Quốc tế
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Quan hệ hợp tác Trung Quốc-ASEAN trong 30 năm phát triển

  • 15:52 | Chủ Nhật, 21/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Phát triển quan hệ đối thoại thành quan hệ đối tác chiến lược, Trung Quốc-ASEAN chuẩn bị nâng tầm quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện - mối quan hệ năng động, thực chất và có ảnh hưởng.
 
Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Đặng Tích Quân. (Ảnh: TTXVN phát)
Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Đặng Tích Quân. (Ảnh: TTXVN phát)
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc, mới đây tờ Jakarta Post đã đăng bài viết của Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Đặng Tích Quân, trong đó nhấn mạnh những bước tiến trong quan hệ song phương trong 3 thập kỷ qua.
 
Theo Đại sứ Đặng Tích Quân, quan hệ đối tác đối thoại Trung Quốc-ASEAN được thiết lập từ năm 1991, quãng đường 30 năm qua tuy ngắn so với chiều dài lịch sử nhưng được tô đậm bởi tình hữu nghị và sự hợp tác.
 
Phát triển từ quan hệ đối thoại thành quan hệ đối tác chiến lược, Trung Quốc và ASEAN chuẩn bị nâng tầm quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện - mối quan hệ năng động, thực chất và có ảnh hưởng nhất trong toàn khu vực.
 
Bài viết nêu rõ trong ba thập kỷ qua, Trung Quốc và ASEAN đã thúc đẩy lòng tin chiến lược lẫn nhau và tăng cường quan hệ láng giềng tốt đẹp. Lãnh đạo hai bên đã duy trì trao đổi sâu với nhiều hình thức.
 
Trong những năm gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm 10 nước thành viên ASEAN và nhiều lần gặp gỡ lãnh đạo các nước ASEAN, thảo luận tiến trình quan hệ Trung Quốc-ASEAN.
 
Trao đổi chiến lược về các vấn đề lớn giữa hai bên được thực hiện kịp thời thông qua cơ chế đối thoại nhiều cấp, bao gồm giữa lãnh đạo cấp cao, bộ trưởng và quan chức cấp cao.
 
Với cam kết chung về chủ nghĩa đa phương, Trung Quốc và ASEAN cùng nhất trí duy trì cấu trúc khu vực lấy ASEAN làm trung tâm, cởi mở và bao trùm.
 
Hai bên đã cùng nhau bảo vệ hòa bình và ổn định của khu vực và giải quyết phù hợp những khác biệt trong quan điểm về vấn đề Biển Đông thông qua đối thoại và tham vấn.
 
Trong hơn 30 năm qua, Trung Quốc và ASEAN đã dành cho nhau sự hỗ trợ rất cần thiết trong những giai đoạn khó khăn, như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, đợt bùng phát dịch SARS năm 2003, dịch cúm gia cầm năm 2004 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
 
Đại sứ Đặng Tích Quân nêu rõ kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Trung Quốc đã nỗ lực hỗ trợ các nước ASEAN thông qua việc cung cấp các trang thiết bị phòng COVID-19, chia sẻ kinh nghiệm trong việc phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh, tăng cường hợp tác trong công tác nghiên cứu và phát triển, cung cấp và sản xuất vaccine.
 
Đại sứ nhấn mạnh Trung Quốc và ASEAN tự hào thể hiện một hình mẫu chuẩn mực về hợp tác quốc tế trong phòng chống đại dịch COVID-19.
 
Sau 30 năm, quan hệ thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và ASEAN đã tăng từ 8,36 tỷ USD năm 1991 lên 685,28 tỷ USD vào năm 2020 và đạt tổng cộng 630,5 tỷ USD trong 3 quý đầu năm nay.
 
 Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (giữa) dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 24 diễn ra dưới hình thức trực tuyến, ngày 26-10-2021. (Ảnh: THX/TTXVN)
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (giữa) dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 24 diễn ra dưới hình thức trực tuyến, ngày 26-10-2021. (Ảnh: THX/TTXVN)
Năm 2020, Trung Quốc và ASEAN lần đầu tiên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nhau trong lịch sử.
 
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), cùng với các thỏa thuận thương mại khác, mở ra triển vọng lớn cho hợp tác kinh tế và thương mại Trung Quốc-ASEAN.
 
