Chương trình phát thanh đầu tiên

  • 08:05 | Thứ Ba, 18/06/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hình ảnh lưu dấu rõ nét nhất của việc chuẩn bị “hạ tầng cơ sở” cho Đài Phát thanh Quảng Bình ngày đầu tái lập tỉnh có lẽ là một nhóm người đang dựng một cây cột gỗ cao chừng tám hoặc mười mét, không được thẳng thớm và trơn tru lắm: Cột ăng ten đấy! Nơi dựng cột là khoảnh đất nhỏ mố phía Nam của cầu Nam Thành, cách trụ sở Đài Phát thanh-Truyền hình hiện nay vài chục mét. Có lẽ lúc đó là ngày 30/6/1989?!
 
Những người tham gia dựng cột phải là anh em công nhân kỹ thuật dưới sự chỉ huy của kỹ sư Võ Đình Hiểu, nguyên là Trưởng phòng Kỹ thuật của Đài Phát thanh Bình Trị Thiên, lúc này đang phụ trách phần kỹ thuật của đài mới. Ông Hồ Như Ý, nguyên là Giám đốc Đài Phát thanh Bình Trị Thiên đã nghỉ hưu cũng hiện diện và tỏ rõ sự nhiệt thành quan tâm tới sự kiện mang tính lịch sử này.
 
Cột ăng ten đã dựng lên, phần việc bảo đảm kỹ thuật phát sóng thì khối chuyên ngành lo. Phần chúng tôi là dân nội dung, sau khi chứng kiến cái sự kiện vừa mang tính thực tiễn vừa có phần biểu trưng cho sự ra đời lần đầu tiên của Đài Phát thanh tiếng nói tỉnh nhà, chúng tôi lui vào chuẩn bị nội dung cho chương trình đầu tiên vào sáng ngày mai, ngày 1/7/1989.
 
Trước đó, nửa đầu tháng 6, ở Huế, ban “triệu tập viên”, gồm: Nhạc sĩ Quách Mộng Lân, nhà báo Phạm Xuân Lục và kỹ sư Võ Đình Hiểu đã tiến hành các bước cơ bản cho chương trình phát thanh mới và bộ máy nhân sự của Đài Phát thanh Quảng Bình. Nhạc sĩ Quách Mộng Lân đi Hà Nội gặp nhạc sĩ Trần Hoàn. Với sự giúp đỡ hết sức nhiệt tình của vị Bộ trưởng quê Quảng Trị lại có sự gắn bó cơ duyên với vùng đất Quảng Bình, Đài Phát thanh Quảng Bình đã có được nhạc hiệu trên cơ sở tiết tấu của ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi!”.
 
Ở trụ sở của Đài Phát thanh Bình Trị Thiên (19 Lê Lợi, Huế), nhóm phóng viên quê Quảng Bình, gồm: Thế Tường, Khánh Hòa, Lê Anh Phong sử dụng máy móc của Đài Phát thanh Bình Trị Thiên để tuyển phát thanh viên.
Trụ sở Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình hiện nay.
Trụ sở Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình hiện nay.
Qua sàng lọc bước đầu đã chọn được hai giọng đọc một nam, một nữ khá hài lòng là anh Hà và chị Liên. Anh Hà quê Quảng Trị, sinh ra và lớn lên ở một tỉnh phía Bắc, phát âm giọng Bắc, có năng lực làm chủ bài viết và truyền đạt rất tốt. Chị Liên là cử nhân sư phạm ngành Ngữ văn đang giảng dạy ở một tỉnh phía Nam nghe quảng cáo đã đến thi tuyển. Chị làm chủ văn bản khá tốt và có giọng Quảng Bình khá chuẩn.
 
Những ngày cuối tháng 6, ở Huế không khí hồi hương náo nức tạo cảm xúc rất mạnh cho phép tôi viết được một tùy bút khá bằng lòng, lấy tiêu đề là “Đồng Hới-dự cảm mười năm”. Thiên tùy bút dự định sẽ phát trong chương trình đầu tiên chào mừng sự tái lập tỉnh mới. Tôi gửi cho anh Đỗ Quý Doãn, lúc bấy giờ là Thư ký tòa soạn Báo Bình Trị Thiên, triệu tập viên Báo Quảng Bình tương lai. Anh Quý Doãn tỏ ra khá hài lòng và cho biết sẽ đăng trong số đầu tiên.
 
