"Bến đò ngang Quảng Bình"

  • 07:24 | Thứ Sáu, 07/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - "Quê em có bến đò ngang
                Nắng mưa lầm lũi đò sang đôi bờ
                Thương ai trông ngóng đợi chờ
                 Khi mô sao lặn trăng mờ gặp nhau"
 
Đó là những câu ca dao trong lời mở đầu của cuốn sách "Bến đò ngang Quảng Bình" của nhà thơ, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đặng Thị Kim Liên, người có nhiều năm gắn bó với mảnh đất và văn hóa dân gian Quảng Bình. Cuốn sách chủ yếu viết về giá trị lịch sử văn hóa của bến đò ngang Quảng Bình, về nét đẹp văn hóa và tín ngưỡng dân gian, về sức sống đằng sau những bến đò ngang và cả về nhịp cầu kết nối ước mơ của người dân Quảng Bình.
 
Cuốn sách dày 353 trang với sáu chương. Ở chương 1, tác giả đề cập đến bến đò ngang trong đời sống văn hóa-xã hội của người dân Quảng Bình, về cội nguồn văn hóa bến đò ngang, tìm về những bến đò xưa, duyên nợ đò ngang và giá trị của nó trong diễn trình mở cõi. Nội dung chương 2 chủ yếu về tuyến đò khách ngang sông phía Bắc Quảng Bình. Đó là trải nghiệm, khảo sát, điền dã đối với những bến đò ngang ở các con sông: Gianh, Roòn, Son, Lý Hòa, Dinh...
Bìa cuốn sách
Bìa cuốn sách "Bến đò ngang Quảng Bình".

 

Chương 3 đề cập đến đò khách ngang sông Nhật Lệ và các chi lưu phía Nam Quảng Bình, trong khi chương 4 dành trọn vẹn nội dung về tín ngưỡng dân gian bến đò tục thờ cúng, kiêng kỵ. Tác giả tìm về văn hóa dân gian của khu vực các bến đò ngang, đó là các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, tục thờ cúng, kiêng kỵ, mở bến liên quan đến bến đò...

Nội dung chương 5 là về nét đẹp văn hóa dân gian đò ngang Quảng Bình. Chương 6 là về sức sống đò ngang, nhịp cầu kết nối ước mơ. Đó là những chiếc cầu nối liền đất nước, nối hai bờ thay cho chuyến đò ngang, nhưng tâm thức của mỗi người qua bao thế hệ vẫn còn đó tiếng gọi "Đò ơi!". Đó là bến đò ngang gắn liền với tên làng xã, tên người lái đò, tên sông, tên chợ, lớn lên cùng năm tháng với các thế hệ người Quảng Bình từ thuở sơ khai, qua hai cuộc kháng chiến đến tận hôm nay.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đặng Thị Kim Liên sinh năm 1949, công tác ở ngành Giáo dục, sau chuyển qua làm việc ở Hội LHPN TX. Đồng Hới (nay là TP. Đồng Hới). Từ khi về hưu đến nay, bà có điều kiện đi nhiều, viết nhiều và có nhiều giải thưởng về thơ, văn. Đặc biệt, các cuốn sách: "Địa chí làng Đức Phổ", "Chợ quê Quảng Bình", "Chợ phiên Ba Đồn", "Vạn chài sông Gianh" đoạt giải của Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình và Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam.

Trong "Bến đò ngang Quảng Bình", tác giả đã khắc họa, tái hiện hình ảnh, diện mạo, nét đặc trưng của bến đò ngang Quảng Bình: "Những chuyến đò ngang sông, vun đắp tâm hồn con người khắp mọi nẻo đường quê gần gũi thân thuộc, tựa vào nhau vượt qua thử thách thiên tai. Cũng từ hình ảnh bến nước con đò xa ngái để hiểu được lòng nhau, mà để thương để nhớ suốt đời". Bến đò ngang Quảng Bình là tiếng gọi thiết tha, là ký ức về những chuyến đò ngang trong đổi thay của xu hướng công nghiệp hóa giao thông.

Tác giả bằng giọng văn dung dị, cảm động, đánh thức cảm xúc của người con Quảng Bình, sống lại những chuyến đò, bến đò. Một dòng sông, một bến đò có lúc đã rơi vào quá khứ với hư thực của thời gian, của thời bao cấp, của chiến tranh, của tuổi học trò, của các thế hệ lên đường đánh Mỹ... Hơn 300 trang sách đã toát lên tình yêu, hơi thở, sự lưu luyến về tình yêu. Tình cảm cứ lắng sâu trong tâm khảm trái tim nồng hậu của người đợi đò qua sông.

Đò ngang, bến đò ngang Quảng Bình là một chất liệu tưởng như cũ mà lại mới. Đây là nét riêng của bà, với một thái độ làm việc nghiêm túc, khoa học, một nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian, kết hợp nghiên cứu tài liệu và điền dã thực địa. Với cách viết dung dị nhưng lại hấp dẫn, giàu cảm xúc, tác giả đã thả hồn mình vào trong từng trang sách, từng kỷ niệm, tạo nên nét riêng trong cách viết.

Đọc những trang viết trong chương 1 và chương 5, độc giả là người có tuổi sẽ hồi nhớ, hoài niệm, sống lại hình ảnh, vẻ đẹp của các làng quê với cây đa, bến nước, đò ngang. Người trẻ sẽ hiểu hơn về cội nguồn, gốc tích, của từng bến đò ngang, của một thời gian khó, hy sinh gắn với đò ngang:

       "Gọi đò, gọi mãi... đò ơi...
Con đò hiu quạnh, tối trời bến quê
        Còn ai nhớ đến mình về
 Lất phất mưa bụi bờ đê nắng hừng..."
 
Từ đó sẽ quý hơn, yêu hơn sông nước quê mình. Và vì vậy mà cuốn sách là "sợi dây" kết nối giữa giá trị truyền thống với giá trị xã hội hiện nay.
 
"Bến đò ngang Quảng Bình" góp phần đánh thức tâm hồn mỗi người, đánh thức những dòng sông, đánh thức tình yêu quê hương, đánh thức tuổi thơ gắn với dòng sông, với bến nước, con đò, với xứ sở tiềm ẩn trong đáy sâu tâm thức của mỗi con người. Vì thế, đây là cuốn sách rất đáng quý, nhất là với tất cả chúng ta, ai cũng có kỷ niệm với những chuyến đò ngang trong cuộc đời, những bến đò ngang theo ta cùng năm tháng.
                                                                 Tạ Đình Hà

tin liên quan

Bài 2: Để các di tích phát huy giá trị

(QBĐT) - Những năm qua, huyện Quảng Ninh đã có nhiều chính sách, tập trung nguồn lực để làm tốt việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.

Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước diễn ra vào dịp kỷ niệm 19/5

Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước sẽ diễn ra vào dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023).

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Áo dài truyền thống là nét văn hóa đặc trưng, riêng có, tôn vinh vẻ đẹp dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam.