Lơ là với bệnh dại

  • 12:09 | Thứ Tư, 19/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, trên địa bàn huyện Tuyên Hóa xuất hiện một số người tử vong do bệnh dại. Thế nhưng, người dân và chính quyền địa phương vẫn còn lơ là với việc tiêm vắc-xin phòng ngừa bệnh dại.
 
Đầu tháng 8/2022, Trung tâm Y tế huyện Tuyên Hóa nhận được thông tin 1 ca bệnh tử vong nghi ngờ do bệnh dại xảy ra trên địa bàn xã Thanh Thạch. Đó là trường hợp ông N.V.C. (SN 1960).
 
Trước đó 3 tháng, trong lúc bắt giữ chó để tiêm (do chó bị bệnh), ông C. đã bị chó cắn vào cánh tay trái. 3 ngày sau, con chó này bị chết. Sau khi bị chó cắn, sức khỏe ông C. vẫn không có biểu hiện bất thường. Đến đầu tháng 8/2022, ông C. bắt đầu có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sợ ánh sáng, nên gia đình đã đưa ông đến bệnh viện khám. Chỉ 1 ngày sau khi nhập viện, ông C. bị tử vong do bệnh dại.
 
Tương tự, khoảng tháng 2/2022, em C.N.L. (SN 2007) ở xã Thạch Hóa cũng bị chó (do gia đình nuôi) cắn vào chân. Hai ngày sau, con chó nói trên bị chết. Sau khi bị chó cắn, sức khỏe của L. vẫn bình thường. Đến cuối tháng 5/2022, L. bắt đầu có biểu hiện mệt mỏi và nhức đầu. Sau khi được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, một ngày sau, L. tử vong. Nguyên nhân được xác định do bệnh dại. Đáng nói, sau khi L. bị chó cắn 1 ngày, có 4 người hàng xóm của L. cũng bị con chó nói trên cắn. May mắn là những người này đã được hướng dẫn tiêm phòng vắc-xin dại kịp thời, nên không xảy ra sự cố đáng tiếc nào.
Tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho vật nuôi và khi bị chó mèo cắn là biện pháp duy nhất để tự bảo vệ sức khỏe, tính mạng của chính mình.
Tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho vật nuôi và khi bị chó mèo cắn là biện pháp duy nhất để tự bảo vệ sức khỏe, tính mạng của chính mình.
Bác sĩ Cao Sỹ Phượng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tuyên Hóa cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn huyện ghi nhận 2 ca tử vong do bệnh dại. Qua điều tra dịch tễ cho thấy, trước đó, những trường hợp tử vong đều bị đàn chó chưa được tiêm phòng vắc-xin dại cắn. Điều đáng tiếc hơn nữa là qua kiểm tra, những người này đều bị chó nuôi trong gia đình cắn và người bị cắn không được điều trị dự phòng, không khai báo với cơ quan chuyên môn để tiêm vắc-xin phòng bệnh dại.
 
“Để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra, người dân nên tiêm phòng vắc-xin bệnh dại trên đàn chó. Nếu bị chó cắn, cần nhanh chóng khai báo với cơ quan chuyên môn để được tư vấn, hỗ trợ tiêm phòng vắc-xin kịp thời. Tiêm phòng là cách duy nhất để tự bảo vệ sức khỏe và tính mạng của chính mình”, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tuyên Hóa Cao Sỹ Phượng khuyến cáo.
 
Theo thống kê, hiện trên địa bàn huyện Tuyên Hóa có hơn 6.600 con chó, tuy nhiên đến hết tháng 8/2022, chỉ có 29% số con được tiêm vắc-xin phòng bệnh dại.
 
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuyên Hóa Trần Văn Cần cho biết: "Số lượng chó được tiêm phòng vắc-xin nói trên chưa tạo miễn dịch bảo hộ cho đàn chó, mèo đang có. Trong khi tình hình bệnh dại trên đàn chó ngày càng diễn biến phức tạp thì người dân và chính quyền ở hầu hết các địa phương vẫn còn lơ là trong công tác quản lý. Người nuôi chó vẫn giữ thói quen thả rong, không nuôi nhốt, không chấp hành việc đăng ký, quản lý và tiêm vắc-xin phòng, chống bệnh dại cho đàn chó. Chính quyền các địa phương không thực hiện nghiêm Pháp lệnh Thú y, chưa quyết liệt trong tuyên truyền, vận động người dân quản lý và tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó nuôi. Cùng với đó, công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống bệnh dại còn hạn chế, dẫn đến nguy cơ bệnh dại trên động vật phát sinh rất lớn. Có địa phương sau khi phát hiện trường hợp bị tử vong do bệnh dại, mới tổ chức mua vắc-xin tiêm phòng cho đàn chó trên địa bàn xã".
 
Để chủ động kiểm soát, ngăn chặn các ổ dịch bệnh dại trên động vật, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân và cộng đồng, vừa qua, huyện Tuyên Hóa đã yêu cầu các địa phương, đơn vị khẩn trương tổ chức rà soát, thống kê tổng đàn chó, mèo nuôi, số hộ nuôi chó, mèo trên địa bàn và yêu cầu chủ hộ cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo, bảo đảm 80% chó, mèo được quản lý; đồng thời tổ chức tiêm phòng bổ sung vắc-xin dại cho đàn chó, mèo chưa được tiêm phòng trong đợt I/2022.
 
Huyện Tuyên Hóa cũng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền sâu rộng hơn nữa tính chất nguy hiểm, nguy cơ phát sinh, lây lan và các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn, nhằm nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó, mèo đối với cộng đồng và nhận thức của người dân trong phòng, chống bệnh dại.
 
D.C.H
 

tin liên quan

Phòng và chữa bệnh ngoài da khi sống trong môi trường vùng lũ

Môi trường vùng lũ thường ô nhiễm nặng, nguy cơ gây bệnh ngoài da rất cao, dưới đây là tư vấn của bác sĩ da liễu về các bệnh ngoài da với người dân vùng lũ lụt và các biện pháp phòng bệnh.

Chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn sự xâm nhiễm, phát sinh và lây lan bệnh Đầu mùa khỉ ở động vật

(QBĐT) - Ngày 17/10, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1924/UBND-KT về việc chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn sự xâm nhiễm, phát sinh và lây lan bệnh đậu mùa khỉ ở động vật.

Áo trắng trên con đường thiện nguyện

(QBĐT) - Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Xuân Thành, Bệnh viện Quân y 175 TP. Hồ Chí Minh tranh thủ phút nghỉ ngơi giữa hai ca tầm soát bệnh cho đồng bào Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn (Quảng Ninh) giới thiệu với tôi ba đồng nghiệp của anh: "Người Quảng Bình hết đó nghe! Biết mình tổ chức các hoạt động khám, cấp phát thuốc miễn phí trên quê hương, cả ba xung phong cùng về".