Nguyễn Thanh Vân, có một quê nhà để mong

  • 13:46 | Thứ Tư, 09/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa khi nhận xét về tập thơ “Những câu thơ nhặt trên phố cũ” của nhà thơ Nguyễn Thanh Vân đã viết: “Bản đồ tâm hồn Nguyễn Thanh Vân khá dày đường rậm nét”. Hoàng Đăng Khoa vốn là “ảo thuật gia” của ngôn ngữ, anh có lý, tôi để ý mấy từ “Bản đồ tâm hồn”. Thật là đúng.
 
Nhà thơ Nguyễn Thanh Vân, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam sinh ra ở huyện Tuyên Hoá. Thời trai trẻ, ông lo mưu sinh, cất thơ vào lòng làm thứ “để dành”, mãi đến 2013, ông mới in tập thơ đầu tiên. Từ đó đến nay, hơn hai năm ông in một tập. “Những câu thơ nhặt trên phố cũ”, NXB Hội Nhà văn, quý I/2022 là tập thơ thứ 4, nhưng là tập đầu tiên tôi được đọc. Trước đó, đọc rải rác thơ ông trên báo, tạp chí văn nghệ và “tờ báo” không cần giấy phép, chỉ cần chấp hành “Tiêu chuẩn cộng đồng”.
 
“Những câu thơ nhặt trên phố cũ” gồm 61 bài thơ. Ông viết từ làng ra phố, từ quê ra tỉnh, từ “Đò ngang” đến “Phố Phái”; từ “Tháng hai” đến “Tháng mười”; từ “Tiếng dế” đến “Trăng Quy Nhơn”; từ “Miền trầu cau” đến “Thế giới phẳng”...Ông đi từ “Lối cũ” đến “Ngã ba thời gian” mới “Định vị”.
 
“Những câu thơ nhặt trên phố cũ” là tên một bài được dùng đặt tên chung cho cả tập, nhưng thơ trong tập thì nhà thơ “nhặt” khắp nơi, từ “Miền trầu cau” đến “Phố Hàng Khay”. Ông viết từ thế sự “Tháng năm Covid” đến thơ tình, từ người nông dân đến người đàn bà, dẫu “Đi ngược chiều nhau”.
Cuốn
Cuốn "Những câu thơ nhặt trên phố cũ" của nhà thơ Nguyễn Thanh Vân.

Bề ngoài Nguyễn Thanh Vân có vẻ không hợp với ồn ĩ, lao xao nhưng trong trái tim ông cồn cào trắc ẩn. “Chị xòe tay đếm những đồng xu lẻ / Ấy cũng là lúc một bình minh vừa mới bắt đầu” (Người đàn bà gánh đêm). Hai câu thơ có thừa sự rung cảm, xa xót. Trong “Những câu thơ nhặt trên phố cũ” có nhiều bài thơ đau nỗi đau thân phận, kiếp người. Nguyễn Thanh Vân chứng minh mình là “đồng minh” của phái yếu, ông viết nhiều về người đàn bà. Ngoài “Người đàn bà gánh đêm” còn “Người đàn bà mưa”. “Người đàn bà không hóa đá”...

Mảng thơ có mùi thế sự, còn có “Tháng năm Covid”, “Người thợ ảnh thành Đồng Hới”. Nguyễn Thanh Vân không chỉ lãng đãng với “Tiếng dế”, “Bến thu”, “Lối cũ”..., cuộc sống với biết bao vấn đề còn tạo nên dư ba cảm xúc trong thơ ông. “Ve sầu ơi đừng kêu nữa /Bản nhạc ngợi ca mùa hè/Bao ngày sân trường trống vắng / Chỉ còn bóng nắng ngồi nghe”, (Tháng năm Covid). Covid-19 làm “đảo lộn” thế giới, bóng nắng sân trường cũng trở nên cô đơn, huống chi trẻ em không được đến trường, khai giảng năm học chỉ nhìn thấy cô, thầy, bạn bè trên màn hình trực tuyến?

Nguyễn Thanh Vân vừa dân tộc vừa hiện đại trong thi pháp. Bằng chứng là trong “Những câu thơ nhặt trên phố cũ” có đến 14 bài lục bát và lục bát biến thể. Nhiều câu thơ đẹp, óng ả, thi ảnh mới, lạ.

          ...
 
