Dư âm nhạc phẩm đầu tiên viết về Đồng Hới

  • 06:52 | Thứ Sáu, 29/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đã gần 80 năm trôi qua kể từ tác phẩm âm nhạc đầu tiên viết về Đồng Hới, nhạc phẩm “Sóng Nhật Lệ” (nhạc sĩ Nguyễn Đình Chiếu) ra đời, nhiều ký ức đã phai mờ, những cố nhân ngày xưa nay đã trở thành thiên cổ. Tuy vậy, những dư âm của bản nhạc “Chiều Nhật Lệ” sẽ còn mãi, minh chứng cho sức sống bất diệt của tình yêu dành cho thành phố Hoa Hồng.
 
Theo cuốn “Địa chí Đồng Hới” của tác giả Nguyễn Tú, trước Cách mạng tháng Tám 8 năm 1945, Đồng Hới không có phong trào nhạc mới, chủ yếu là hò khoan-chèo cạn, các làn điệu ca Huế. Âm nhạc dân gian là những đội nhạc hát đám tang và đội trống “cà rưng” trong các kỳ rước thần. Khoảng năm 1940 trở về sau, âm nhạc mới bắt đầu xuất hiện và được lớp thanh niên tân học ưa chuộng. Đó là những bài hát yêu nước của Lưu Hữu Phước, Hoàng Quý… Các đội hướng đạo sinh bí mật hát cho nhau nghe những bài hát có nội dung yêu nước. Đến năm 1944, sinh hoạt sân khấu và ca nhạc phát triển mạnh.
 
Và cũng trong thời kỳ này, năm 1944, nhạc sĩ Nguyễn Đình Chiếu, vốn gốc người Huế, lấy vợ người phường Đồng Đình rồi nhập cư ở Đồng Hới đã soạn một nhạc phẩm không lời có tên “Sóng Nhật Lệ”. Ông đã độc tác bằng đàn măngđôlin với anh em chơi nhạc trong thị xã. “Có thể nói đây là bản nhạc đầu tiên của người Đồng Hới sáng tác đề tài Đồng Hới đầu tiên trong phong trào âm nhạc ở Đồng Hới”.
Bản nhạc “Sóng Nhật Lệ” (Ảnh chụp từ sách “Địa chí Đồng Hới” của tác giả Nguyễn Tú).
Bản nhạc “Sóng Nhật Lệ” (Ảnh chụp từ sách “Địa chí Đồng Hới” của tác giả Nguyễn Tú).

Bản nhạc đầu tiên viết về Đồng Hới được sáng tác trong hoàn cảnh như vậy. Và giờ đây, những thông tin về tác giả cũng như bản nhạc mang tính biểu tượng này cũng rất ít ỏi. Nhạc sĩ Dương Viết Chiến (Đức Ninh, TP. Đồng Hới) chia sẻ, thông tin về nhạc sĩ Nguyễn Đình Chiếu rất hạn chế bởi thời gian trôi qua rất lâu, thêm nữa lớp hậu duệ của ông dường như cũng không theo con đường âm nhạc, nên việc sưu tầm, lưu giữ các nhạc phẩm của ông cũng không được đề cập đến nhiều. Một nhạc sĩ nổi bật cũng trong giai đoạn này là Phạm Hữu Tình (tác giả của “Xô-nát sáng trăng”, “Dặm về”, phổ thơ Xuân Hoàng) cũng khá ít thông tin để tìm hiểu.

Về bản nhạc “Sóng Nhật Lệ”, trong các bài nghiên cứu của mình, nhạc sĩ Dương Viết Chiến cho biết: “Đây là một bản nhạc không lời nhịp 3/4 nhưng có tiết tấu và giai điệu trầm bổng, dồn dập rất độc đáo. Những năm 45-50 của thế kỷ trước nhiều người biết bản nhạc này. Thời đó, bản nhạc ấy dùng cho nhạc cụ măngđôlin rất thích hợp. Giáo sư-NGND-Nhạc sĩ Dương Viết Á ngày còn học cấp 2 thường đàn bản nhạc này mà tôi nhớ mãi cho tới bây giờ.
 