Thế rồi, khoảng những ngày 26-28/6/1989, những chuyến xe chở cán bộ quê Quảng Bình đã ào ạt đổ xuống Đồng Hới. Với những ngành khác, việc ổn định nơi ăn, chốn ở cho gia đình là quan trọng. Nhưng với báo chí, đặc biệt là báo nói xuất bản hàng ngày thì phải bắt tay vào làm việc ngay, trước mắt là cho chương trình đầu tiên và cho những ngày sau đó. Bộ máy khung cốt cán lúc đó có nhà báo Phạm Xuân Lục phụ trách chung, kỹ sư Võ Đình Hiểu phụ trách kỹ thuật, nhạc sĩ Quách Mộng Lân phụ trách nội dung.
 
Còn tôi được giao một chức danh chưa có trên đời, là: “Phó cho anh Lân”. Chức danh này tương đương với Trưởng phòng Nội dung-Thư ký tòa soạn và mặc nhiên tôi cũng hiểu như vậy. Trời tháng 6 nóng như rang, chúng tôi ăn ngủ vạ vật. Gặp gì ăn nấy, ngủ trên một cái bể nước. Công ty (hay xí nghiệp?) vật tư thiết bị Truyền thanh thị xã Đồng Hới sẵn lòng nhường phần lớn mặt bằng trong khuôn viên cho Đài Phát thanh tỉnh sinh hoạt và tác nghiệp. Một số phóng viên, dù chưa ổn định được nơi ăn nghỉ cho gia đình cũng phải lập tức đi địa bàn lấy tin tức và viết bài.
 
Một không khí làm việc khẩn trương, tự nguyện và hết sức chân tình. Tuy nhiên, cái khó của báo nói là tính thời sự nóng, mặc nhiên không thể làm sẵn 1-2 ngày trước mà phải chờ đến sát nút mới lên sóng. Ngoài một bài và một hai cái tin chủ chốt có thể chuẩn bị trước, còn thì bài và tin phản ánh kịp thời nên phải chờ đến chiều 30/6 mới chốt lại.
 
Và rồi thời khắc lịch sử với sự ra đời của một Đài Phát thanh tỉnh cũng dần tiệm cận. Đêm 30/6/1989, sau khi hoàn tất việc thu âm chương trình ba mươi phút cho sáng hôm sau, chúng tôi tụ tập ngủ qua đêm trên mặt bằng bể nước của Đài Phát thanh tỉnh chờ trời sáng. Đúng 6 giờ, ngày 1/7/1989, không gian Đồng Hới vang lên nhạc hiệu trong trẻo và dõng dạc lời xướng: Đây là Đài Phát thanh Quảng Bình, truyền đi từ Đồng Hới.
Nguyễn Thế Tường

tin liên quan

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng luôn là nơi thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến khám phá hang động cũng như hòa mình vào thiên nhiên kỳ vĩ.

Phê bình văn học nữ và phê bình văn học nữ Quảng Bình

(QBĐT) - Văn đàn Việt gần 25 năm đầu thế kỷ XXI có sự trình hiện của một thế hệ nhà phê bình văn học là nữ 7x, 8x đông đảo, bên cạnh thế hệ PBVH nữ 6x trở về trước đã ổn định tên tuổi cùng lứa PBVH nữ 9x, 20x rải rác manh nha, và đương nhiên là còn bên cạnh một lực lượng PBVH nam nhiều thế hệ.

Tiếng ve gọi hè

(QBĐT) - Những ca từ trong trẻo, hồn nhiên "Chẳng nhìn thấy ve đâu, chỉ râm ran tiếng hát/Bè trầm hòa bè cao, trong màn lá xanh dày/Tiếng ve ngân trong veo, đung đưa rặng tre ngà/Lời dịu dàng thương yêu, mang bao niềm tha thiết" trong bài hát "Dàn đồng ca mùa hạ" chợt vang lên như làm đất trời xao động.