Phấn đấu "phủ sóng" nước sạch khu vực nông thôn

  • 07:21 | Thứ Sáu, 24/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, nhiều công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa từ các nguồn vốn, chương trình. Nhờ đó, đến năm 2022, toàn tỉnh đã có hơn 111 nghìn hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn, đạt tỷ lệ trên 56%, tăng gần 6% so với năm 2020. 
 
Có được kết quả trên là nhờ thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý, vận hành, khai thác; ưu tiên bố trí nguồn lực cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng các công trình bị xuống cấp, hư hỏng, không hoạt động; điều chuyển một số công trình kém hiệu quả từ các xã sang Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS và VSMTNT) quản lý theo "Đề án nâng cao hiệu quả khai thác, vận hành và sử dụng bền vững các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung".
 
Là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, vừa thực hiện chức năng tham mưu phục vụ quản lý nhà nước, vừa tổ chức triển khai thực hiện các công trình, dự án, các hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực cấp NS và VSMTNT.
 
Thời gian qua, Trung tâm NS và VSMTNT đã thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác đầu tư và quản lý, vận hành, khai thác các công trình, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp nước sạch. Trong năm 2022, các công trình đã cung cấp được trên 2,1 triệu m3 nước sạch; doanh thu đạt 10 tỷ đồng, tăng 1,2 tỷ đồng so với năm 2021.
 
Đặc biệt, những năm gần đây, thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác và sử dụng bền vững công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung”, một số xã có công trình kém hiệu quả hoặc không hoạt động được chuyển giao lại cho trung tâm quản lý. Cho đến nay, cơ bản các công trình đều phát huy hiệu quả, được cán bộ và nhân dân trên địa bàn đánh giá cao. 
 Công trình nước sạch ở xã Mỹ Trạch (Bố Trạch) phát huy hiệu quả sau khi được Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tiếp nhận, quản lý.
Công trình nước sạch ở xã Mỹ Trạch (Bố Trạch) phát huy hiệu quả sau khi được Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tiếp nhận, quản lý.
Điển hình như công trình cấp nước tại xã Mỹ Trạch (Bố Trạch). Năm 2002, địa phương được ưu tiên xây dựng hệ thống cấp nước tập trung với 3 giếng khoan nước ngầm, bể chứa, đài nước và nhà trạm bơm để phục vụ nước sinh hoạt cho người dân toàn xã. Sau khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, địa phương bàn giao lại cho Hợp tác xã dịch vụ điện Mỹ Trạch quản lý. Tuy nhiên, đến năm 2014, công trình dừng hoạt động, nguyên nhân là do hệ thống đường ống hư hỏng, tỷ lệ thất thoát nước lớn, nguồn thu từ phí sử dụng nước sinh hoạt không đủ để bù đắp chi phí quản lý, vận hành.
 
Cuối năm 2022, công trình được bàn giao lại cho Trung tâm NS và VSMTNT quản lý. Theo đó, trung tâm đã huy động, lồng ghép nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phân bổ cho xã Mỹ Trạch và cho trung tâm để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình.
 
Đến nay, công trình đã đi vào hoạt động với 130 hộ dân ở các thôn 2,3 và 4, xã Mỹ Trạch đấu nối sử dụng. Hiện nay, Trung tâm NS và VSMTNT đang triển khai thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng công trình NSNT từ nguồn vốn đầu tư công ngân sách tỉnh. Dự án sẽ kết nối công trình cấp nước ở xã Hạ Trạch với công trình cấp nước xã Mỹ Trạch tạo thành công trình liên xã, sử dụng nguồn nước hồ Vực Sanh để tạo nguồn nước ổn định và mở rộng mạng lưới tuyến ống cấp nước ra toàn xã. Dự án hoàn thành sẽ bảo đảm cung cấp nước sạch theo quy chuẩn cho toàn bộ người dân ở hai xã Mỹ Trạch và Hạ Trạch.
 
Chủ tịch UBND xã Mỹ Trạch Phan Nam Tiến cho biết: Khi bàn giao công trình cho Trung tâm NS và VSMTNT, với tính ổn định, chuyên nghiệp, được trang bị đầy đủ công cụ và phương tiện kiểm tra, trung tâm sẽ xử lý kịp thời sự cố xảy ra trong quá trình vận hành, chất lượng nước được xét nghiệm định kỳ, người dân sẽ yên tâm, không còn lo mất nước như trước đây nữa.
 
Bên cạnh công trình nước sạch ở xã Mỹ Trạch, công trình ở các xã Phong Hóa, Mai Hóa (Tuyên Hóa), Cảnh Dương, Quảng Châu (Quảng Trạch), Lộc Thủy, Hoa Thủy (Lệ Thủy),… do Trung tâm NS và VSMTNT tiếp nhận quản lý thời gian gần đây cũng đã phát huy hiệu quả, bảo đảm nguồn nước cho người dân sử dụng.
 
Trong điều kiện khó khăn về vốn ngân sách, thời gian qua, trung tâm cũng đã tích cực, chủ động trong việc tìm kiếm, huy động nguồn vốn tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, như: WB, ADB, UNICEF, SRDP (Chính phủ Hàn Quốc), AFD (Cơ quan Phát triển Pháp) Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup), Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam,… để đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho NS và VSMTNT; có kế hoạch quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để người dân được hưởng lợi tốt nhất.
 
