Quốc phòng - An ninh
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Bộ Công an cảnh báo tội phạm lừa đảo trên không gian mạng

  • 08:45 | Thứ Bảy, 23/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Thời gian qua, tình hình hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến rất phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh-trật tự, đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân.
  Trung tướng Tô Ân Xô đưa ra nhiều khuyến cáo để người dân phòng tránh loại tội phạm lừa đảo chiểm đoạt tài sản.
Trung tướng Tô Ân Xô đưa ra nhiều khuyến cáo để người dân phòng tránh loại tội phạm lừa đảo chiểm đoạt tài sản.
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, ngoài các thủ đoạn lừa đảo truyền thống như: Giả danh cán bộ cơ quan Nhà nước, người lãnh đạo cấp cao để lừa xin việc làm, “chạy chức”, “chạy án”, xin dự án, vay vốn tổ chức, cá nhân nước ngoài; kêu gọi đầu tư, …các đối tượng đã lợi dụng không gian mạng để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản với phương thức tinh vi, đa dạng về cách tiếp cận nạn nhân, với nhiều vụ có số lượng lớn bị hại tham gia tại nhiều địa phương trên cả nước.
 
Hiện tại, các thủ đoạn điển hình đối tượng tội phạm hay sử dụng đó là sử dụng mạng xã hội để kết bạn, thông báo gửi quà, sau đó giả danh nhân viên sân bay, hải quan, thuế... yêu cầu bị hại nộp tiền cước vận chuyển, thuế, phí, tiền phạt... vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng chỉ định rồi chiếm đoạt. Bên cạnh đó là chiêu trò giả danh cán bộ cơ quan Nhà nước, Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện thông báo chủ thuê bao có liên quan đến các vụ án, vụ việc đang giải quyết, đe dọa, yêu cầu bị hại chuyển tiền hoặc khai thác thông tin tài khoản ngân hàng của bị hại, từ đó đăng nhập vào tài khoản của bị hại chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng của đối tượng để chiếm đoạt.
 
Không những thế, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng không gian mạng để hoạt động phạm tội có chiều hướng gia tăng, với nhiều thủ thủ đoạn, như: Tạo lập các website, sàn giao dịch, ứng dụng kiếm tiền, sử dụng “mồi nhử” là các khoản lợi nhuận cao để kêu gọi, lôi kéo đầu tư kinh doanh tiển ảo, ngoại hối (Forex), sàn giao dịch quyền chọn nhị phân... theo mô hình đa cấp, sau đó can thiệp vào hệ thống kỹ thuật, làm cho nhà đầu tư thu lỗ hoặc đánh sập để chiếm đoạt tài sản; Đăng thông tin giả mạo và các hoàn cảnh khó khăn để vận động quyên góp từ thiện và chiếm đoạt số tiền huy động được…
 
Đặc biệt hơn là loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong các lĩnh vực kinh tế như tài chính, chứng khoán, đầu tư, phát hành trái phiếu doanh nghiệp... với thủ đoạn hết sức tinh vi, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật để hoạt động phạm tội, gây ra hậu quả thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp.
 
Để phòng tránh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Bộ Công an khuyến cáo, người dân cần tăng cường trau dồi kiến thức về pháp luật, chính sách, thường xuyên theo dõi các thông báo phương thức thủ đoạn phạm tội của cơ quan chức năng trên các phương tiện, thông tin đại chúng. Nghiên cứu, kiểm tra kỹ trước khi thực hiện các giao dịch về tài chính, đề phòng trước những khoản đầu tư mang lại “lợi nhuận cao”.
 
Riêng về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, đề nghị người dân đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở... cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản do các đối tượng chỉ định.
 
Người dân khi mua hàng qua mạng cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch. Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội. Thường xuyên thay đổi để đảm bảo tính an toàn của mật khẩu; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân có liên quan như: Căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, thẻ ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết.
 
Theo LÊ TÚ (Nhân Dân)

tin liên quan

Bộ đội Biên phòng Quảng Bình hưởng ứng đợt thi đua cao điểm

(QBĐT) - Sáng 22/4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã tổ chức lễ phát động đợt thi đua cao điểm chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình (16/6/1957 – 16/6/2022).
 

Xây dựng mô hình sinh kế cho công an viên

(QBĐT) - Lực lượng Công an viên (CAV) xã Hóa Hợp (Minh Hóa) có vai trò tích cực trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ cho lực lượng này hiện rất thấp, vì vậy, điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn. Với tinh thần tương thân, tương ái, Công an xã Hóa Hợp đã xây dựng các mô hình sinh kế giúp lực lượng CAV phát triển kinh tế, yên tâm công tác.

TP. Đồng Hới: Nâng cao chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu

(QBĐT) - Sáng 21/4, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự TP. Đồng Hới tổ chức hội nghị tổng kết công tác tuyển quân năm 2022, triển khai tuyển chọn công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân năm 2023. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.