Đọc "Trước pháp trường trắng" của Hoàng Minh Đức

  • 07:05 | Thứ Sáu, 11/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - "Trước pháp trường trắng" (NXB Thuận Hóa, 2022) là tập bình luận văn nghệ của tác giả Hoàng Minh Đức (bút danh Thanh Hà, hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Bình). "Trước pháp trường trắng" gồm 29 bài viết về cuộc đời và tác phẩm của các văn nghệ sỹ quê hương Quảng Bình. Hầu hết những bài viết trong tập đã được đăng rải rác trên báo, tạp chí văn nghệ Trung ương và địa phương trong gần 10 năm lại đây. Để có được "Trước pháp trường trắng", tác giả phải tốn khá nhiều công sức, thời gian sưu tầm tài liệu, đọc và suy ngẫm hàng nghìn trang sách. Một người “ngoại đạo” (tác giả là dân toán) mà dám “liều mình” xông vào lĩnh vực bình luận văn nghệ, nào khác gì đứng... “trước pháp trường trắng”.  
 
Quê hương Quảng Bình vốn có truyền thống văn chương. Cùng thời với Cao Bá Quát, Quảng Bình có nhà thơ Nguyễn Hàm Ninh. Cùng thời với Huy Cận, Xuân Diệu, Quảng Bình có Lưu Trọng Lư, Nguyễn Xuân Sanh, nhà thơ tài danh Hàn Mặc Tử cũng sinh ở Quảng Bình. Từ sau 1954 đến nay, đội ngũ văn nghệ sỹ quê hương Quảng Bình ngày càng đông đảo.
 
Riêng lĩnh vực văn học có một số tên tuổi sáng giá, như: Xuân Hoàng, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Hoàng Vũ Thuật, Trần Nhật Thu, Hải Kỳ, Ngô Minh, Nguyễn Văn Dinh, Văn Lợi, Lý Hoài Xuân, Hoàng Hiếu Nhân, Trần Quang Đạo, Lê Xuân Đố, Nguyễn Hữu Quý… (thơ); Hoàng Bình Trọng, Nguyễn Quang Lập, Hữu Phương, Nguyễn Thế Tường, Hoàng Thái Sơn, Nguyễn Quang Vinh… (văn xuôi). Đặc biệt là vùng quê Quảng Trạch (bao gồm cả TX. Ba Đồn hiện nay), phong trào sáng tác văn thơ khá sôi nổi và có một số hoạt động gây được tiếng vang. 
 
Quảng Trạch là quê hương của Hoàng Minh Đức nên trong "Trước pháp trường trắng", tác giả dành phần lớn trang viết trong cho đội ngũ sáng tác văn chương quê hương Quảng Trạch là điều dễ hiểu. Người được Hoàng Minh Đức ưu tiên đặc biệt có lẽ là nhà văn Hoàng Bình Trọng. Riêng Hoàng Bình Trọng có đến 4 bài: Hoàng Bình Trọng với Bí mật một khu rừng, Thơ lục bát của Hoàng Bình Trọng, Trước pháp trường trắng, Ngày về-Tập truyện ngắn viết cho thiếu nhi cuối cùng của nhà văn Hoàng Bình Trọng.
 
Hoàng Minh Đức may mắn sống gần gũi nhà văn nên được nhà văn “tiết lộ” khá nhiều chuyện về đời, về nghề. Qua những lần tâm sự, tác giả "Trước pháp trường trắng" mới biết được nguyên mẫu nhân vật của tiểu thuyết Bí mật một khu rừng. “Đáng lẽ Hoàng Bình Trọng, nhân vật kể chuyện phải ở ngôi thứ nhất nhưng anh lại đẩy xuống ngôi thứ ba, mang tên nhân vật Vương Đình Hoàng. Đặng Vũ Khúc được mang tên là Lê Quang Trung… các nhân vật bằng xương bằng thịt ngoài đời được tái tạo, đưa vào trang sách. Chỉ lão thầy mo Đèo Văn Sằn là nhân vật do nhà văn sáng tạo”. Cũng nhờ gần gũi với nhà văn mà Hoàng Minh Đức biết được một số câu chuyện khá thú vị, như chuyện thời nhà văn thất nghiệp phải vào Tây Nguyên đào hố trồng cà phê, vừa đói vừa khát, ông xuống suối xách lên một bi đông nước và mở đài ngồi nghe dưới gốc cây. Đài đang đọc truyện dài kỳ Bí mật một khu rừng của ông.
Bìa tập sách
Bìa tập sách "Trước pháp trường trắng".

