Các đại biểu Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
(QBĐT) - Hôm nay, 30/5, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã nghe các báo cáo và thảo luận tại tổ về các dự thảo nghị quyết.
Theo đó, phiên họp buổi chiều, dưới sự điều hành của đồng chí Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, Tổ ĐBQH 19 đã thảo luận về Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
Phát biểu đặt vấn đề tại phiên thảo luận, đồng chí Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, đây là 2 nội dung đặc biệt quan trọng, nhất là đối với TP. Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế của cả nước, hiện nay đang có dấu hiệu chững lại do những khó khăn của bối cảnh chung. Đồng chí đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về cơ chế để TP. Hồ Chí Minh phát triển tương xứng với vai trò, tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Đối với Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), hiện đang thực hiện rà soát để khắc phục những hạn chế, bảo đảm phù hợp với thực tiễn. Từ thực tiễn địa phương, đơn vị mình, các đại biểu thảo luận nhằm hoàn thiện dự thảo.
Tổ ĐBQH 19 đã có nhiều ý kiến phân tích cụ thể, sát đúng với yêu cầu thực tiễn, góp phần bổ sung, hoàn thiện 2 dự thảo nghị quyết. Trong đó, các ĐBQH tỉnh Quảng Bình gồm Nguyễn Tiến Nam, Nguyễn Thị Tuyết Nga, Trần Quang Minh đã tham gia nhiều nội dung.
Đó là phạm vi, quy mô chính sách chưa có sự đột phá, trong khi TP. Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế, có ý nghĩa quan trọng đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của đất nước. Đại biểu đề nghị có thời gian thí điểm để đánh giá sâu sát về những đột phá của chính sách, đồng thời xem xét để thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Ý kiến cũng đề nghị cần đưa ra cơ chế đặc thù về lĩnh vực văn hóa nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển; quan tâm hơn nữa đến việc “giải bài toán” trường học vùng nội đô; cần quy trách nhiệm đối với những tổ chức, cá nhân chưa có sự vào cuộc quyết liệt dẫn đến sụt giảm kinh tế; có quyết tâm chính trị cao, tránh việc xây dựng cơ chế đặc thù rồi bỏ đó hoặc mang tính hình thức…
Về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), ý kiến đại biểu băn khoăn về việc có lấy phiếu nhận xét nơi cư trú hay không? Và phiếu cần có các tiêu chí cụ thể chứ không lấy tín nhiệm theo cảm tính của cử tri…
Kết luận phiên thảo luận, đồng chí Vũ Đại Thắng tóm tắt các ý kiến, đồng thời bổ sung một số nội dung về quy định của nghị quyết đặc thù; thống nhất về các quan điểm, thuật ngữ cùng các quy định liên quan đến các dự án trong quá trình xem xét thông qua và triển khai thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh…
Ngày mai, 31/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách và các nội dung liên quan.
Ngọc Mai