icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Nghiên cứu, rà soát để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nhà ở

  • 17:09 | Thứ Hai, 05/06/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Đó là ý kiến thảo luận của đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga tại phiên thảo luận tổ ngày 5/6, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Nhà ở đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nhà ở, trong đó cần quan tâm vấn đề nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp; thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương, bảo đảm rành mạch, rõ trách nhiệm và điều kiện bảo đảm thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga thảo luận về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga thảo luận về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có mối quan hệ mật thiết với nhiều luật có liên quan như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng..., do đó đại biểu đề nghị cần rà soát kỹ để tránh chồng chéo, xung đột về phạm vi, nội dung điều chỉnh.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga có các nội dung góp ý cụ thể gồm: Về việc quản lý, sử dụng nhà ở có giá trị nghệ thuật, văn hoá, lịch sử (Điều 120). Ý kiến nêu rõ, hiện nay, công tác quản lý, sử dụng, khai thác các công trình, nhà ở có giá trị cao về nghệ thuật, văn hoá, lịch sử tại một số tỉnh, thành phố (Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh,…) gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Tình hình giãn dân ở khu phố cổ Hà Nội 25 năm chưa về đích; người dân ở làng cổ Đường Lâm xin trả lại di tích; nhiều biệt thự trong số 1.216 biệt thự cổ ở Hà Nội gặp khó khăn trong việc bảo trì, sửa chữa, cải tạo, bảo tồn, khai thác; nhiều hộ dân ở khu di sản văn hoá Tràng An gặp khó khăn liên quan đến nhà ở; tình trạng nhà cổ bị khai thác kinh doanh quá mức dẫn đến biến dạng ở Hội An… Những khó khăn chung ở các địa phương là người dân không thể cải tạo, xây dựng nhà ở theo mong muốn trong khi lượng nhân khẩu ngày càng tăng lên, việc thực hiện di dời nhân khẩu thiếu hiệu quả, thiếu chính sách ưu đãi giá nhà ở cho người thực hiện giãn dân, thiếu sinh kế lâu dài cho người dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga nêu rõ, vấn đề này đã được nhìn nhận tại Tờ trình số 68/TTr-CP ngày 10/3/2023 của Chính phủ về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Vì vậy, Báo cáo số 42/BC-BXD ngày 10/3/2023 của Bộ Xây dựng về Tổng kết thi hành Luật Nhà ở năm 2014 đã đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở theo hướng “Sửa đổi, bổ sung các quy định về cải tạo, phá dỡ nhà ở, bảo hiểm, bảo tồn, giữ gìn nhà ở biệt thự, nhà ở có giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử”.

Tuy nhiên theo đại biểu, các quy định của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) về cơ bản chỉ kế thừa và bổ sung một số vấn đề của Luật Nhà ở năm 2014. Trong đó: Điều 120 của dự thảo về cơ bản kế thừa Điều 79 của Luật Nhà ở năm 2014, chỉ bổ sung vấn đề phải tuân thủ pháp luật “về kiến trúc”, “pháp luật liên quan” ở khoản 3 và bổ sung khoản 5 “Trường hợp nhà ở thuộc diện phải bảo tồn nhưng phải giãn mật độ dân cư để bảo đảm giá trị kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật của nhà ở thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí quỹ đất, lập dự án di dời, bố trí chỗ ở mới phục vụ giãn dân và hỗ trợ kinh phí để các chủ sở hữu di dời trước khi thực hiện bảo tồn, cải tạo nhà ở này”. Trên thực tế, để giãn dân phố cổ, TP. Hà Nội đã bố trí quỹ đất, lập dự án di dời, bố trí chỗ ở mới nhưng vẫn không thể thực hiện thành công vì không có cơ chế hỗ trợ kinh phí.

Bên cạnh đó, vấn đề này chưa có quy định giao Chính phủ, Bộ chủ quản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành cũng như chưa được làm rõ trong 2 dự thảo nghị định hướng dẫn đi kèm. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thực tiễn, làm rõ các vấn đề hạn chế, bất cập phát sinh trong quá trình quản lý, sử dụng nhà ở có giá trị văn hoá, nghệ thuật, kiến trúc, lịch sử để quy định chi tiết vấn đề này trong dự thảo.

Đối với nội dung đất để xây dựng NƠXH (Điều 80), đại biểu nhất trí với tinh thần của quy định về NƠXH theo hướng dành một phần nguồn tiền thu được từ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất của các dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để đầu tư xây dựng NƠXH hoặc hỗ trợ cho dự án đầu tư, xây dựng NƠXH (công tác đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng) (khoản 3 Điều 80); nhất trí với việc việc áp dụng chính sách này dành cho cả dự án nhà lưu trú công nhân.

Tuy nhiên đại biểu đề nghị cần đánh giá về việc bổ sung nguồn lực thực hiện tại khoản 3 Điều 80 và nhu cầu phát triển NƠXH trong giai đoạn tới, trên cơ sở đó đề xuất tỉ lệ phần trăm tối thiểu của tiền sử dụng đất của các dự án nhà ở thương mại phải dành cho việc phát triển NƠXH, tránh việc các địa phương không bố trí thỏa đáng tiền sử dụng đất thu được cho nội dung này.

Về một số loại hình sản phẩm nhà ở mới phát sinh trên thực tế, ý kiến nêu rõ, hiện nay, thực tiễn phát sinh một số loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh dịch vụ như: căn hộ khách sạn (condotel), biệt thự nghỉ dưỡng (resort), công trình văn phòng làm việc kết hợp lưu trú (officetel), nhà phố thương mại (shophouse). Tuy nhiên, hồ sơ dự thảo luật chưa thực sự làm rõ được mức độ tương thích giữa Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) về các loại hình nhà ở mới; đồng thời dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) mới chỉ nhắc đến loại hình căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú một cách rất hạn chế. Vì vậy, đại biểu đề nghị các cơ quan chủ trì, tham gia hai dự án luật trên cần phối hợp chặt chẽ với nhau để quy định thống nhất về phạm vi điều chỉnh, nội dung điều chỉnh đối với các loại hình nhà ở mới để tránh xung đột, chồng chéo, tháo gỡ các điểm nghẽn về xung đột pháp luật hiện nay, khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Ngọc Mai (lược ghi)

 

tin liên quan

Bàn giao mặt bằng dự án đường cao tốc Bắc-Nam đúng tiến độ

(QBĐT) - Sáng 31/5, đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã đi kiểm tra tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam, đoạn đi qua địa bàn huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. 

Sôi nổi nhiều hoạt động "Tuổi trẻ với biển, đảo quê hương"

(QBĐT) - Đêm 30/5, tại Quảng trường Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), Ban Thanh niên Quân đội (Cục Chính trị Quân khu 4), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Tỉnh đoàn và UBND TP. Đồng Hới phối hợp tổ chức chương trình "Tuổi trẻ với biển, đảo quê hương", và phát động "Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè" năm 2023.

Cần "liều thuốc đặc trị" cho căn bệnh né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần phải có "liều thuốc đặc trị" hiệu quả chữa bệnh đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ hiện nay để ngăn không cho căn bệnh này lan ra trên diện rộng, ảnh hưởng đến sự phát triển của các địa phương và đất nước.