Nam đương đại mà còn lần giở để đọc lại các vùng mảng văn học của dân tộc tưởng như đã “đóng khung”, “đông kết”. Từ đề tài chiến tranh đến đề tài thiếu nhi. Từ bộ phận văn học phật giáo đến các bộ phận văn học dân tộc thiểu số, văn học miền Nam, văn học hải ngoại. Từ thể loại tiểu thuyết đến các thể loại truyện ngắn, thơ, trường ca. Từ các tác giả, tác phẩm “trung ương” đến các tác giả, tác phẩm “địa phương”. Từ văn học Việt Nam đến văn học thế giới…
 
Dễ nhận thấy, các nhà PBVH nữ nói chung và thế hệ PBVH nữ 7x, 8x nói riêng đã phát huy thiên tính nữ của mình khi làm nghề. Họ soi chiếu và giải phẫu các hiện tượng văn học nhiều khi bằng “điểm nhìn bên trong”, “lấy hồn ta để hiểu hồn người”. Họ cẩn trọng, chừng mực trong việc đưa ra nhận định, đánh giá. Văn phê bình của họ tinh tế, nhẹ nhàng, mềm mại. 
 
Có thể minh chứng sinh động cho điều này bằng trường hợp Thanh Tâm Nguyễn với Bí mật tuổi trăng non Dòng chảy lấp lánh. Làm nên cái mùi chữ, vân chữ độc sáng của Thanh Tâm Nguyễn chính là một giọng phê bình rất đỗi tự nhiên, chân thành. Mà làm nên cái giọng phê bình tự nhiên, chân thành rất Thanh Tâm Nguyễn này lại chính là nhờ cái tiêu cự gần, cái điểm nhìn bên trong của chủ thể phê bình. Sáng tác về, sáng tác cho tuổi trăng non thì đã có một “dòng chảy lấp lánh” hợp lưu cùng dòng chảy lịch sử văn học dân tộc nhưng phê bình về dòng chảy lấp lánh phơi mở những “bí mật tuổi trăng non” này thì có thể nói Thanh Tâm Nguyễn là một trong những người đầu tiên.
 
Dân phê bình thường ôm đồm, tham lam, nên cái phê bình của họ bị tản mạn, manh mún, còn với Thanh Tâm Nguyễn là chị chuyên tâm, chuyên chú vào một địa hạt duy nhất: Mảng văn học viết về và viết cho thiếu nhi. Chị đã sống cùng mảng văn học này, bao sân, chiếm sóng mảng văn học này và say mê hứng khởi, tận tâm, tận lực phê bình về mảng văn học này. Đến lượt, văn phê bình của chị cũng là một “dòng chảy lấp lánh” trong đời sống PBVH hôm nay.
 
Cũng dễ nhận ra những hạn chế của PBVH nữ. Văn phê bình của họ thường khi tròn trịa, “phải đạo”, thiếu giọng, ít góc cạnh, ít cá tính. Rất nhiều người trong số tác giả phê bình nữ 7x, 8x không phải là nhà phê bình chuyên nghiệp với nghĩa là chuyên tâm, chuyên chú và xuất hiện thường xuyên, đều đặn trên các diễn đàn. Những đầu sách đã xuất bản của các nhà phê bình “không chuyên” này đa phần được “chuyển thể” từ luận văn, luận án, đề tài khoa học của họ.
 
