Nỗ lực phủ sóng thanh toán QR Code

  • 08:31 | Thứ Ba, 11/06/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ nay cho đến ngày 30/6/2024 là khoảng thời gian “nước rút” để các đơn vị, địa phương, ngân hàng cùng phối hợp khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu kế hoạch đã đề ra; nhằm phủ sóng thanh toán QR Code, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn TP. Đồng Hới.
 
Bắt đầu từ thay đổi nhận thức
 
Những năm gần đây, thanh toán không dùng tiền mặt đang dần trở thành xu thế chủ yếu trong các giao dịch thương mại. Tại chợ Đồng Hới, trung tâm giao thương lớn của tỉnh, hầu như các tiểu thương ở đây đã không còn xa lạ gì với việc thanh toán bằng QR Code. “Giờ khách mua hàng thanh toán bằng QR Code nhiều lắm, có mấy ai dùng tiền mặt nữa đâu. Sử dụng hình thức này nhanh, tiện lợi, đỡ mất công tìm tiền lẻ thối lại cho khách nữa chứ!”, bà Nguyễn Thị Hằng, tiểu thương chợ Đồng Hới cười chia sẻ.
Thanh toán bằng QR Code đã trở nên phổ biến ở chợ Đồng Hới.
Thanh toán bằng QR Code đã trở nên phổ biến ở chợ Đồng Hới.
Tuy nhiên, không phải ở đâu và không phải ai cũng nhận thức đầy đủ và áp dụng hiệu quả, tích cực những lợi ích từ QR Code như bà Hằng. Với mục đích nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán QR Code nói riêng thành thói quen của người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người buôn bán nhỏ trên địa bàn thành phố, từ tháng 10/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN)-Chi nhánh Quảng Bình đã phối hợp với UBND TP. Đồng Hới thực hiện kế hoạch phủ sóng thanh toán QR Code trên toàn thành phố.
 
Kế hoạch đã xác định nội dung, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm và thời hạn cụ thể cho các đơn vị thuộc UBND TP. Đồng Hới, NHNN-Chi nhánh Quảng Bình và các đơn vị liên quan, bảo đảm triển khai kịp thời, phối hợp, giám sát, theo dõi chặt chẽ tiến độ thực hiện nhằm đạt các mục tiêu đề ra. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về lợi ích, kỹ năng sử dụng sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đến mọi tầng lớp nhân dân.
 
Tạo sự chuyển biến trong thực hiện
 
Tại xã Đức Ninh, UBND xã và Sacombank đã phối hợp rà soát, nắm bắt tình hình, triển khai mở tài khoản, cấp QR Code cho 100 điểm kinh doanh trên địa bàn và đã hoàn thành kế hoạch đề ra ban đầu, trước ngày 31/3/2024. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp một số khó khăn, như: Mặc dù được cấp bảng mã QR Code nhưng một số tiểu thương theo thói quen vẫn muốn khách hàng thanh toán bằng tiền mặt, một bộ phận người dân chưa sử dụng smartphone,...
 
Chị Đặng Thị Lương, tiểu thương chợ Đức Ninh chia sẻ: “Có QR Code thì thuận tiện nhiều hơn chứ! Khách hàng chỉ cần cầm theo điện thoại, đến quét mã, thanh toán là được. Nhưng ở chợ đây, người thanh toán qua mã cũng chưa nhiều”.
BIDV Quảng Bình triển khai hoạt động xây dựng tuyến phố văn minh, thanh toán không dùng tiền mặt.
BIDV Quảng Bình triển khai hoạt động xây dựng tuyến phố văn minh, thanh toán không dùng tiền mặt.
Bởi vậy, việc phủ sóng thanh toán QR Code từ nhận thức đến sự chuyển biến trong thực hiện để thực sự mang lại hiệu quả là cả một quá trình không đơn giản, nhất là ở các địa bàn mà đời sống người dân còn khó khăn, việc tiếp cận công nghệ còn những hạn chế.
 
Sau gần 6 tháng triển khai kế hoạch về phủ sóng thanh toán QR Code trên toàn TP. Đồng Hới, sự phối hợp có hiệu quả giữa các địa phương và các ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả tích cực: Tổng số điểm kinh doanh chấp nhận thanh toán QR Code trên địa bàn chiếm 82,1%, tăng 31,5% so với thời điểm trước 31/10/2023. Nhiều địa bàn đã được phủ sóng thanh toán QR Code với tỷ lệ cao, như: Xã Đức Ninh, phường Đồng Hải, Nam Lý…
 
Mục tiêu chung là đến ngày 30/6, trên 90% người dân từ 15 tuổi trở lên ở TP. Đồng Hới có tài khoản giao dịch tại ngân hàng; 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người buôn bán nhỏ lẻ, người cung ứng dịch vụ hàng hóa có điểm chấp nhận thanh toán mã QR Code; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán, tăng số điểm chấp nhận thanh toán mã QR Code lên trên 12.000 điểm; tốc độ tăng trưởng về số lượng, giá trị giao dịch thanh toán mã QR Code trên 40%/năm.

