Tổng cục Dân số-KHHGĐ triển khai nhiệm vụ năm 2022

  • 14:40 | Thứ Năm, 13/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sáng nay, 13/1, Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác dân số năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 với 63 tỉnh, thành trong cả nước. Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. 
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.
Tại điểm cầu Quảng Bình, bác sỹ Dương Thanh Bình, Giám đốc Sở Y tế chủ trì cùng các thành viên Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ tỉnh và các đơn vị liên quan.
 
Báo cáo của Tổng cục DS-KHHGĐ nêu rõ, năm 2021-năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm 2021-2025 triển khai đồng bộ Chiến lược DS Việt Nam đến năm 2030 với 6 chương trình, 4 đề án, 2 kế hoạch thực hiện Nghị quyết 21/NQ-TW (khóa XII) của Đảng, công tác DS tiếp tục nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Y tế; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, đoàn thể, của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. 
 
Với tinh thần chủ động, quyết liệt, phát huy 60 năm truyền thống, Tổng cục DS-KHHGĐ, Chi cục DS-KHHGĐ, cơ quan dân số cơ sở, cộng tác viên (CTV) DS đã nỗ lực vượt khó, cố gắng thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021 được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là “Duy trì vững chắc mức sinh thay thế trong cả nước, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh. Nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi”.
 
Riêng đối với tỉnh Quảng Bình, trong năm 2021 đã đạt được một số mục tiêu cụ thể: tỷ suất sinh 14,87%o, giảm so với năm 2020 là 0,1%o; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 20,07%, giảm 0,25% so với năm 2020; tốc độ tăng DS  tự nhiên đạt 0,61%; tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh là 111 nam/100 nữ; thực hiện khám sức khỏe cho người cao tuổi gần 8.600 ca; tổng số các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại (BPTTHĐ) là 45.079/45.161 ca, đạt 99,81% kế hoạch. 
 
Tuy nhiên, trong năm 2021, công tác DS cũng còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế nhất định. Các đại biểu tại các điểm cầu tập trung thảo luận nhằm tháo gỡ một số vấn đề còn vướng mắc, như: Hoạt động truyền thông và cung ứng dịch vụ DS bị gián đoạn, mức sinh có dấu hiệu tăng do bị tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19; một số văn bản, hướng dẫn thực hiện công tác DS ban hành chậm, không đồng bộ; kinh phí đầu tư bị cắt giảm sau khi kết thúc Chương trình mục tiêu y tế-DS, nguồn lực chính của công tác DS…
 
Với mục tiêu của năm 2022 là: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chú trọng giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng DS. Tổng cục DS-KHHGĐ đã đề ra chỉ tiêu kế hoạch cơ bản theo Nghị quyết 01/NQ-CP: tuổi thọ trung bình (tính từ lúc sinh): 73,8 tuổi; tỷ số giới tính khi sinh: 111,4 số bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tổng tỷ suất sinh: 2,1 con/phụ nữ.
 
Về chỉ tiêu chuyên môn: giảm tỷ số giới tính khi sinh (-SRB): -0,1 điểm phần trăm so với năm 2021; điều chỉnh mức sinh (+/-CBR): +0,1‰ so với năm 2021; tổng số người mới sử dụng BPTTHĐ trong năm 5.199.440 người; giảm số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn: 15% so năm 2021; tỷ lệ bà mẹ mang thai được tầm soát (sàng lọc trước sinh): 60%; tăng thêm tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm: 10% so với năm 2021.
 
Để đạt được các mục tiêu đề ra, thì công tác truyền thông DS đóng vai trò quan trọng, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các địa phương quan tâm tiếp tục triển khai các hoạt động theo Chương trình Truyền thông DS đến năm 2030 theo Quyết định 537/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 537) và kế hoạch hành động thực hiện chương trình của Bộ Y tế và địa phương, để cung cấp thông tin về DS và phát triển đến cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp; huy động các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, người nổi tiếng tích cực ủng hộ các hành vi có lợi về DS và phát triển; tổ chức các đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ.
 
Đặc biệt, cần mở rộng các hình thức truyền thông hiện đại: cung cấp thông tin, tư vấn qua internet, trang tin điện tử, mạng xã hội, điện thoại di động và các phương tiện truyền tin khác; truyền thông trên các trang tin có nhiều người truy cập, các trang tin mà vị thành niên/thanh niên, nam giới và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, người cao tuổi ưa thích và quan tâm; chú trọng nêu gương những đơn vị, cá nhân, gia đình điển hình; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tư vấn trực tiếp của đội ngũ CTV DS, nhân viên y tế thôn bản…
Nội Hà
 
 
 
 
 

tin liên quan

Ghép da đầu cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông

(QBĐT) - Với kỹ thuật chuyển vạt da có cuống mạch liền các bác sỹ Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới đã ghép thành công da đầu cho nam bệnh nhân N.V.T (30 tuổi) ở thị trấn Hoàn Lão (Bố Trạch) bị khuyết da đầu do tai nạn giao thông.
 

Thêm 91 F0, vẫn còn 32 ca liên quan ổ dịch chợ Cuồi

(QBĐT) - Theo thông tin tổng hợp từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, trong 24 giờ qua (từ 6 giờ ngày 12/01/2022 đến 6 giờ ngày 13/01/2022), Quảng Bình ghi nhận thêm 91 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 51 ca cộng đồng, 32 ca liên quan đến chùm ca bệnh chờ Cuồi (Tiến Hoá, Tuyên Hoá); trong ngày có 34 ca xuất viện.

Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 tại một số địa điểm nguy cơ trên địa bàn tỉnh

(QBĐT) - Để giám sát chủ động dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay, ngành y tế Quảng Bình tiếp tục triển khai xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 tại các chợ, bến xe, ga tàu, cảng cá, nơi tập trung đông người trên địa bàn tỉnh trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán 2022.