"Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến"
(QBĐT) - Đó là chuyên đề phiên họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) vào chiều 5/6/2023. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS chủ trì phiên họp.
Tại điểm cầu Quảng Bình, đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh; lãnh đạo Sở TT-TT, các thành viên Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh, huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị liên quan cùng tham dự phiên họp.
![]() |
Thực hiện Chương trình CĐS quốc gia, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025; trong đó, triển khai “Đánh giá các Cổng dịch vụ công (DVC), hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương để nâng cao chất lượng, hiệu quả DVC” là một trong các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
Theo đó, Cục CĐS quốc gia xây dựng “Bộ tiêu chí đánh giá Cổng DVC năm 2023”, nhằm thực hiện đánh giá các Cổng DVC của các bộ, ngành, địa phương dưới góc độ người sử dụng, để đánh giá chất lượng cung cấp DVC trực tuyến từ góc độ trải nghiệm của người sử dụng đối với Cổng DVC của 20 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
![]() |
Cổng DVC là một thành phần của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh; Cổng DVC được đánh giá về trải nghiệm của người dân, doanh nghiệp sử dụng các chức năng của Cổng DVC bao gồm 21 nhóm tiêu chí (34 tiêu chí thành phần).
Đến nay, tỷ lệ bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch hành động cụ thể để triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp DVC trực tuyến chưa cao, chỉ đạt 43,37%.
Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường rà soát, cập nhật, bổ sung, ban hành kế hoạch hành động năm 2023 để nâng cao chất lượng cung cấp DVC trực tuyến, trong đó thời hạn hoàn thành là trong tháng 6/2023.
![]() |
Tại phiên họp, sau khi nghe lãnh đạo Trung tâm Công nghệ số quốc gia, Cục CĐS quốc gia giới thiệu về dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá, phương pháp đánh giá, kết quả đánh giá thử nghiệm và đề xuất lộ trình, nhiệm vụ, giải pháp cho các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp…, đại biểu các điểm cầu đã tham gia nhiều ý kiến, thảo luận, chia sẻ cách làm tập trung vào một số nội dung.
Cụ thể, như: “Đưa 100% DVC trực tuyến toàn trình và người dân chỉ cung cấp thông tin một lần khi giải quyết thủ tục hành chính”; “Chính sách miễn giảm phí, lệ phí; rút ngắn thời gian xử lý và một số ngày không nhận hồ sơ giấy”; “Khuyến nghị phối hợp hành động nâng cao chất lượng cung cấp DVC trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia và Cổng DVC của bộ, ngành, địa phương”; “Mang dịch vụ công trực tuyến đến gần người dân hơn thông qua ứng dụng di động và mạng xã hội Việt Nam”; “Khuyến nghị hành động nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến và triển khai Đề án 06”…
![]() |
Kết luận phiên họp, đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Sau hơn 20 năm thực hiện DVC trực tuyến, bây giờ buộc phải thay đổi căn bản cách mà chúng ta cung cấp DVC trực tuyến. Trước tiên là thay đổi nhận thức về cách tiếp cận và cách làm từ đó tạo sự thay đổi căn bản DVC trực tuyến của Việt Nam. Trong đó, hai cái căn bản nhất, đó là trực tuyến toàn trình và chất lượng DVC trực tuyến.
Cụ thể, đối với trực tuyến toàn trình là người dân tự làm tại nhà không cần đến cơ quan nhà nước; còn chất lượng DVC trực tuyến là sự đơn giản, thuận tiện, hướng tới mục tiêu cuối cùng là đại đa số người dân sử dụng DVC trực tuyến. Cách làm trước đây là ứng dụng công nghệ thông tin, còn cách tiếp cận mới là CĐS và Chính phủ điện tử hiện nay, với một nền tảng số dùng chung.
Với mục tiêu đến năm 2025 sẽ có trên 90% hồ sơ DVC được xử lý trực tuyến, hiện tại mới chỉ đạt 50%. Vì vậy, đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện, trong đó tập trung vào 25 DVC thiết yếu, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.
Nội Hà