Tuy vậy, một số địa phương có tỷ lệ phủ sóng thanh toán QR Code còn khá thấp, thể hiện việc phối hợp giữa chính quyền địa phương và ngân hàng phụ trách địa bàn còn có mặt chưa được chặt chẽ, chưa hợp lý và chưa phát huy được hiệu quả. Một số nhiệm vụ, chỉ tiêu của đề án phủ sóng QR Code theo kế hoạch vẫn chưa được đánh giá, khảo sát đầy đủ, như: Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng, tốc độ tăng trưởng về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán QR Code.

Giai đoạn “nước rút” trước khi về đích
 
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa để nỗ lực hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đã đề ra về phủ sóng thanh toán QR Code trên địa bàn thành phố. UBND TP. Đồng Hới và NHNN-Chi nhánh Quảng Bình đang chỉ đạo sát sao, yêu cầu các đơn vị, địa phương bám sát các nhiệm vụ được phân công và căn cứ tình hình thực tiễn, đặc điểm của địa bàn để tích cực phối hợp triển khai các giải pháp hợp lý, hiệu quả, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số một cách toàn diện trên địa bàn thành phố.
 
Trong đó, tiếp tục quán triệt để người dân có nhận thức đúng đắn về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt là một chủ trương lớn mà Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang triển khai. Việc triển khai các nhiệm vụ về thanh toán QR Code là một nhiệm vụ gắn liền với lộ trình thực hiện chuyển đổi số và cũng là xu thế tất yếu, là yếu tố quyết định về lợi thế cạnh tranh và động lực phát triển trước mắt và trong tương lai. Các địa phương, đơn vị tiếp tục tích cực phối hợp, triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ bảo đảm kịp thời, chặt chẽ, toàn diện theo đúng thời hạn đã đề ra; tiếp tục rà soát, thống kê các cơ sở kinh doanh, hộ kinh doanh trên địa bàn và tuyên truyền, vận động, triển khai phủ sóng QR Code.
Lãnh đạo NHNN Chi nhánh Quảng Bình và UBND TP. Đồng Hới khảo sát việc triển khai phủ sóng QR Code trên địa bàn.
Lãnh đạo NHNN Chi nhánh Quảng Bình và UBND TP. Đồng Hới khảo sát việc triển khai phủ sóng QR Code trên địa bàn.
Đối với các địa bàn có tỷ lệ phủ sóng QR Code còn thấp, cần khẩn trương rà soát, đánh giá đặc điểm tình hình, tăng cường hơn nữa việc phối hợp với ngân hàng phụ trách địa bàn trong triển khai thực hiện. Đối với Ban Quản lý chợ, cần tăng cường tuyên truyền cho các tiểu thương; phối hợp, tạo điều kiện để các ngân hàng vận động, triển khai phủ sóng QR Code tại các chợ thuộc phạm vi quản lý.
 
Ông Hoàng Ngọc Đan, Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới cho rằng: Xác định đây là hoạt động mà không phải làm là cho thấy hiệu quả ngay. Ban đầu, có thể chưa được hưởng ứng lắm vì còn phụ thuộc tâm lý, khả năng sử dụng công nghệ, điều kiện kinh tế của người dân ở từng địa phương… Chúng ta phải bắt tay làm từ bây giờ. Tinh thần là các địa phương, đơn vị cần tiếp tục kiên trì, liên tục, đầu tiên để người dân làm quen, tiếp xúc và dần hình thành thói quen sử dụng QR Code cho người dân, các đơn vị kinh doanh trên địa bàn.
 
“Nhằm tiếp tục phủ sóng thanh toán QR Code ở TP. Đồng Hới, đơn vị sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn đẩy mạnh việc mở tài khoản và cung ứng dịch vụ thanh toán QR Code cho người dân, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; đồng thời phối hợp với các địa phương hướng dẫn, truyền thông về sử dụng QR Code đến người dân. Bên cạnh đó, tăng cường các giải pháp an toàn, bảo mật cho tài khoản khách hàng. Từ đó, gia tăng mức độ tin tưởng của khách hàng đối với dịch vụ internet banking nói chung và thanh toán QR Code nói riêng”, Giám đốc NHNN-Chi nhánh Quảng Bình Lương Hải Lưu cho biết.
Hương Lê

tin liên quan

Nâng tầm Phong Nha-Kẻ Bàng

(QBĐT) -  Để tiếp tục phát huy hiệu quả các giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB), đề án "Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng giải trí VQG PN-KB, giai đoạn 2021-2030" vừa được UBND tỉnh phê duyệt là "lối mở" quan trọng để tăng cường thu hút đầu tư nơi đây…

Chỉ thị về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025

(QBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.

Tập trung sản xuất vụ hè-thu

(QBĐT) - Sau khi vụ đông-xuân kết thúc, nông dân huyện Tuyên Hóa bắt tay ngay vào sản xuất vụ hè-thu. Đến thời điểm này, bà con cơ bản đã gieo trồng xong diện tích lúa và đang chăm sóc các loại cây trồng khác.