Đặc biệt, nhờ hợp tác có hiệu quả, trong 4 năm liên tiếp (2019-2022), trung tâm đã vận động được kinh phí tài trợ của Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam để nâng cấp, sửa chữa công trình cấp nước tại các xã Quảng Châu, Quảng Kim (Quảng Trạch) và Mỹ Thủy, Hoa Thủy (Lệ Thủy) với tổng trị giá 3,6 tỷ đồng. Hiện phía công ty đang xem xét để tiếp tục tài trợ tài chính trong năm 2023.
 
Cùng với hoạt động dịch vụ, quản lý đầu tư xây dựng, Trung tâm NS và VSMTNT cũng tham mưu tích cực, hiệu quả cho UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các nội dung phục vụ quản lý nhà nước, như: Kế hoạch cấp nước an toàn, chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn, Tuần lễ Quốc gia NS và VSMTNT, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác quản lý, vận hành, khai thác công trình cấp nước nông thôn tập trung...
 
Đến nay, Trung tâm NS và VSMTNT đang quản lý tổng số 20 công trình cấp nước nông thôn tập trung, phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn 16 xã, thị trấn thuộc các huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch và Lệ Thủy với tổng số đồng hồ quản lý là 15.979 cái, tăng 3.145 cái so với năm 2021.
Trung tâm cũng phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các đơn vị, địa phương liên quan trong triển khai thực hiện Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch nông thôn; đo lường kiểm soát chất lượng nước; tham gia thẩm định, xét duyệt các tiêu các chí 17.1 và 18.1, 18.2, 18.3 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025…; nghiên cứu, rà soát, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước cho các địa bàn khó khăn về nguồn nước, người dân có nhu cầu cấp thiết về nước sinh hoạt; đề xuất điều chuyển các công trình hoạt động kém hiệu quả do các xã quản lý…
 
Giám đốc Trung tâm NS và VSMTNT Bùi Thái Nguyên cho biết: Thực tế, lĩnh vực cấp NSNT thời gian qua đang ngày càng nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch ngày càng tăng cao.
 
Tuy nhiên, trong quá trình tiếp nhận quản lý vận hành công trình từ các xã, trung tâm vẫn còn gặp nhiều khó khăn, như: Công trình bị xuống cấp trầm trọng, đường ống hư hỏng nhiều; một số hộ dân sử dụng nước không minh bạch như đấu nối trộm vào mạng lưới, làm đồng hồ quay chậm hoặc không quay, dùng nước nhỏ giọt… gây thất thoát nước lớn.
Tỷ lệ người dân trên địa bàn tỉnh sử dụng nước sạch ngày càng cao.
Tỷ lệ người dân trên địa bàn tỉnh sử dụng nước sạch ngày càng cao.
Thời gian tới, để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, trung tâm sẽ tiếp tục triển khai thực hiện duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình nhằm tăng công suất khai thác; nâng cấp, hoàn thiện dây chuyền công nghệ xử lý nước; đấu nối, mở rộng mạng lưới tuyến ống cấp nước để gia tăng số hộ dân được sử dụng nước sạch đạt chuẩn; chỉ đạo, đôn đốc các trạm cấp nước tăng cường công tác quản lý tuyến, quản lý địa bàn; tiếp tục triển khai các biện pháp chống thất thoát, thất thu nước sạch; phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc sử dụng, bảo vệ công trình; phối hợp với các cấp chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát, đề xuất điều chuyển các công trình hoạt động kém hiệu quả sang trung tâm quản lý; đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng công trình cấp nước quy mô lớn, liên xã cho các địa bàn chưa có công trình, người dân có nhu cầu cấp thiết về nước sạch sinh hoạt, địa phương đã đăng ký hoàn thành xây dựng NTM, NTM nâng cao…
 
Đặc biệt, để đạt được mục tiêu đến năm 2030 có 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn theo Kế hoạch số 105/KH-UBND, ngày 20/1/2022 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia cấp NS và VSMTNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trung tâm mong muốn UBND tỉnh tiếp tục ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn đầu tư công ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư nâng cấp, mở rộng các công trình đang vận hành; xây dựng mới công trình cho các địa bàn khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước…; tiếp tục điều chuyển công trình kém hiệu quả từ các xã sang trung tâm quản lý.
 
 Thanh Hoa

tin liên quan

Ngọt ngào mía Nam Trạch

(QBĐT) - Nằm ở phía Nam của huyện Bố Trạch, xã Nam Trạch từ lâu đã nổi tiếng với sản phẩm nông nghiệp đặc trưng là cây mía. Hiện nay, cây mía Nam Trạch không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh mà đã vươn ra nhiều tỉnh, thành khác trên khắp cả nước.

Đoàn Famtrip TP. Hồ Chí Minh khảo sát điểm đến du lịch Quảng Bình

(QBĐT) - Trong ngày 21-22/3, Sở Du lịch Quảng Bình phối hợp với Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh tổ chức chương trình khảo sát điểm đến du lịch Quảng Bình cho các đơn vị truyền thông, lữ hành lớn, chuyên gia du lịch tại TP. Hồ Chí Minh.

Triển khai đồng bộ các giải pháp để phòng, chống dịch bệnh

(QBĐT) - Chiều 23/3, đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh đã chủ trì cuộc họp đánh giá công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023.