"Lửa" từ những thanh âm song trùng

  • 08:36 | Chủ Nhật, 06/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đỗ Thành Đồng có nhiều chuyến hành hương trong bản ngã, trong cõi sống, trong tự nhiên, nhưng phải đến “Lửa”[1] sự nhập cuộc của anh mới lan rộng, gợi mở và sâu xa hơn. Sự xuất hiện của nhiều tiếng nói song trùng như cái tôi bên trong với cái tôi bên ngoài, cái tôi bản thể với thi ca, cái tôi bản thể với tự nhiên đã quyện hòa, gom góp năng lượng ánh sáng của “Lửa”. Cái "khác" mà anh đặt ra trong “Lửa” thực ra cũng là cái "khác" đã có từ “Rỗng”, “Rác”, “Xác” và “Đá”[2], nhưng trong thi tập này, cái "khác" sẽ tạo ra nhiều điểm nhìn phức tạp, vừa trùng lặp vừa tương phản, biểu thị thế giới bản ngã đầy thú vị và độc đáo của anh. Đây chính là cách thức anh làm mới cái tôi bản ngã và tạo sự lý thú đối với người tiếp nhận.
 
“Lửa”, Đỗ Thành Đồng thường sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số ít như “tôi”, đại từ nhân xưng ngôi thứ hai như “anh”, lúc tách rời, lúc sóng đôi. “Tôi”, “anh”, được nhìn từ bên trong, mang tiếng nói của tác giả, nhưng nhiều khi được nhìn từ bên ngoài, như một người khác, đòi hỏi người tiếp nhận phải tháo gỡ, tách rời các mặt nạ ấy mới nắm bắt được dấu tích xuyên suốt của nhân vật trữ tình.
 
Đó là lý do vì sao thơ anh liên tục xuất hiện và lặp lại kiểu nhân vật trữ tình song trùng, đồng nhất hoặc tương phản qua sự khúc xạ của bóng và hình, hồn và xác. Sự phân tách tôi và anh vừa phản chiếu, soi ngắm vừa tương hỗ, bổ sung làm rõ nhân vật trữ tình trong thơ. Sự xuất hiện của bóng, hồn, anh làm rõ hơn chiều kích khác của hình, xác, tôi, đưa đến chiều sâu kinh nghiệm về bản ngã. Sự nổi loạn của cái tôi bên trong, cái phần vô thức của cái tôi bên trong đã tạo ra một/những gương mặt khác cho cái tôi bên ngoài, điểm mặt chỉ tên những phần vốn bị ý thức che đậy, khước từ.
 
Nhân vật phân thân, song trùng với cái tôi cho Đỗ Thành Đồng cái nhìn sâu sắc hơn từ phương diện đối lập. Rõ nét ở bức tranh này là sự đối nghịch giữa bóng tối và ánh sáng. Bóng tối và ánh sáng là cái nền thấu thị. Chính sự phân mảnh, đối gương, giằng xé này là điểm tựa để anh giữ vững tâm hồn và cảm xúc thanh sạch trước những bão giông, tăm tối của cuộc đời.
 
Phân thân tiếng nói ngoài tôi và tiếng nói trong tôi còn cho Đỗ Thành Đồng những cảm nhận về giá trị của thơ. Nhiều tiếng nói trong cái tôi phân mảnh của anh khi gặp một đối tượng khác-đối tượng thơ ca-đã tạo lập nên chỉnh thể hợp nhất tiếng nói: tiếng nói của đứa trẻ, của sự hồn nhiên, của thi tính.
 
Với “Lửa”, cái tôi bản thể của anh không chỉ diễn ra trong sự tra vấn, phân rã mà còn diễn ra trong sự quy chiếu với thơ. Anh lắng nghe, đối thoại với thơ, xem thơ như là người bạn tri kỷ. Thơ vốn dĩ là “nghề của bề sâu” (Lê Đạt) nên sự lặn với chữ của anh càng sâu thì giá trị nghĩa càng phát tín. Những quy chiếu bản thể trong thơ luôn định vị anh là ai, sáng tạo của anh như thế nào. Vật vã giải mã, phân rã, mổ xẻ bản thể mình chung đôi trong nỗi vật vã dùi mài chữ, Đỗ Thành Đồng nhận được những thành quả ngọt ngào: “nơi những câu thơ thức giấc/ thanh âm ngọt ngào ngân từ đá” (Thanh âm).
 
Vì thế, sự gặp gỡ giữa cái tôi bản thể với thơ ở thi tập này rõ nét hơn so với các thi tập trước. Có khi anh hạ mình xuống để nâng thơ lên (Ghen 3). Có khi anh và thơ đều là hai kẻ bất lực trước tang thương trắng trời (Thức). Có khi anh tựa vào thơ và cả hai trở thành kẻ cùng hội cùng thuyền (An toàn). Có khi thơ cứu vớt anh trước những cám dỗ (Ra đi).
Bìa tập thơ Lửa của Đỗ Thành Đồng.
Bìa tập thơ Lửa của Đỗ Thành Đồng.

Ở các tập trước, nỗi cô đơn được anh đẩy vào tận cùng của nỗi đơn độc, với một Đỗ Thành Đồng cùng túi ba gang đầy thơ và máu, thì đến “Lửa”, vẫn là âm vang đơn độc nhưng đã hàm chứa tín hiệu riêng khác: “tôi một mình chiết xuất tiếng ve”. Gần đây nhất, trong “Đá”, anh từng nhấn mạnh: “anh vẫn vắt vê con chữ/ trong veo giọt đau” (Vắt).

Bây giờ anh không vắt vê nữa mà biết làm mới nỗi đau, tạo sự bất ngờ cho nỗi đau để nỗi đau luôn trong tâm thế “tràn bờ”: “cả niềm đau dị bản với mình”. Nguồn suối nỗi đau, nỗi cô đơn nếu không tái tạo sẽ nhanh chóng cạn kiệt và cằn cỗi. Là của trời cho nhưng không có nghĩa là mãi mãi. Nỗi cô đơn trở thành một phần máu thịt thơ anh, làm nên cái thế độc-đạo-chữ của các thi tập: “Rỗng”, “Xác”, “Đá”, “Lửa”. Và cũng làm nên thế đứng riêng khác-đường vân của anh, sẵn sàng trở thành kẻ hành khất chính tâm hồn mình, mặc kệ dâu bể cuộc người (Vân anh).

Nỗi đau thực ra là sự thất bại trong tồn tại của bản thân, nhưng nỗi đau cho thi sĩ những cảm nghiệm mới phản kháng lại nỗi đau, hủy diệt nỗi đau và tái sinh. Hiểu được điều này nên Đỗ Thành Đồng thường đưa mình vào trò chơi cô đơn, “xếp hình cô đơn”. Ý thức dị bản nỗi đau do thế nảy nở những khám phá khác, bồi đắp năng lượng cho chính anh và cả người tiếp nhận. Hành động “anh gắp nỗi đau bằng câu thơ lệch” được kích hoạt từ lối đảo nghịch, biểu thị phản ứng Khác: “anh ngửa bàn tay sạch sẽ/như người nông dân trắng tay/ thế giới trở thành/ nhỏ bé” (Bàn tay).
 
Ở đây, anh đã phá vỡ tính khuôn mẫu quen thuộc, hoán chuyển vị trí để đề cao giá trị miền đích của tâm hồn. Trở lại với miền đích của tâm hồn, tiếng nói của anh không khép kín bản thể, không tách lập với thế giới bên ngoài mà có sự tương tác trên cơ sở giao hòa, nghĩa là lưu đày cái tôi bản thể trong vĩnh cửu cái đẹp của tự nhiên, trong sự thuần khiết của tâm hồn. Anh khoét “Từng con chữ đứt ra rồi lại nối nhau/ vết thương mòn sợi xích” (Khoét) không phải tự hủy diệt, thâu hẹp, co cụm một mình một cõi mà để tích tụ năng lượng, tìm kiếm cách thức phản ứng với bóng tối, đêm đen, với những cái xấu xa, thấp hèn và thông qua bài học của tự nhiên kiếm tìm con đường “bước vào tinh khôi”.
 
Kiểu phân thân, tách rời bản thể mà soi ngắm của anh dù không phải là lạ trong thơ anh, cũng không phải là mới trong thi ca đương đại nhưng ý thức giằng xé ấy là tiền đề để anh hài hòa cái tôi bên trong và bên ngoài, hài hòa với thơ và tìm đến sự hài hòa với muôn loài (Mặt đêm). Thiên nhiên lúc này cũng trở thành đối tượng ngắm nhìn của anh.
 
Anh kiểm nghiệm bản ngã của mình qua thiên nhiên. Việc ước ao mình là hoa, là cỏ, là cây từng bộc lộ ở các thi tập trước nhưng đặt trong cái nhìn sánh đôi thì phải đến “Lửa” mới mãnh liệt, mới tận cùng. Mắt xích hoang dã trong “Lửa” là tiếng chim trải dài trên nệm cỏ, là nụ cười rau má, là nắng chảy gót quê nhà, là giọt sương lành bơ vơ, là hân hoan bảy sắc cầu vồng,… Anh luôn chọn lựa vị trí khách thể, lắng nghe tiếng nói của thiên nhiên.
 
Trước thiên nhiên, cái tôi bản thể của anh trở nên thơ hóa, thèm được làm đứa trẻ “bước vào tinh khôi”. Khát vọng thèm được làm đứa trẻ ở “Lửa” là quá trình “lại giống”, biếc xanh cõi lòng của anh. Chiều hướng ngược về nguồn này của anh một mặt cho thấy sự đoạn tuyệt quyết liệt với “thế giới không người”, một mặt muốn gìn giữ thiên tính tốt đẹp, vô tư ban đầu. Động hướng thơ của anh bởi vậy gợi thức nhiều ngẫm suy, chiêm nghiệm và bài học cho người đọc.
 
Do đó, hiện thực thiên nhiên mà anh khám phá trong thơ chung quy lại chỉ để xác tín hiện thực cao đẹp của tâm hồn, một hiện thực tinh thần hằng cửu. Ánh sáng mà chúng ta thu nhận từ trái tim khổ đau của anh là ánh sáng nguyên trinh, là ánh sáng sống động của cảm xúc, của tình yêu con người, thi ca và muôn loài. Ánh sáng này là chất Lửa ẩn mật thơ anh.
 
Khả thể tự do trong thơ Đỗ Thành Đồng là khả thể tự phát Lửa lòng, Lửa bản ngã. Sự tự do đến từ “tim anh rễ cọc”, đến từ “những câu thơ đoan chính” nên trong tập vẫn có một số từ ngữ bị anh tước bỏ tính thẩm mỹ của thơ, quá mênh mông với hiện sinh, quá thật thà với rung động. Cũng có thể là anh gài điểm dừng, điểm "khác", vết nứt địa chấn cho “Lửa”. Nhưng ấn tượng với “Lửa” không nằm ở dụng ý này mà nằm ở sức lan tỏa của hành động “nhặt thơ bỏ vào túi áo/khổ đau mà/cười” (Có thể). Hiện tượng song trùng tiếng nói, phân mảnh cái tôi bản ngã của anh không còn là của riêng anh mà đã chuyển hóa từ anh sang tôi. Phát nghĩa/sáng của “Lửa” vì vậy trụ được, khẳng định giá trị trong dòng chảy thơ đương đại.
Đỗ Thành Đồng quê ở TX. Ba Đồn, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đã in các tập thơ như “Cỏ vô danh”, “Rác”, “Rỗng”, “Xác”, “Đá” và gần đây là “Lửa”. Thơ anh luôn đổi mới, cách tân, khẳng định được miền sâu lắng của tâm hồn, luôn ngả về phía thánh thiện, về ánh sáng tinh khôi.

Hoàng Thụy Anh

[1]. Đỗ Thành Đồng, Lửa, Nxb Hội Nhà văn, 2021.
[2]. Tên những tập thơ của Đỗ Thành Đồng.
 
 
 
 

tin liên quan

Chương trình nghệ thuật tri ân các thầy thuốc và nhân viên y tế

Thủ tướng khẳng định mỗi người dân Việt Nam đều muốn nói lời tri ân, lời cảm ơn, lời chia sẻ, lời thấu hiểu, sự đồng lòng đến các thầy thuốc và nhân viên y tế với sứ mệnh tự hào, cao cả.

Nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian

(QBĐT) - Huyện Quảng Trạch là địa phương vẫn giữ được những làn điệu dân ca truyền thống, như: Hát ca trù ở Quảng Phương, hát nhà trò, hát kiều ở Quảng Kim, hát ru, chèo cạn ở xã Cảnh Dương... Những năm qua, cùng với việc quan tâm hỗ trợ các câu lạc bộ (CLB) dân ca trên địa bàn duy trì hoạt động, huyện khuyến khích truyền dạy các loại hình văn nghệ dân gian cho thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian của quê hương…

Tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 đảm bảo hiệu quả

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định trên, ngày 24/12/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Kế hoạch số 5270/KH-BTTTT hướng dẫn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên toàn quốc.