Dự án đường ven biển: "Gỡ vướng" để bảo đảm tiến độ

  • 13:14 | Thứ Bảy, 25/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Được khởi công vào ngày 24/1/2022, dự án thành phần 1-Đường ven biển do Sở Giao thông vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư, thuộc dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 tỉnh Quảng Bình, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của toàn tỉnh nói chung và các địa phương có tuyến đường đi qua nói riêng. Tuy nhiên hiện nay, dự án đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) làm ảnh hưởng đến tiến độ, nếu không nhanh chóng được tháo gỡ.
 
"Cú hích" để phát triển
 
Dự án đường ven biển có 3 đoạn tuyến, đi qua các địa phương ven biển của tỉnh Quảng Bình, với tổng chiều dài 80km, gồm: Đoạn Nam Roòn-Quảng Phúc dài 21,9km; đoạn Nam Cầu Lý Hòa-Quang Phú dài 15,5km và đoạn Hà Trung-Mạch Nước dài 42,6km (không bao gồm đoạn qua FLC dài 5,8km do nhà đầu tư tự thực hiện). Tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, bề rộng nền đường 12m; bề rộng mặt đường và lề gia cố 11m. Dự án có 6 gói thầu xây lắp, với tổng mức đầu tư 2.197 tỷ đồng (ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương). Thời gian thực hiện dự án từ 2021-2026.
 
Dự án đường ven biển đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh. Dự án hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tạo sự kết nối thông suốt không chỉ về hạ tầng, mà còn đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm quốc phòng-an ninh, tạo "cú hích" mạnh mẽ cho phát triển du lịch, dịch vụ biển, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, cứu hộ cứu nạn, phòng chống thiên tai...
 
Mặt khác, tuyến đường cũng sẽ giúp kết nối vùng ven biển của Quảng Bình với vùng kinh tế tổng hợp Nam Hà Tĩnh-Bắc Quảng Bình, phát huy thế mạnh của cụm cảng nước sâu, khu công nghiệp Vũng Áng, Hòn La cũng như tạo sự kết nối quan trọng vùng phía đông của các tỉnh trong khu vực Bắc Trung bộ và cả nước. 
Tại gói thầu XL-06, các nhà thầu đã đúc hơn 1.700 cấu kiện đúc sẵn.
Tại gói thầu XL-06, các nhà thầu đã đúc hơn 1.700 cấu kiện đúc sẵn.
Để thực hiện dự án, toàn tuyến có tổng diện tích đất thu hồi 199,33ha, đi qua địa bàn 16 xã, phường của 6 huyện, thị xã, thành phố, ảnh hưởng đến 1.125 hộ dân và 37 tổ chức. Trong đó, có khoảng 166 hộ bị ảnh hưởng nhà ở và đất ở; có 27 chủ sở hữu (gồm 5 tổ chức và 22 cá nhân) nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi bị ảnh hưởng; nhiều diện tích rừng phải chuyển đổi. Theo đề xuất của các huyện, dự kiến có 8 khu tái định cư...
 
Với tính chất quan trọng của dự án và nhằm bảo đảm cho tiến độ của dự án quan trọng này, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong vùng dự án đặc biệt quan tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện. Ban chỉ đạo của tỉnh và các địa phương liên quan đã được thành lập, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc trên tinh thần hết sức khẩn trương, quyết liệt trong quá trình triển khai, nhất là đối với công tác GPMB.
 
Theo báo cáo của Sở GTVT, chủ đầu tư đã ký hợp đồng thi công 6 gói thầu với chiều dài 73,4/80km (tỷ lệ 91,8%), trong đó phạm vi có mặt bằng thi công mới được 16/73,4km (đạt tỷ lệ 22%). Ở các mặt bằng được bàn giao, các nhà thầu đã triển khai thi công. Riêng đoạn từ Km4+400-Km11+00 qua xã Quảng Xuân (Quảng Trạch), Sở GTVT đang thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu.
 
Vướng mắc cần sớm tháo gỡ
 
Năm 2023, dự án thành phần 1-Đường ven biển được bố trí gần 694 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn năm 2023 là 340 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm 2022 đề nghị kéo dài là gần 354 tỷ đồng.
Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng công trình GTVT Nguyễn Ngọc Quý cho biết: Dự án có diện tích chuyển đổi sử dụng rừng lớn, với tổng diện tích rừng cần chuyển đổi mục đích là 81,69ha. Vướng mắc lớn nhất của dự án đó là việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, cần nhiều quy trình thủ tục liên quan và cũng mất rất nhiều thời gian vì có những diện tích thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, của tỉnh và có diện tích nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Cụ thể, có hơn 22,2ha rừng phòng hộ cần chuyển đổi thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; gần 30ha rừng sản xuất thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh và hơn 29,4ha rừng nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng.
 
Theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tại văn bản số 7739/BNN-TCLN, ngày 17/11/2022, từ ngày 20-21/2/2023, Sở GTVT đã tổ chức Hội đồng kiểm tra, xác nhận diện tích hơn 29,4ha rừng ngoài quy hoạch để bàn giao mặt bằng thực hiện dự án; đồng thời đã có văn bản số 465/SGTVT-QLDA gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố, Sở NN-PTNT, Chi cục Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ và ven biển về việc thực hiện thủ tục khai thác, tận thu tài sản rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Riêng, phạm vi rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ và ven biển (đoạn qua TP. Đồng Hới) hiện đang thực hiện các thủ tục tận thu, Sở GTVT đã trình hồ sơ cho Sở NN-PTNT thẩm định, phê duyệt.
 
Đại diện chủ đầu tư cho biết, đối với diện tích rừng chuyển đổi thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Sở GTVT đang phối hợp với Sở NN-PTNT tiếp tục liên hệ với Bộ NN-PTNT để sớm có kết quả phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Đối với 29,93ha rừng trồng sản xuất, chủ đầu tư phối hợp với ngành chức năng thực hiện các thủ tục theo quy định để trình HĐND tỉnh trong kỳ họp sắp tới. Riêng diện tích hơn 29,4ha rừng ngoài quy hoạch, đề nghị các địa phương thực hiện các thủ tục và khai thác, tận thu tài sản theo quy định để sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Công trình cầu sông Dinh, thuộc gói thầu XL-04, do nhà thầu liên danh Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương thi công hoàn thành vượt tiến độ.
Công trình cầu sông Dinh, thuộc gói thầu XL-04, do nhà thầu liên danh Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương thi công hoàn thành vượt tiến độ.
Cùng với những vướng mắc trong thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, hiện tại dự án đường ven biển còn gặp phải một số vướng mắc khác mà nếu không được tháo gỡ kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tiến độ. Đó là, đối với phần tài sản trang trại nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi của các tổ chức, hộ gia đình bị ảnh hưởng, hiện tại chưa có địa phương nào hoàn thành và công khai phương án đền bù hỗ trợ GPMB.
 
Về công tác tái định cư, tính đến 20/3/2023, chỉ có huyện Bố Trạch và Quảng Ninh là đã phê duyệt dự án, đang thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu. TX. Ba Đồn đang lập quy hoạch chi tiết, huyện Lệ Thủy đang lập dự án và huyện Quảng Trạch vẫn chưa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch.
 
Về di dời hạ tầng kỹ thuật, các huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy đã triển khai thi công di dời; các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, TX. Ba Đồn, TP. Đồng Hới đang hoàn thiện các thủ tục phê duyệt phương án để bảo đảm tiến độ hoàn thành và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trước ngày 30/4/2023.
 
Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Phạm Trung Đông chia sẻ: Thực hiện dự án đường ven biển, hiện tại địa phương còn vướng 20 ngôi mộ đã áp giá công khai nhưng người dân chưa nhận tiền và 2 cơ sở chăn nuôi (1 cơ sở nuôi tôm) huyện đang lập đoàn khảo sát lần cuối để áp giá bồi thường. Đồng thời, có 5 trường hợp nuôi trồng thủy sản trên đất được chuyển đổi nhưng vi phạm quy hoạch, theo quy định thì không được bồi thường đối với diện tích vướng quy hoạch. Huyện đang tích cực tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận, bàn giao mặt bằng.
 
Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong tỉnh và sự đồng thuận của nhân dân, dự án thành phần 1-Đường ven biển đang được triển khai quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ, đồng thời giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư công. Tuy nhiên, nếu những vướng mắc về GPMB nói trên không sớm được tháo gỡ để có mặt bằng cho nhà thầu thi công thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ đã đề ra.
 
Anh Tuấn

tin liên quan

Đẩy mạnh hợp tác phát triển giữa TP. Hồ Chí Minh với một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung bộ

(QBĐT) - Sáng nay, 25/3, tại TP. Vinh (tỉnh Nghệ An) UBND TP. Hồ Chí Minh phối hợp với các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung bộ. 

20 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia triển lãm sản phẩm OCOP tại Nghệ An

(QBĐT) - Trong khuôn khổ hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung bộ, ngày 24-25/3, tại TP. Vinh (Nghệ An), 20 doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Quảng Bình đã tham gia triển lãm sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Kết nối giao thương giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh phía Bắc và khu vực Bắc Trung bộ

(QBĐT) - Chiều 24/3, tại TP. Vinh (tỉnh Nghệ An), UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị kết nối giao thương với các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.