Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa mưa bão

  • 07:09 | Thứ Bảy, 08/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mùa mưa bão, lũ lụt đã cận kề với người dân miền Trung nói chung và Quảng Bình nói riêng. Ngành Y tế đã và đang chủ động, triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế các loại dịch bệnh có thể xảy sau mưa lũ, bảo vệ sức khỏe người dân.
 
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa bão và công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai của đơn vị phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng địa phương.
 
Xã Tân Hóa được xem là “rốn lũ” của huyện Minh Hóa, về mùa mưa bão, mực nước dâng cao, đa số các hộ gia đình đều bị ngập trong biển nước, để sống chung với lũ, người dân nơi đây đã sử dụng nhà nổi để sinh hoạt. Nhằm giúp người dân bảo đảm sức khỏe trong những ngày nước lũ dâng cao gây chia cắt, cô lập, cán bộ trạm y tế xã đã đến tận các hộ gia đình hướng dẫn cách dự trữ lương thực, thực phẩm an toàn, cách sơ cứu khi bị thương trong lũ và dự trữ các loại thuốc men cần thiết.
 
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Việt, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện Minh Hóa cho biết: Đơn vị đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong công tác phòng, chống bão lũ; chuẩn bị các cơ số thuốc, vật tư, hóa chất bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch bệnh… Chỉ đạo các trạm y tế tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân bảo đảm an toàn thực phẩm, nước sạch… trước, trong và sau bão lũ; thống kê báo cáo số lượng phụ nữ mang thai đến kỳ sinh nở để có biện pháp di dời an toàn khi mưa lũ xảy ra.
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân cách khử khuẩn nguồn nước sau lũ lụt.
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân cách khử khuẩn nguồn nước sau lũ lụt.
Tại huyện Tuyên Hóa, để sẵn sàng ứng phó với mùa mưa bão năm nay, Trung tâm Y tế huyện Tuyên Hóa cũng đã chuẩn bị đầy đủ các cơ số thuốc cần thiết: Cloramin B, Oresol, Ringer Lactat, dây truyền dịch, cùng các loại thuốc thiết yếu khác để điều trị các loại bệnh thường mắc sau bão lụt, như: Bệnh về tiêu hóa, đau mắt đỏ, da liễu…
 
Bác sĩ Cao Sỹ Phượng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tuyên Hóa cho biết: “Ngoài sự chuẩn bị về thuốc men, cơ sở vật chất, trang thiết bị sẵn sàng ứng phó với mưa lũ, trung tâm đã chỉ đạo các trạm y tế, đặc biệt các địa phương có nguy cơ ngập sâu lên nhiều phương án, di dời trang thiết bị để bảo đảm khi bão lụt xảy ra vẫn có thể khám, điều trị cho người bệnh, tránh vận chuyển bệnh nhân khi chưa thực sự cần thiết. Đồng thời, chỉ đạo các trạm y tế xây dựng kế hoạch tổ chức vệ sinh môi trường, không để dịch bệnh bùng phát sau lũ. Bên cạnh đó, sắp xếp, ổn định công tác khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân trước, trong và sau mưa lũ”.
 
Để công tác điều trị chăm sóc sức khỏe cho người dân trong mưa bão không bị gián đoạn, Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy đã xây dựng phương án theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”, chủ động cấp cứu cũng như bảo vệ bệnh nhân và tài sản tại bệnh viện khi có lụt bão lớn.
 
Bên cạnh đó, các cơ số thuốc thiết yếu được đóng gói theo các danh mục cụ thể, các dụng cụ như áo phao, phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ giúp sơ cứu tai nạn ban đầu được chuẩn bị đầy đủ. Bệnh viện cũng đã chuẩn bị xe cứu thương, ca nô cùng các phương tiện khác để chủ động vận chuyển bệnh nhân kịp thời trong mọi tình huống.
 
Bác sĩ Đinh Viễn Anh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trong công tác phòng, chống dịch bệnh sau lũ lụt, rút kinh nghiệm từ các trận lũ trước, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch, phương án vệ sinh môi trường sau lũ, chủ động phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, đặc biệt chú trọng những địa bàn là vùng “rốn lũ” và sẵn sàng ứng phó kịp thời trước mọi tình huống phức tạp của thời tiết, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản, bảo đảm sức khỏe cho nhân dân.                                                               
Thành Trung-Hoàng Loan
                                                                                       (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

tin liên quan

Khi nào nên test nhanh phát hiện sốt xuất huyết?

Số liệu thống kê từ các địa phương cho thấy, tuần 38/2022 (12 - 18/9), cả nước ghi nhận 11.472 trường hợp mắc sốt xuất huyết, có 3 ca tử vong, giảm 2,3% so với tuần trước đó.

Bộ Công an chỉ đạo tăng cường bảo đảm an ninh trật tự tại bệnh viện

Sau khi nhận được đề nghị của Bộ Y tế, C06 thuộc Bộ Công an có văn bản đề nghị Trưởng phòng PC06 Công an các tỉnh, thành phố chỉ đạo tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại các bệnh viện...

Thái Lan sắp có thuốc xịt mũi ngừa dịch bệnh COVID-19

Thuốc xịt mũi "Vaill CoviTRAP" có khả năng ngăn chặn virus SARS-CoV-2 bám vào bề mặt bên trong của khoang mũi nhờ trong thành phần có chứa chất phủ Hydroxypropyl Methyl Cellulose (HPMC) giúp giảm tải.