Vì “tiền thân” là luận văn, luận án, đề tài, nên những cuốn sách đó không nhiều hàm lượng tư kiến, chủ kiến “của riêng” tác giả; nặng về hàn lâm nghiên cứu, ít bay bổng, thăng hoa phê bình. Trong số nhà phê bình 7x, 8x có thể gọi là chuyên nghiệp thì cũng rất hiếm người đủ chuyên sâu và thành tựu để có thể gọi là chuyên gia về một lĩnh vực hẹp nào đó… 
 
Có người cho rằng, dân sáng tác nữ thì có rất nhiều tên tuổi lớn, không hề kém cạnh dân sáng tác nam; riêng về phê bình, so với phái nam thì phái nữ có phần “lép vế”. Nếu quan sát kỹ bức tranh văn học dân tộc cổ kim thì thấy nhận định này có vẻ có căn cứ. Chẳng hạn như, từ văn học trung đại đến văn học trước đổi mới, nếu dễ dàng kể tên những nhà văn/thơ nữ nổi bật hay những nhà  PBVH nam tiêu biểu, thì lại rất khó trong việc kể tên một số nhà PBVH nữ. Hay nếu nhìn gần vào đội hình cầm bút thế hệ 7x, 8x nói chung, sẽ thấy tên tuổi những nhà PBVH nữ có phần mờ nhạt hơn so với những nhà văn/thơ nữ hay thậm chí những nhà PBVH nam.
 
Vượt lên những giới hạn chủ quan và khách quan, những cây bút PBVH nữ nhiều thế hệ đã dấn nhập, đặc biệt là sống trải với văn chương cùng thời, can dự vào diễn trình và động hướng của văn học dân tộc và cả văn học thế giới.
 
Trong đội hình chung đó có sự góp mặt ấn tượng của các cây bút PBVH nữ là người Quảng Bình: PGS.TS. Lý Hoài Thu, PGS.TS. Trần Huyền Sâm, TS. Mai Thị Liên Giang, TS. Thanh Tâm Nguyễn, Hoàng Thụy Anh, Lê Hương… Trong số này, trừ Lý Hoài Thu thuộc thế hệ 5x, thì còn lại đều thuộc thế hệ 7x, 8x. Trần Huyền Sâm, Mai Thị Liên Giang, Hoàng Thụy Anh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Không những thế, Lý Hoài Thu và Trần Huyền Sâm từng là Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình, Hội Nhà văn Việt Nam, còn Hoàng Thụy Anh hiện là Ủy viên Ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam.
 
Gần đây, một số giải thưởng uy tín đã vinh danh nhà PBVH nữ người Quảng Bình: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016 xướng tên Trần Huyền Sâm với tác phẩm “Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại”; năm 2019 là Lý Hoài Thu với tác phẩm “Những sinh thể văn chương Việt”. Giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2016 trao giải C cho tác phẩm “Tiếng vọng đa thanh” của Hoàng Thụy Anh và trao giải tác phẩm xuất sắc năm 2023 cho tác phẩm “Dòng chảy lấp lánh” của Thanh Tâm Nguyễn…
 
Những chỉ dấu trên có thể khẳng định sự hiện diện với ít nhiều uy tín nghề nghiệp của PBVH nữ Quảng Bình nói chung, PBVH nữ Quảng Bình thế hệ 7x, 8x nói riêng trong đời sống văn học Việt Nam hôm nay. 
Hoàng Đăng Khoa

tin liên quan

Tiếng ve gọi hè

(QBĐT) - Những ca từ trong trẻo, hồn nhiên "Chẳng nhìn thấy ve đâu, chỉ râm ran tiếng hát/Bè trầm hòa bè cao, trong màn lá xanh dày/Tiếng ve ngân trong veo, đung đưa rặng tre ngà/Lời dịu dàng thương yêu, mang bao niềm tha thiết" trong bài hát "Dàn đồng ca mùa hạ" chợt vang lên như làm đất trời xao động.

Trao truyền kỹ năng trình diễn các loại hình văn hóa dân gian

(QBĐT) - Chiều 15/6, Sở Văn hóa-Thể thao tổ chức báo cáo kết quả lớp trao truyền kỹ năng trình diễn, thực hành các loại hình văn hóa dân gian tại xã Nhân Trạch (Bố Trạch).
 

Trước tượng đài Bác Hồ

(QBĐT) - Con về Đồng Hới chiều nay
Trước đài tượng Bác lòng đầy
                                                nhớ thương