Gặp gỡ người sâu nặng với hò khoan Lệ Thủy

  • 07:46 | Thứ Sáu, 04/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Lệ Thủy Dương Văn Liên đã nhiều năm gắn bó sâu nặng với hò khoan Lệ Thủy, từ thuở ông còn là một cán bộ trẻ của Phòng Văn hóa-Thông tin huyện say mê nghiên cứu, sưu tầm từng điệu hò khoan đã bị mai một, rồi vất vả tìm gặp các cụ cao niên “vốn quý” của hò khoan.... Năm 2022 đánh dấu 5 năm hò khoan Lệ Thủy được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Phóng viên (PV) Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi cởi mở với ông Dương Văn Liên về hò khoan Lệ Thủy và những nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị.
Ông Dương Văn Liên-người sâu nặng với hò khoan Lệ Thủy.
Ông Dương Văn Liên-người sâu nặng với hò khoan Lệ Thủy.
PV: Ông vốn được biết là người gắn bó với hò khoan Lệ Thủy từ nhiều năm nay, cần mẩn sưu tầm từng băng cassette, rồi lập cả một trang web về hò khoan và sau nay tích cực tham gia vào quá trình bảo tồn, phát huy di sản. Trong quá trình “theo đuổi” hò khoan Lệ Thủy, ông gặp những thuận lợi và khó khăn gì?
 
- Ông Dương Văn Liên: Điểm thuận lợi lớn nhất chính là vốn bản thân hò khoan Lệ Thủy có sức sống nội tại rất mãnh liệt, gắn liền với đời sống tinh thần của người dân Lệ Thủy. Hò khoan đã được người dân tự bảo tồn trong sinh hoạt, đời sống văn hóa lao động sản xuất của nhân dân.
 
Hò khoan được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đưa vào Nghị quyết về đẩy mạnh công tác bảo tồn hò khoan Lệ Thủy, dần đưa vào trường học, nỗ lực để hò khoan trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017.
 
Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều khó khăn, thách thức. Hò khoan Lệ Thủy có rất nhiều mái (tức làn điệu); có rất nhiều lối hò (tức chủ đề) và đặc biệt môi trường diễn xướng rất rộng, có thể nói là trong mọi sinh hoạt văn hóa, lao động sản xuất, diễn ra bất cứ không gian, thời gian nào, phản ánh toàn bộ hiện thực xã hội qua nhiều thời kỳ.
 
Nhưng hò khoan Lệ Thủy lại không có văn bản ghi chép mà chỉ truyền khẩu, từ thế hệ này sang thế hệ khác, dẫn đến khó khăn trong việc sưu tầm lưu giữ văn bản và quảng bá rộng trên toàn quốc.
 
Một số mái (làn điệu) bị thất truyền như mái “hò lơi, hò khơi, hò nậu xăm”. Sau này, tôi đã nỗ lực khôi phục. Bản thân tôi cũng tự tìm tòi, sưu tầm, tổng hợp bài bản thành quy tắc chung các mái hò, tập hợp nghệ nhân, vừa khôi phục vừa làm băng đĩa để quảng cáo, lập trang web để quảng bá nên rất vất vả, mất nhiều thời gian, công sức.
 
PV: Kỷ niệm nào trong quá trình gìn giữ hò khoan khiến ông nhớ mãi?
 
- Ông Dương Văn Liên: Kỷ niệm thì nhiều lắm, không thể kể hết. Tôi nhớ mãi cụ Trương Xăng ở làng Quảng Cư có giọng hò rất đẹp, tôi đã dành thời gian ghi âm giọng hò của cụ và thật buồn khi chỉ hơn 1 tháng sau cụ lâm bệnh qua đời và để lại bản ghi duy nhất rất hay, rất quý giá.
 
Từ năm 2008-2011, tôi ra vùng biển của Lệ Thủy để tìm lại mái hò khơi và nậu xăm, nhưng không có nghệ nhân nào hò được. Tôi phải vận động, tìm những người lớn tuổi nhất trong làng để ghi lại lời và học lại. Rất vui, sau đó, hai mái hò đó đã bảo tồn và truyền lại cho các em học sinh diễn trong nhiều hội thi, hội diễn.
 