Có thể nói đây là một tác phẩm âm nhạc mở đầu cho phong trào tân nhạc trên đất Quảng Bình từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp chín năm trường kỳ và gian khổ”.  Ông cũng nhận định: “Có thể còn nhiều tác giả khác nữa mà các tài liệu ngày nay không thể ghi chép lại hết được, bởi các sáng tác thời đó phần lớn thường chép tay, đánh máy, in ronéo, hoặc in ấn trên một số tờ báo đơn sơ ban đầu của địa phương trong điều kiện chiến tranh ác liệt không thể tàng trữ được, nên đã thất truyền”.
 
Còn theo nhà nghiên cứu văn hóa Đỗ Duy Văn (xã Lương Ninh, Quảng Ninh), tác giả của nhiều cuốn dư địa chỉ huyện, xã của Quảng Bình, để khảo cứu thông tin về nhạc phẩm đầu tiên viết về Đồng Hới “Sóng Nhật Lệ” là rất khó khăn, bởi người xưa cảnh cũ, vật đổi sao dời. Các nhân chứng hầu như đều đã cao tuổi hoặc qua đời. Thông tin về nhạc sĩ Nguyễn Đình Chiếu rất ít ỏi. Giai đoạn này nổi bật về sáng tác âm nhạc còn có ông Phạm Hữu Tình, người xã Lương Ninh (Quảng Ninh) cũng đã mất từ lâu. Em trai ông, ông Phạm Hữu Tài, người lưu giữ nhiều thông tin quý giá về nhạc sĩ cũng đã qua đời. Gia quyến của cố nhạc sĩ sinh sống chủ yếu ở Thừa Thiên-Huế. Do vậy, để tìm hiểu các thông tin về âm nhạc Đồng Hới giai đoạn này là không hề dễ dàng.
 
Để những tác phẩm âm nhạc thời kỳ đầu viết về Đồng Hới có sức sống lan tỏa, việc đầu tư các công trình nghiên cứu, khảo cứu chuyên sâu đóng vai trò quan trọng. Kỳ vọng thời gian tới, sẽ có những nhà nghiên cứu quan tâm, chú trọng mảng nội dung này. Qua đó, lớp trầm tích của thời gian sẽ được khai mở, lớp trẻ ngày nay có cơ hội hiểu sâu hơn, kỹ hơn không chỉ về bản nhạc đầu tiên về thành phố Hoa Hồng mà còn cả về một giai đoạn nhiều gian khó, hào hùng thuở sơ khai của âm nhạc tiền chiến. Cũng rất mong muốn, qua bài viết này, độc giả có được những thông tin quý giá sẽ liên hệ, chia sẻ để làm dày thêm kho tàng âm nhạc Quảng Bình vốn dĩ rất phong phú, đa dạng.
 
Mai Nhân

tin liên quan

"Đồng Hới-Điểm hẹn mùa hè"

(QBĐT) - Mở đầu cho mùa du lịch biển, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với thành phố Hoa Hồng, TP. Đồng Hới tổ chức lễ hội "Đồng Hới-Điểm hẹn mùa hè" đầy sôi động và rực rỡ sắc màu. 

Chuẩn bị chu đáo lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ

(QBĐT) - Để lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ vào sáng 30/4 diễn ra thành công, thời gian qua, Ban Tổ chức Tuần Văn hóa-Du lịch (VH-DL) Đồng Hới năm 2022 đã nỗ lực chuẩn bị các điều kiện, đến nay, công tác bảo đảm cho lễ hội đã hoàn tất.

 

 

Giao lưu nghệ thuật "Chung một dòng sông"

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972 - 1/5/2022), 47 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022), tối 26/4, Báo Nhân Dân, Hội Nhà báo Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật "Chung một dòng sông".