Quảng Trạch: Đa dạng các sản phẩm OCOP

  • 08:59 | Thứ Ba, 04/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Quảng Trạch đã tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương, khảo sát, lựa chọn các sản phẩm có thế mạnh để nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu gắn với thị trường tiêu thụ, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng nội lực và gia tăng giá trị.  
 
Thực hiện chương trình OCOP, những năm qua, xã Quảng Phương đã tuyên truyền, tạo điều kiện, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề nông thôn, xây dựng được nhiều mô hình kinh tế. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng, hiệu quả, nhiều mô hình kinh tế đã chủ động xây dựng sản phẩm liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Tập trung ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất, đào tạo kỹ thuật, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, chú trọng quản lý chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm đạt các tiêu chí sản phẩm OCOP.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phương Trần Anh Tuấn cho hay: “Thực hiện chương trình OCOP, thời gian qua, xã đã bám sát kế hoạch, lộ trình và theo dõi các sản phẩm đặc thù của địa phương để hướng dẫn cho các hợp tác xã (HTX), cá nhân có định hướng xây dựng sản phẩm OCOP. Đến nay, trên địa bàn xã đã có 2 sản phẩm của 2 HTX được công nhận là sản phẩm OCOP là HTX Sản xuất dịch vụ mây xiên Quảng Phương và HTX Sản xuất và dịch vụ sen ngon Quảng Phương. Địa phương cũng đang hướng dẫn cho các cá nhân, tổ chức có sản phẩm đặc thù để xây dựng sản phẩm đạt tiêu chí OCOP và đang quan tâm hướng dẫn cơ sở sản xuất miến gạo Đông Dương thực hiện các bước để xây dựng hồ sơ, đề nghị công nhận sản phẩm miến gạo Đông Dương đạt sản phẩm OCOP trong thời gian sớm nhất”.
Sản phẩm miến gạo Đông Dương đang phơi khô chuẩn bị đưa vào đóng gói.
Sản phẩm miến gạo Đông Dương đang phơi khô chuẩn bị đưa vào đóng gói.
Với mục tiêu tạo việc làm, tiêu thụ sản phẩm lúa gạo cho bà con nông dân trong vùng, năm 2012, vợ chồng chị Lâm Thị Bé và anh Lê Phúc Đông, ở thôn Đông Dương, xã Quảng Phương đã ra tỉnh Lạng Sơn để học hỏi kỹ thuật, xây dựng cơ sở sản xuất miến gạo Đông Dương. Thời gian đầu, tuy gặp rất nhiều khó khăn nhưng với sự cần cù, chịu khó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vợ chồng chị Bé đã thành công với mô hình sản xuất miến gạo.
 
Sản phẩm miến gạo sử dụng nguyên liệu gạo lúa Khang Dân sản xuất tại địa phương, không sử dụng chất bảo quản, hàn the, chất tẩy rửa, nên được khách hàng trong và ngoài tỉnh rất ưa chuộng.
 
Hiện, sản phẩm miến gạo của vợ chồng chị Bé đã được đăng ký thương hiệu “miến gạo Đông Dương” với thu nhập 200 triệu đồng/năm. Bình quân mỗi ngày cơ sở tiêu thụ khoảng 1,5 tạ gạo, sản xuất được 1,3 tạ miến, tạo được việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.
 
“Hiện tại cơ sở chúng tôi đang tập trung nâng cao chất lượng, chủ động liên kết thị trường, nhằm bảo đảm ổn định đầu ra cho sản phẩm, tập trung xây dựng sản phẩm đạt các tiêu chí sản phẩm OCOP. Cơ sở cũng mong muốn các cấp chính quyền địa phương tạo điều kiện về nguồn vốn ưu đãi để đầu tư trang thiết bị máy móc, lò sấy để bảo đảm sản xuất thường xuyên, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương”, chị Lâm Thị Bé, chủ cơ sở sản xuất miến gạo Đông Dương chia sẻ.
 
Để triển khai có hiệu quả chương trình OCOP, huyện Quảng Trạch đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương, khảo sát, lựa chọn các sản phẩm có thế mạnh để nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường. Nhờ đó, nhiều sản phẩm đã được đăng ký chất lượng, nhãn mác với thị trường tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài tỉnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, huyện Quảng Trạch đã có 12 sản phẩm được tỉnh công nhận đạt tiêu chí sản phẩm OCOP.
 
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Trạch Trần Văn Định cho biết: “Để tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, xác định đây là một trong những tiêu chí phục vụ cho việc xây dựng nông thôn mới, phòng đang tiếp tục tham mưu cho UBND huyện ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất, các hộ gia đình đầu tư mua sắm các trang thiết bị, ứng dụng các khoa học công nghệ mới vào sản xuất, từ đó xây dựng các sản phẩm đạt tiêu chí sản phẩm OCOP; phấn đấu, trong năm 2023 sẽ có thêm từ 3-5 sản phẩm OCOP. Huyện cũng chú trọng nâng cao hàm lượng khoa học của các sản phẩm OCOP nhằm đáp ứng với tiêu chí hàng hóa đưa ra thị trường, phục vụ cho việc kết nối và bảo đảm tốt hơn vấn đề đầu ra cho các sản phẩm trên địa bàn”.
 
Thế Lực
(Đài TT-TH Quảng Trạch)

tin liên quan

Phát triển tàu dịch vụ hậu cần nghề cá: Vẫn còn lắm khó khăn

(QBĐT) - Cùng với phát triển đội tàu cá công suất lớn khai thác hải sản xa bờ, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đầu tư tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. 

'Từ trang trại đến bàn ăn' - Bài 2: Khó khăn và sức hút

(QBĐT) - "Từ trang trại đến bàn ăn" là mô hình sản xuất nông nghiệp nhiều tiềm năng để phát triển, tuy nhiên với người nông dân không phải ai cũng dám mạo hiểm đầu tư vì lo ngại còn tiềm ẩn khó khăn, thách thức. Nếu biết giải quyết những khó khăn, thách thức này thì mô hình sẽ thực sự có sức hút khó cưỡng với những ai muốn làm nông nghiệp nghiêm túc.

'Từ trang trại đến bàn ăn'

(QBĐT) - Lâu nay, khái niệm nông nghiệp 3F (Feed-Fam-Food) hay còn gọi là "Từ trang trại đến bàn ăn" dường như còn khá mới lạ với không ít người nông dân. Tuy nhiên hiện nay, trên địa bàn tỉnh, những mô hình theo hướng từ trang trại đến bàn ăn đã dần xuất hiện. Với những ưu việt: Sản xuất theo quy trình khép kín, tạo ra sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, sức cạnh tranh cao..., mô hình "Từ trang trại đến bàn ăn" hứa hẹn sẽ tạo sức hút và trở thành xu hướng làm nông nghiệp được nhiều người nông dân hướng đến.