          Một đời mẹ mặc áo nâu
 
          Mua cho con những sắc màu thiên thanh
 
          Ôm bao vất vả sinh thành
 
          Dành cho con hết ngọt lành hôm nay
 
          (Vu lan nhớ mẹ)
 
Nhân vật “mẹ” trong bài thơ, trước hết là người mẹ sinh thành của nhà thơ, bởi tên bài thơ đã nói lên dòng cảm xúc báo ơn. Tuy nhiên, “mẹ” ở đây có thể hiểu là “quê hương”, nơi đã nuôi dưỡng từng con người lớn lên, trong đó có nhà thơ. “Một đời mẹ mặc áo nâu”, có thể hiểu đó là những đồng đất quê nhà Tuyên Hóa, nơi bố mẹ và cả nhà thơ từng một nắng hai sương, đi qua bao mùa giông, bão. Thiên chức của thi ca, không chỉ là “tả thực”, còn là ẩn dụ, tạo nên các trường đa biến của cảm xúc. Lục bát Nguyễn Thanh Vân lâng lâng hoài niệm, nhóm nhen ký ức sống dậy.
...
 
Mưa rào pha loãng mực đêm
 
Cha dắt đom đóm ra xem lúa đòng
 
Ngõ quanh phía gánh lưng còng
 
Thắt eo nẻo gánh lưng ong về làng
(Ngõ quê)
...
 
Tôi về tìm lại mùa đông
 
Theo con gió đói bẻ cong đường làng
 
(Tìm lại mùa đông)
 
Nhà thơ Nguyễn Thanh Vân hiện sống và viết ở Thủ đô Hà Nội. Trong “Những câu thơ nhặt trên phố cũ”, Hà Nội-với tư cách là “quê hương thứ hai” đi vào “Đêm phố Nguyễn Đình Thi”, “Những câu thơ nhặt trên phố cũ”, “Trả lại em phố Phái của ngày xanh”, “Phố Hàng Khay”, “Mùa thu Tây Hồ”, “Mưa Hà Nội”, “Hà Nội mùa đông”, “Phố Phái”, “Cúc họa mi”. Thế nhưng, Quảng Bình-với tư cách là nơi “chôn nhau, cắt rốn” vẫn là nơi nặng lòng, choán hết cảm xúc nhà thơ. Quê hương là cả một trời hoài niệm trong “Ngõ quê”, “Đò ngang”, “Tiếng dế”, “Thu quê”, “Cỏ may”, “Miền trầu cau”, “Lối cũ”, “Cô Tấm về quê”, “Mong em ngày ấy nở hoa cổng làng”...
...
 
Trầu cau mời điệu dân ca
 
Cho ta có một quê nhà để trông...
(Miền trầu cau).
 
Thời gian không bao giờ quay trở lại, quê nhà với Nguyễn Thanh Vân, còn là thời tinh khôi cảm xúc. Nơi mà “Hai thôn cách một dòng sông /Phía em cộng một cánh đồng cỏ may”...”Cỏ may vá hết lối mòn/Sao không khâu kín nỗi buồn ngày xưa” (Cỏ may). Tâm hồn thi sỹ đẹp bởi nỗi buồn, vết thương lòng, nhiều khi là sức mạnh. Đó cũng là vẻ đẹp thi ca trong “Những câu thơ nhặt trên phố cũ”.
 
Ngô Đức Hành
 

tin liên quan

Nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian

(QBĐT) - Huyện Quảng Trạch là địa phương vẫn giữ được những làn điệu dân ca truyền thống, như: Hát ca trù ở Quảng Phương, hát nhà trò, hát kiều ở Quảng Kim, hát ru, chèo cạn ở xã Cảnh Dương... Những năm qua, cùng với việc quan tâm hỗ trợ các câu lạc bộ (CLB) dân ca trên địa bàn duy trì hoạt động, huyện khuyến khích truyền dạy các loại hình văn nghệ dân gian cho thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian của quê hương…

Chương trình nghệ thuật tri ân các thầy thuốc và nhân viên y tế

Thủ tướng khẳng định mỗi người dân Việt Nam đều muốn nói lời tri ân, lời cảm ơn, lời chia sẻ, lời thấu hiểu, sự đồng lòng đến các thầy thuốc và nhân viên y tế với sứ mệnh tự hào, cao cả.

Tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 đảm bảo hiệu quả

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định trên, ngày 24/12/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Kế hoạch số 5270/KH-BTTTT hướng dẫn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên toàn quốc.