icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm thảo luận về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)

  • 16:54 | Thứ Hai, 05/06/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Hôm nay, 5/6, Quốc hội tiếp tục nghe các báo cáo, tờ trình và thảo luận tại tổ về các dự án luật. Đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã thảo luận về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

 Đại biểu Nguyễn Minh Tâm thảo luận tại tổ
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm thảo luận tại tổ.

Ý kiến của đại biểu đã khái quát về những nội dung của Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi); đồng thời nhấn mạnh Dự án Luật đã cơ bản thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở, nhất là nhà ở xã hội; các chủ trương, chính sách về thị trường bất động sản, về đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới, chính sách xã hội về nhà ở, về phát triển và mở rộng các loại hình nhà ở cho các nhóm đối tượng tương ứng, về nâng cao hiệu lực, hiệu quả sử dụng đất…

Bên cạnh kế thừa các quy định hiện hành còn phù hợp, luật hóa một số nội dung của nghị định, Dự án Luật cũng đã cơ bản khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn 8 năm thi hành Luật Nhà ở năm 2014, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa pháp luật về nhà ở với các luật có liên quan; thể hiện rõ sự phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính bảo đảm phù hợp và thống nhất.

Góp ý về nội dung sở hữu nhà ở, sau khi trích dẫn nội dung Khoản 1, Điều 32 Hiến pháp năm 2013; Điều 8 đến Điều 17, Chương II dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và phân tích bố cục Chương II, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị: Để thống nhất giữa nội dung và tiêu đề của Chương II, đề nghị cơ quan soạn thảo sắp xếp bố cục và biên soạn nội dung của Chương II cho phù hợp. Theo đó, nên bố cục thành từng mục, quy định mỗi loại nhà ở và quyền sở hữu của các chủ sở hữu tương ứng. (Ví dụ: Mục 2 quy định về nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; Mục 3 quy định về sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài; Mục 4 quy định về nhà ở thuộc sở hữu của thành viên hộ gia đình, cá nhân trong nước; Mục 4 quy định về nhà chung cư....)

Đồng thời, ý kiến cũng đề nghị cần phân định rõ giữa quy định về quyền sở hữu nhà ở với quy định về chiến lược phát triển và quy trình hình thành đối với mỗi loại nhà ở. Ngoài ra, đề nghị bổ sung thêm phần giải thích của khoản 16 Điều 3 về chủ sở hữu cho đầy đủ, bao gồm chủ sở hữu là cơ quan nhà nước (đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu nhà nước), tổ chức, cá nhân; hoặc giải thích rõ “tổ chức” nêu tại khoản 16 Điều 3 có bao gồm cơ quan nhà nước hay không? Bổ sung quy định trên nhằm thống nhất với quy định tại khoản 1 Điều 5 về các hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm nghiêm cấm xâm phạm quyền sở hữu nhà ở của Nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và các điều của Mục 2, Chương II.

Đối với nội dung về hộ gia đình được nêu trong dự thảo Luật tại Khoản 19, Điều 3, đại biểu đề nghị nên cân nhắc để bảo đảm thống nhất giữa Luật Nhà ở và Luật Đất đai (sửa đổi), sau khi 2 luật được Quốc hội thông qua. Về nguyên tắc phát triển nhà ở phục vụ tái định cư, dự thảo Luật cần quy định cụ thể, chi tiết hơn các tiêu chí làm căn cứ xác định nơi ở mới có điều kiện như thế nào mới được coi là bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ (căn cứ tổng giá trị nhà ở, diện tích nhà hay vị trí, địa điểm nhà đang tọa lạc...?). hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết.

Ý kiến đại biểu Nguyễn Minh Tâm cũng phân tích cụ thể về trình tự, thủ tục di dời tại Khoản 4 Điều 61 của dự thảo Luật và nhấn mạnh các nội dung quy định tác động trực tiếp đến các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được Hiến pháp quy định nên việc quy định trong dự thảo Luật là cần thiết. Tuy nhiên, để thuận lợi trong quá trình thực hiện, đại biểu đề nghị nên bổ sung các quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời, biện pháp cưỡng chế cần thiết, phù hợp để khắc phục tình trạng chây ỳ, dây dưa không tự giác di dời khi chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng của những người sống trong chung cư đó.

Về nguyên tắc lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời tại Khoản 2 Điều 70 của dự thảo Luật, ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ hơn để tránh vướng mắc, bất cập khi thực hiện. Theo đại biểu, nên chăng cần xác định trong Luật tỷ lệ biểu quyết lựa chọn phương án bồi thường, tái định cư của các chủ sở hữu căn hộ; đồng thời bổ sung quy định sau một thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ (tương tự như quy định tại điểm c khoản 1 Điều 65 của dự thảo Luật) mà không thống nhất được phương án thì việc bồi thường, tái định cư thực hiện theo phương án do UBND cấp tỉnh quyết định trên cơ sở các nguyên tắc bồi thường, tái định cư đã được Luật Nhà ở quy định. Ngoài ra, cũng cần cân nhắc thêm về tính khả thi của phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời cho chủ sở hữu nhà chung cư bị phá dỡ trong điều kiện nguồn lực nhà nước còn hạn chế, số lượng các nhà chung cư phải cải tạo, xây dựng lại ngày càng nhiều. Vì vậy, dự thảo Luật cũng nên quy định trách nhiệm của các chủ sở hữu nhà chung cư trong việc chia sẻ gánh nặng tài chính với Nhà nước, nhất là đối với các nhà chung cư thuộc sở hữu tư nhân mà đã hết thời hạn sử dụng, có nguy cơ sập đổ thì trách nhiệm chính trong việc này phải là các chủ sở hữu nhà chung cư.

Về điều kiện của các bên tham gia một số giao dịch về nhà ở quy định tại điểm b khoản 1 Điều 159, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc để quy định bảo đảm phù hợp.

Đối với nội dung Tờ trình số 119/TTr-CP Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), phần những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn 8 năm thi hành Luật Nhà ở năm 2014, đại biểu đề nghị bổ sung vai trò và trách nhiệm giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp, của UBMTTQVN, tổ chức thành viên các cấp và của công dân, người lao động (công nhân) về việc quản lý và sử dụng nhà ở, nhất là nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, bố cục nội dung này thành 1 chương riêng. Đồng thời bổ sung nội dung kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo vào Chương XII, chuyển Điều 192 (Thanh tra về nhà ở) từ Chương XI về Chương này; sửa tên của Chương XII thành: THANH TRA, KIỂM TRA, GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP, KHIẾU NẠI, TỐ CÁO XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ NHÀ Ở; bổ sung các nội dung phù hợp với tên của Chương.

Tại điểm 2 phần II của Tờ trình số 119/TTr-CP đã nêu một trong những quan điểm xây dựng Luật Nhà ở, đó là: Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính… Ý kiến đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị bổ sung 1 chương quy định về Thủ tục hành chính về nhà ở, bố cục thành các điều quy định về các thủ tục hành chính về nhà ở; nguyên tắc thực hiện thủ tục hành chính về nhà ở; công khai thủ tục hành chính về nhà ở; thực hiện thủ tục hành chính về nhà ở.

Về quyền của đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu nhà nước (Điều 17), để bảo đảm tính thống nhất trong quy định về quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị bổ sung quy định trong dự thảo Luật trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.  

Ngọc Mai (lược ghi)

 

                                                                  

 

tin liên quan

Sôi nổi nhiều hoạt động "Tuổi trẻ với biển, đảo quê hương"

(QBĐT) - Đêm 30/5, tại Quảng trường Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), Ban Thanh niên Quân đội (Cục Chính trị Quân khu 4), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Tỉnh đoàn và UBND TP. Đồng Hới phối hợp tổ chức chương trình "Tuổi trẻ với biển, đảo quê hương", và phát động "Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè" năm 2023.

Cần thành lập các tổ công tác liên ngành để "gỡ khó" cho các địa phương

(QBĐT) - Sáng nay, 31/5, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia thảo luận tại hội trường.

TP. Đồng Hới: Triển khai mô hình điểm "Dịch vụ công trực tuyến"

(QBĐT) - Thực hiện kế hoạch, chỉ đạo của tỉnh và TP. Đồng Hới, ngày 31/5, phường Đồng Hải tổ chức hội nghị triển khai mô hình điểm "Dịch vụ công trực tuyến" theo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).