Hoạt động du lịch, đi lại của người dân cũng được tăng cường, với 65 triệu lượt khách đi lại giữa Trung Quốc và ASEAN, gần 4.500 chuyến bay hàng tuần giữa hai bên trong năm 2019
 
Cơ chế giao lưu tiếp tục được mở rộng trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, du lịch, thanh niên, nghiên cứu và báo chí.
 
Về triển vọng hợp tác giữa hai bên thời gian tới, Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN cho rằng có thể ưu tiên cho bốn lĩnh vực.
 
Thứ nhất là hợp tác đối phó với đại dịch và thúc đẩy kinh tế khu vực, trong đó hợp tác vaccine có ý nghĩa đặc biệt, bao gồm các nỗ lực thúc đẩy xây dựng các trung tâm sản xuất và phân phối vaccine trong khu vực Đông Nam Á.
 
Về tăng trưởng, Trung Quốc và ASEAN cần thúc đẩy quá trình phục hồi toàn diện sau COVID-19, hướng tới trở lại đà tăng trưởng vững chắc, nhất là thông qua việc đảm bảo các chuỗi cung ứng công nghiệp không bị tắc nghẽn.
 
Thứ hai, thúc đẩy các lĩnh vực tăng trưởng mới nhằm theo đuổi sự phát triển chung.
 
Trung Quốc và ASEAN cần đảm bảo thực hiện tốt Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc-ASEAN nâng cấp và thực hiện đầy đủ RCEP sẽ có hiệu lực vào năm tới để hình thành một khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương.
 
Tăng trưởng theo định hướng đổi mới cũng cần có sự nỗ lực và các lĩnh vực hợp tác mới có thể là phát tiển thành phố thông minh, thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo, năng lượng và công nghệ mới để bảo vệ môi trường.
 
Thứ ba, đẩy mạnh hơn nữa ngoại giao nhân dân, tăng cường giao lưu văn hóa, giáo dục, thể thao, phụ nữ và thanh niên, cũng như trao đổi cho các phương tiện truyền thông và các tổ chức tư vấn.
 
Sự hiểu biết lẫn nhau giữa các thế hệ trẻ của Trung Quốc và ASEAN sẽ được đào sâu hơn nữa thông qua các dự án hàng đầu như Học bổng Lãnh đạo Trẻ ASEAN-Trung Quốc, Cuộc thi Video ngắn ASEAN-Trung Quốc, Diễn đàn Truyền thông và chuyên gia ASEAN-Trung Quốc.
 
Thứ tư, bảo đảm việc tuân thủ luật pháp quốc tế thông qua đoàn kết và phối hợp, bảo vệ hệ thống quốc tế với tổ chức Liên hợp quốc làm trung tâm và các chuẩn mực cơ bản điều chỉnh quan hệ quốc tế dựa trên các nguyên tắc và mục đích của Hiến chương Liên hợp quốc.
 
Đại sứ Đặng Tích Quân nhấn mạnh Trung Quốc và ASEAN cần duy trì liên lạc ở tất cả các cấp, giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại và tham vấn, qua đó làm sâu sắc thêm thêm lòng tin chiến lược lẫn nhau.
 
Đại sứ tin tưởng rằng tình hữu nghị và hợp tác Trung Quốc-ASEAN sẽ vững vàng và đóng góp nhiều hơn nữa cho hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng của châu Á./.
 
Theo Đào Trang (TTXVN/Vietnam+)
 

tin liên quan

Nhiều nước siết chặt hạn chế, đẩy nhanh tiêm phòng

Trong bối cảnh số ca mắc và tử vong do Covid-19 gia tăng, nhất là ở châu Âu và ngay cả những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao, nhiều nước siết chặt các biện pháp hạn chế, thúc đẩy tiêm mũi vắc-xin tăng cường và tiêm phòng cho trẻ em.
 

Nicaragua chính thức rút khỏi Tổ chức các quốc gia châu Mỹ

Nicaragua quyết định rút khỏi OAS, sau khi một số nước thành viên của tổ chức này thông qua nghị quyết lên án và không công nhận cuộc tổng tuyển cử tại Nicaragua hôm 7-11 vừa qua.
 

Số ca mắc COVID-19 toàn thế giới gần chạm mốc 256 triệu ca

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 18-11 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 255.994.083 ca COVID-19, trong đó có 5.143.233 ca tử vong. Trên 231,3 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn trên 19,5 triệu bệnh nhân đang điều trị.