Đồng hành cùng nông dân phát triển kinh tế
(QBĐT) - Với mục tiêu nâng cao đời sống hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Tuyên Hóa đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
“Mở lối” cho nông dân thoát nghèo
Trước đây, cuộc sống của gia đình ông Mai Xuân Huệ (thôn Minh Cầm Trang, xã Phong Hóa) cứ quẩn quanh với nghèo khó. Mặc dù gia đình ông có 1ha đất trồng keo, tràm, nhưng kinh tế chỉ phụ thuộc vào các ngành, nghề phụ. Sau khi được HND xã Phong Hóa tuyên truyền chủ trương chuyển đổi diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn, ông Huệ đã quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng keo, tràm sang trồng cây ăn quả, như: Cam, bưởi. Bên cạnh đó, ông còn kết hợp chăn nuôi thêm các loại gia súc, gia cầm, nuôi ong lấy mật, đào ao thả cá…
Ông Mai Xuân Huệ kể: “Muốn trồng keo, tràm, diện tích phải lớn từ 5-7ha. Chứ chỉ có 1ha đất mà trồng keo, tràm thì thu nhập chẳng thấm vào đâu. Đa dạng hóa mô hình kinh tế trên đơn vị diện tích sẽ tạo ra giá trị và thu nhập cao”.
Đó là sau này khi mô hình kinh tế của gia đình cho hiệu quả cao, ông mới nghĩ được thông suốt như vậy. Với mô hình vườn-ao-chuồng này, trung bình mỗi năm, thu nhập của gia đình ông hơn 100 triệu đồng. Nhờ vậy, gia đình ông đã thoát nghèo và vươn lên trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Đặc biệt, 2 năm qua, ông Huệ luôn được công nhận hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện.
Tương tự, thời gian qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Phong Hóa đã mạnh dạn chuyển hướng phát triển kinh tế, tạo thu nhập cao cho gia đình. Năm 2021, nhận thấy nấm bào ngư xám là món ăn được ưa chuộng trên thị trường, có giá trị kinh tế cao, ông Trần Văn Mẫu (thôn Cao Trạch, xã Phong Hóa) đã mua phôi nấm về trồng thử nghiệm.
Từ thành công bước đầu, ông Mẫu quyết định đầu tư thêm 60 triệu đồng để mở rộng trang trại trồng nấm, với diện tích 100m2. Ông Mẫu cho biết, nấm bào ngư xám của gia đình ông giờ đây không chỉ cung cấp cho thị trường các xã trong huyện mà còn mở rộng ra các địa phương trên địa bàn tỉnh. Với giá 50.000 đồng/kg nấm, mô hình nấm bào ngư xám mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập gần 40 triệu đồng/tháng.
Theo Chủ tịch HND xã Phong Hóa Phạm Thanh Hoàn: “Với mục tiêu giúp hội viên, nông dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững, hội đã mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi; đồng thời, tuyên truyền, vận động và định hướng cho hội viên các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao để đưa vào sản xuất, chăn nuôi. Bên cạnh đó, hội thường xuyên tổ chức cho hội viên tham quan, học tập các mô hình kinh tế hiệu quả trong và ngoài huyện, nhằm góp phần thay đổi tư duy, nhận thức trong làm ăn phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình”.
Liên kết để phát triển
Nhận thấy phong trào chăn nuôi bò lai trên địa bàn xã theo kiểu “mạnh ai nấy lo”, vừa qua, HND xã Tiến Hóa đứng ra thành lập chi hội chăn nuôi, để liên kết cùng nhau phát triển. Chi hội chăn nuôi bò lai sinh sản xã Tiến Hóa được thành lập năm 2022, với 25 hội viên.
Chủ tịch HND xã Tiến Hóa Nguyễn Quang Đức cho biết, Tiến Hóa là xã miền núi, nhưng đất chật người đông, nhất là đất nông nghiệp để trồng trọt, chăn nuôi rất hạn chế, việc phát triển chăn nuôi gặp không ít khó khăn. Hầu hết, người dân chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, khó phát triển quy mô đàn với số lượng lớn. Kiểu chăn nuôi này khiến bà con nông dân thiếu sự hỗ trợ, giúp đỡ nhau những lúc cần thiết, chăn nuôi khó phát triển. Mục đích của việc thành lập chi hội là để các hộ thành viên chăn nuôi bò lai có điều kiện chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Đây cũng là tiền đề quan trọng để tổ chức liên kết chăn nuôi theo hướng bền vững. Qua đó, HND xã cũng thuận lợi trong việc quản lý, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, kiểm soát tốt hơn công tác phòng, chống dịch bệnh.
Năm 2022, các cấp HND trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đã phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức 53 lớp tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, hướng dẫn xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ mới theo chuỗi giá trị, mở 28 lớp đào tạo nghề cho gần 3.700 lượt hội viên.
|
“Sau khi chi hội được thành lập, để hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân, HND xã Tiến Hóa đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Tuyên Hóa mở lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con. Hiện tại, hội đang tham mưu UBND xã quy hoạch diện tích đất trồng cỏ và chuồng trại tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho các hội viên chăn nuôi khắc phục vấn đề ô nhiễm môi trường, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập kinh tế cho hộ gia đình. Điều đáng mừng hơn nữa, thông qua sự kêu gọi, kết nối của HND xã, Công ty CP xi măng Sông Gianh đã hỗ trợ 1 con bò đực giống lai sind, để chi hội lai ghép giống”, Chủ tịch HND xã Tiến Hóa Nguyễn Quang Đức chia sẻ.
Chủ tịch HND huyện Tuyên Hóa Trương Tư Thoan cho biết, để giúp hội viên thoát nghèo bền vững, thời gian qua, các cấp hội trên địa bàn huyện luôn chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; gắn công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân tham gia các mô hình kinh tế tập thể, liên kết hợp tác trong phát triển kinh tế. Cùng với đó, các cấp hội đã tranh thủ các chương trình, dự án, phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn, vật tư, cây con giống, trong đó chú trọng chuyển đổi nghề, đào tạo nghề tại chỗ cho nông dân nhằm phát huy thế mạnh, tiềm năng sẵn có, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Nhờ đó, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi tiếp tục lan tỏa, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn ngày càng phát triển.
D.C.H
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.