Mấy thanh niên khúc khích cười: “Trọng nào hay Trọng đào hố ở đây”. Ông cười vang: “Thì chính tớ đây chứ ai”. Cả bọn lại được dịp chế nhạo, họ đặt cho ông đủ thứ biệt hiệu sặc mùi kiếm hiệp, kiểu như: “Trượng phu thất thế”, “Anh hùng sa cơ”… Mấy ngày sau xuất hiện một người đàn ông mặt mũi phương phi, cơ bắp cuồn cuộn cầm cuốc chim, xà beng đến: “Anh Hai! Có phải anh ở Sư đoàn 304B không? Mấy ngày nay em cứ ngờ ngợ. Em là người cầm đầu vụ phản chiến ở rừng cao su Long Khánh”. Thì ra đó là người chỉ huy đại đội hàng binh mà Hoàng Bình Trọng đã đem lên giao trên chiến khu. Thế rồi, không biết ông ta nói gì mà vài chục phút sau cả bọn ào tới đào cho ông 630 hốc.

Trong bài Thơ lục bát của Hoàng Bình Trọng, Hoàng Minh Đức kể: Hoàng Bình Trọng biết làm thơ lục bát khi mới 12 tuổi. Ngày đó, ông theo cha từ Sài Gòn về tản cư ở làng Khương Hà, một vùng rừng núi Quảng Bình. Gặp đôi trai gái yêu nhau, ông làm “bưu tá” đưa thư liên lạc cho hai người. Khi cuộc tình của cặp uyên ương tan vỡ, thương quá mà ông khóc rấm rứt, bỏ ăn mấy ngày liền. Ông viết truyện thơ “Lỡ làng” dài gần hai nghìn câu về mối tình của họ… Những câu chuyện “ngoài lề” ấy giúp bạn đọc hiểu đầy đủ hơn cuộc đời và tài năng của nhà văn.
 
Với thầy giáo Hoàng Hiếu Nghĩa (anh trai nhà văn Hoàng Bình Trọng), Hoàng Minh Đức đúc kết: “Là một người tâm huyết với nghề dạy học, viết văn, làm thơ, dịch thuật, thầy giáo Hoàng Hiếu Nghĩa có nhiều bài thơ tặng các văn nghệ sĩ và ngành Giáo dục-Đào tạo, như: Tình người, tình xuân, Trồng người-trồng cây, Người và đất quê tôi… Là một người chồng, người cha mẫu mực, ông đã nuôi dạy các con khôn lớn, trưởng thành, trong đó có nhà thơ thần đồng Hoàng Hiếu Nhân…”.
 
Tôi từng có bài viết về thơ Hoàng Hiếu Nhân nhưng khi đọc "Trước pháp trường trắng", tôi mới biết thời học cấp 3 Nam Quảng Trạch, “vì hoàn cảnh khó khăn, Nhân phải nghỉ học để giúp đỡ mẹ và các em. Sau này, học lại ở lớp 10G, Nhân vẫn đứng đầu và thi trúng tuyển ngay vào Trường đại học Bách khoa Hà Nội với số điểm khá cao”. Các văn nghệ sỹ quê Quảng Trạch, như: Phan Văn Khuyến, Ngọc Khương, Nguyễn Hữu Trường, nhạc sỹ Nguyên Nhung … đều được Hoàng Minh Đức ghi chép khá cặn kẽ về cuộc đời và sáng tác của họ có lẽ một phần cũng vì tình cảm sâu nặng với quê hương.  
 
