icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh: Tham gia thảo luận 3 dự án luật

  • 19:08 | Thứ Hai, 05/06/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, ngày 5/6, Đoàn ĐBQH tỉnh do đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh dẫn đầu đã nghe các báo cáo, tờ trình và thảo luận về 3 dự án luật.

Toàn cảnh phiên thảo luận tổ chiều 5/6/2023
Toàn cảnh phiên thảo luận tổ chiều 5/6.

Theo đó, buổi sáng, tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Nguyễn Thị Tuyết Nga đã thảo luận sâu sắc, cụ thể về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm bảo đảm khi Luật được thông qua sẽ tháo gỡ được những vướng mắc, tồn tại sau 8 năm thi hành; thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nhà ở, bảo đảm quyền và lợi ích cho nhân dân về nhà ở.

Buổi chiều, ĐBQH tiếp tục phiên thảo luận về Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) (sửa đổi). Điều hành phiên thảo luận, đồng chí Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, đây là những luật quan trọng và tác động đến nhiều ngành nghề kinh tế khác, các ý kiến cần nghiên cứu kỹ, tập trung làm rõ những nội dung trọng tâm để hoàn thiện các dự án luật.

Các đại biểu đã làm rõ về phạm vi điều chỉnh của tài nguyên nước; ảnh hưởng của “an ninh nguồn nước”; về tên gọi; độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng về quyền sử dụng nước; tầm nhìn xa của Dự án Luật; hướng dẫn thi hành của Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)…

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường thảo luận về Dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường thảo luận về Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Về nội dung Dự án Luật TCTD (sửa đổi), đại biểu góp ý về những nội dung liên quan đến việc huy động nguồn lực; trong đó có khái niệm “can thiệp sớm” vào các TCTD tiềm ẩn nguy cơ rủi ro nhằm giảm tải áp lực, bảo đảm thanh khoản, an toàn. Đại biểu cũng đề nghị cụ thể hóa một số nội dung tại Điều 191 nhằm bảo đảm phù hợp, dễ áp dụng. Đồng thời làm rõ các nguồn lực cho vay, cân nhắc các khoản vay đặc biệt; trách nhiệm của TCTD, các cơ quan nhà nước khi xảy ra tình trạng TCTD yếu kém, ngân hàng Nhà nước phải can thiệp; báo cáo đánh giá tác động cần phân tích rõ nội dung này.

Thảo luận về Dự án Luật các TCTD (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình nêu rõ: Đây là dự án luật quan trọng, tuy nhiên nội dung dự thảo gửi quá gần với thời gian diễn ra kỳ họp, vì thế  xem xét thông qua theo quy trình 3 kỳ họp như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Ý kiến cũng đề nghị làm rõ hơn những khái niệm về TCTD, công ty tài chính.

Về vấn đề tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, theo đại biểu, khoản 4 Điều 2 dự thảo Luật quy định thêm đối tượng “Tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của TCTD”, trong đó bao gồm hoạt động của Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), báo cáo giải trình của Ngân hàng Nhà nước cũng đề cập việc dự thảo Luật bổ sung thêm đối tượng là công ty trách nhiệm hữu hạn mua bán nợ Việt Nam (DATC). VAMC và DATC là hai tổ chức được thành lập để xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, các đối tượng này chưa được quy định chi tiết tại dự thảo Luật. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, bổ sung quy định cụ thể về phạm vi, hoạt động của VAMC.

Mặt khác, theo kinh nghiệm của các nước, ngoài vốn của Chính phủ (khoảng 30 - 40%) thì để giải quyết vấn đề nợ xấu, có thể huy động thêm nguồn vốn từ bên ngoài trong trường hợp họ có nhu cầu tham gia. Mức độ để tư nhân tham gia như thế nào phụ thuộc vào quy chế hoạt động cũng như khả năng khối tư nhân hay các tổ chức nước ngoài đánh giá quy trình giải quyết nợ xấu có mang lại cho họ những lợi ích gì. Nếu việc mua bán của công ty đó thể hiện sự minh bạch, theo cơ chế thị trường thì sẽ thu hút khu vực tư nhân tham gia. Điều này cũng làm tăng tính hiệu quả của việc xử lý nợ xấu trong giai đoạn bối cảnh kinh tế khó khăn, tình hình nợ xấu có xu hướng tăng hiện nay. Chính vì thế, đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo làm rõ ngoài VAMC thì có hoạt động của các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản khác hay không để có quy định về việc cấp phép, hoạt động và quản lý giám sát, bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý trong quá trình tổ chức, thực hiện, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của Dự án Luật.

Tại khoản 2, Điều 9 về nghiêm cấm các hành động làm ảnh hưởng đến an toàn quốc gia, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề nghị bổ sung các hoạt động môi giới, lôi kéo khách hàng mua bảo hiểm, nhờ cá nhân, tổ chức đứng tên để tăng tỉ lệ nắm giữ cổ phần…; đồng thời đề cập đến tập đoàn tài chính, chứng khoán, bảo hiểm… bởi những bộ phận này đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tín dụng.  

Về ngân hàng chính sách, ý kiến đại biểu cho rằng Dự án Luật dù có đề cập nhưng chỉ đề cập 1 điều, còn lại do Chính phủ quy định. Theo đại biểu, đây là hệ thống ngân hàng đã hoạt động ổn định nên đề nghị đưa vào nội dung của Luật nhằm tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ngọc Mai

 

tin liên quan

Bàn giao mặt bằng dự án đường cao tốc Bắc-Nam đúng tiến độ

(QBĐT) - Sáng 31/5, đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã đi kiểm tra tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam, đoạn đi qua địa bàn huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. 

Cần thành lập các tổ công tác liên ngành để "gỡ khó" cho các địa phương

(QBĐT) - Sáng nay, 31/5, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia thảo luận tại hội trường.

Sôi nổi nhiều hoạt động "Tuổi trẻ với biển, đảo quê hương"

(QBĐT) - Đêm 30/5, tại Quảng trường Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), Ban Thanh niên Quân đội (Cục Chính trị Quân khu 4), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Tỉnh đoàn và UBND TP. Đồng Hới phối hợp tổ chức chương trình "Tuổi trẻ với biển, đảo quê hương", và phát động "Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè" năm 2023.