Một kỷ niệm khác, khi tôi cùng các nghệ nhân tham gia quảng bá hò khoan Lệ Thủy tại các tỉnh, thành, đặc biệt tại Thủ đô Hà Nội, gặp nhạc sỹ Thao Giang- một trong những người nổi tiếng về âm nhạc dân tộc. Ông đã nghe say sưa hết chương trình và ôm chầm lấy tôi nói: “Tôi đã nghe rất nhiều nhưng hò khoan Lệ Thủy thật đặc sắc, bài bản và rất bác học, hay quá! Hay quá!”...
 
PV: Sau khi hò khoan Lệ Thủy được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, tỉnh Quảng Bình và huyện Lệ Thủy đã có nhiều nỗ lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Theo ông, trong công tác bảo tồn hò khoan Lệ Thủy, còn có những hạn chế gì cần khắc phục?
 
- Ông Dương Văn Liên: Theo cá nhân tôi, công tác bảo tồn hò khoan Lệ Thủy vẫn còn những hạn chế nhất định. Việc cụ thể hóa các văn bản dưới Luật Di sản văn hóa năm 2001 vẫn chưa thực sự hiệu quả từ Trung ương đến địa phương, nhất là đối với các di sản văn hóa phi vật thể.
 
Từ đó, chưa có một cơ chế rõ ràng từ tỉnh đến huyện, chưa có một đề án bảo tồn hò khoan Lệ Thủy, phân cấp tỉnh làm việc gì, huyện làm việc gì. Ai là người thực hiện công tác bảo tồn? Con người? Kinh phí? Trên thực tế, công tác bảo tồn hò khoan mới chủ yếu dựa vào các nghệ nhân, các CLB.
 
Bên cạnh đó, chưa có quy định về chế độ đãi ngộ với nghệ nhân và các hoạt động tác nghiệp liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể để điều chỉnh quan hệ các bên liên quan tốt hơn nhằm nâng cao hiệu quả việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
 
Không chỉ đam mê với hò khoan Lệ Thủy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Lệ Thủy Dương Văn Liên (SN 1964, xã Mai Thủy, Lệ Thủy) còn là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, ngoài ra, ông còn là họa sỹ, làm thơ, viết nhạc. Đặc biệt, ông sáng tác nhiều ca khúc mang âm hưởng dân ca Bình Trị Thiên, phát triển các làn điệu hò khoan Lệ Thủy.

PV: Thực tế cho thấy hò khoan Lệ Thủy vẫn còn chưa được phổ biến rộng rãi, là một người làm công tác văn hóa lâu năm, theo ông, cần những giải pháp gì để hò khoan thêm sức lan tỏa, nhất là đối với người trẻ?

- Ông Dương Văn Liên: Theo tôi, trước hết, cần thông qua chính các kênh thông tin quảng bá của địa phương. Rất cần tăng thời lượng phát sóng về hò khoan Lệ Thủy cũng như dân ca các vùng miền trong tỉnh như hò thuốc Minh Hóa, hát ru Cảnh Dương, ca trù… trên sóng phát thanh, truyền hình tỉnh.

Bên cạnh đó, cần duy trì các CLB hò khoan trường học, tổ chức hội thi và nhiều hình thức tìm hiểu về hò khoan Lệ Thủy cho đoàn viên, thanh niên không chỉ trong toàn huyện mà toàn tỉnh Quảng Bình…

PV: Một trung tâm chuyên biểu diễn, hay một bảo tàng hoặc phòng trưng bày về hò khoan Lệ Thủy, ắt hẳn là điều ông đã nghĩ tới?

- Ông Dương Văn Liên: Đó là mơ ước của tôi cũng như các nghệ nhân và nhân dân Lệ Thủy. Tôi không dám mơ ước có một trung tâm bảo tồn như “Trung tâm bảo tồn dân ca xứ Nghệ” với trang web riêng, trong đó có nghiên cứu, thực hành biểu diễn, sân khấu, nhưng chí ít ở tỉnh cũng có một cơ chế để giao nhiệm vụ cho những đơn vị chuyên môn làm công tác bảo tồn ví dụ: Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh, Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh, huyện… Ở huyện, cũng ít nhất có một điểm như đình để hát hò khoan chẳng hạn…

PV: Liên kết các nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy có phải là điều khó khăn, thưa ông, bởi trên thực tế các CLB hò khoan Lệ Thủy dường như còn hoạt động rời rạc, mạnh ai nấy chạy?

- Ông Dương Văn Liên: Thực tế như tôi đã nói ở trên do chưa có một cơ chế cụ thể trong công tác bảo tồn, con người, kinh phí. Việc bảo tồn còn chủ yếu nhờ vào các nghệ nhân và kinh phí cũng tự các CLB thu chi. Tất yếu các CLB tự tổ chức hoạt động, thiếu tính kết nối.

PV: Hò khoan Lệ Thủy vẫn chưa có sự gắn kết với du lịch địa phương, dưới góc nhìn văn hóa, theo ông đâu là nguyên nhân?

- Ông Dương Văn Liên: Hò khoan Lệ Thủy là một sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch tuyệt vời nhưng chưa có sự gắn kết theo tôi những nguyên nhân, trước hết, du lịch vẫn thực sự chưa “đặt chân” đến Lệ Thủy.

Huyện đang nỗ lực để du lịch trở thành một mũi nhọn kinh tế. Bản thân nội tại của hò khoan Lệ Thủy chưa sẵn sàng để định hình thành sản phẩm dịch vụ du lịch, như: chuẩn bị về công tác tổ chức, trang phục, đạo cụ, cơ sở vật chất, con người địa điểm, tính kết nối, chất lượng dịch vụ… Đặc biệt, công tác quảng bá tuyên truyền, kết nối chưa thực sự được quan tâm.

PV: Dường như vẫn đang thiếu một trang web riêng, chuyên nghiệp về hò khoan Lệ Thủy, thưa ông?

- Ông Dương Văn Liên: Theo tôi, việc xây dựng một trang web chính thống của tỉnh Quảng Bình hoặc huyện Lệ Thủy để quảng bá hò khoan là chính đáng, Trang web của Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện, trang web cá nhân của tôi chỉ là thực hiện nguyện vọng và say mê yêu thích hò khoan của cá nhân, đơn vị. Còn muốn quảng bá chính thống thì phải có trang web được giao cho một đơn vị chuyên môn quản lý, chịu trách nhiệm.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi thú vị này, chúc ông tiếp tục “theo đuổi” hò khoan Lệ Thủy trong quá trình bảo tồn và phát huy di sản.

Mai Nhân (thực hiện)

 

tin liên quan

Chương trình nghệ thuật tri ân các thầy thuốc và nhân viên y tế

Thủ tướng khẳng định mỗi người dân Việt Nam đều muốn nói lời tri ân, lời cảm ơn, lời chia sẻ, lời thấu hiểu, sự đồng lòng đến các thầy thuốc và nhân viên y tế với sứ mệnh tự hào, cao cả.

Nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian

(QBĐT) - Huyện Quảng Trạch là địa phương vẫn giữ được những làn điệu dân ca truyền thống, như: Hát ca trù ở Quảng Phương, hát nhà trò, hát kiều ở Quảng Kim, hát ru, chèo cạn ở xã Cảnh Dương... Những năm qua, cùng với việc quan tâm hỗ trợ các câu lạc bộ (CLB) dân ca trên địa bàn duy trì hoạt động, huyện khuyến khích truyền dạy các loại hình văn nghệ dân gian cho thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian của quê hương…

Tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 đảm bảo hiệu quả

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định trên, ngày 24/12/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Kế hoạch số 5270/KH-BTTTT hướng dẫn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên toàn quốc.