Không chỉ các văn nghệ sỹ quê Quảng Trạch, các văn nghệ sỹ quê Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, Tuyên Hóa, như: Hoàng Vũ Thuật, Nguyễn Thế Tường, Lý Hoài Xuân, Mai Văn Hoan, Cảnh Giang, Nguyễn Xuân Sùng… cũng được tác giả "Trước pháp trường trắng" hết sức quan tâm. Có tác giả, Hoàng Minh Đức dành tâm sức viết đến 2 bài, như: Cảnh Giang, Mai Văn Hoan, Lý Hoài Xuân.
 
Nể phục nhất là anh viết về Hoàng Vũ Thuật. Hoàng Minh Đức cho rằng thơ Hoàng Vũ Thuật: “Nếu người chưa quen đọc loại thơ này thì rất khó chịu. Dòng thơ không được sắp xếp theo một trật tự ngữ pháp chuẩn mực truyền thống. Dòng thơ chỉ có một hoặc vài ba chữ, đó là những câu đơn chỉ có một, vài từ, đằng sau từ đó là nhiều tầng, vỉa mà Hoàng Vũ Thuật muốn nói ngoài lời, ngoài con chữ.
 
Muốn hiểu được nó phải có mã số, tìm ra chìa khóa để mở”. Hoàng Vũ Thuật thường sử dụng các thủ pháp tượng trưng, siêu thực, hậu hiện đại. Một người ngoại đạo (dân toán) mà nắm được “mã số”, “tìm ra được chìa khóa” để bình luận những câu thơ “nằm ngoài con chữ” của Hoàng Vũ Thuật quả là kỳ công. Tôi chơi thân với Hoàng Vũ Thuật, là người đầu tiên viết phê bình tập thơ Hoa xương rồng trên cát, nhưng kể từ khi Hoàng Vũ Thuật làm mới thơ mình, tôi loay mãi mà vẫn chưa tìm được “chìa khóa” để khám phá những câu thơ “nằm ngoài con chữ” của Hoàng Vũ Thuật. Bởi vậy, tôi rất nể phục những ai tiếp cận được với thi pháp tượng trưng, siêu thực, hậu hiện đại như Hoàng Minh Đức.  
      
Trên văn đàn nước ta hiện nay có nhiều xu hướng, trường phái khác nhau. Người làm thơ truyền thống phương Đông, người làm thơ cách tân học theo phương Tây… Đó là điều đáng mừng. Bởi nó góp phần làm cho văn chương nước nhà trở nên đa dạng và phong phú hơn. Mỗi người có quyền lựa chọn những món ăn hợp khẩu vị của mình. Người thích kiểu thơ Hoàng Bình Trọng, người thích kiểu thơ Hoàng Vũ Thuật là điều hết sức bình thường. Hoàng Minh Đức có khác, anh vừa thích thơ Hoàng Bình Trọng vừa thích thơ Hoàng Vũ Thuật. Bởi vậy, "Trước pháp trường trắng" không đơn điệu, một chiều. Chỉ hơi tiếc là trong "Trước pháp trường trắng" còn vắng bóng một số những văn nghệ sỹ sáng giá của Quảng Trạch nói riêng và của quê hương Quảng Bình nói chung. 
 
Tôi nóng lòng chờ đợi những công trình bình luận văn nghệ tiếp theo của anh.
                                                                               
                                                                                Mai Văn Hoan

tin liên quan

Chương trình nghệ thuật tri ân các thầy thuốc và nhân viên y tế

Thủ tướng khẳng định mỗi người dân Việt Nam đều muốn nói lời tri ân, lời cảm ơn, lời chia sẻ, lời thấu hiểu, sự đồng lòng đến các thầy thuốc và nhân viên y tế với sứ mệnh tự hào, cao cả.

Netflix sẽ thực hiện bộ phim bối cảnh tại Việt Nam

Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho phép hợp tác sản xuất, quay bộ phim truyện Du lịch đến tình yêu (A Tourist's Guide to Love ) tại Việt Nam. Phim sẽ được quay tại nhiều tỉnh, thành, với nhiều cảnh quay về cảnh sắc tươi đẹp và những nét văn hóa độc đáo của Việt Nam.

Nâng cấp di tích bảo đảm tính tôn nghiêm, nhằm tri ân công lao của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh

(QBĐT) - Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khi đi kiểm tra thực tế tại Di tích lịch sử quốc gia lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào chiều 10/3. Cùng đi có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan.