Phát triển tàu dịch vụ hậu cần nghề cá: Vẫn còn lắm khó khăn

  • 10:11 | Thứ Sáu, 31/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cùng với phát triển đội tàu cá công suất lớn khai thác hải sản xa bờ, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đầu tư tàu dịch vụ hậu cần (DVHC) nghề cá. Tuy nhiên, số lượng tàu làm DVHC nghề cá tỉnh ta còn khá ít, trong quá trình hoạt động vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
 
Những năm gần đây, các ban, bộ, ngành Trung ương cũng như địa phương đã có nhiều chính sách tạo điều kiện, khuyến khích giúp ngư dân đóng tàu lớn để khai thác hải sản xa bờ nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tàu cá chưa được trang bị đầy đủ các phương tiện cũng như thiết bị bảo quản sản phẩm đúng tiêu chuẩn, phải quay ngay vào bờ để kịp thời tiêu thụ, chế biến nhằm bảo đảm chất lượng. Vì thế, thời gian bám biển không liên tục, chi phí cho những chuyến đi biển tăng cao. 
 
Ở tỉnh ta, thời gian gần đây, việc phát triển đội tàu DVHC nghề cá đã giúp cho quá trình sản xuất trên biển của ngư dân được liên tục, giảm chi phí đi lại vào bờ để tiêu thụ sản phẩm, tiếp tế nhiên liệu, nhu yếu phẩm, sửa chữa nhỏ máy móc...
 
Tàu DVHC được trang bị nhiều thiết bị hiện đại như hầm đông lạnh, hầm nuôi sống tôm, cá nên chất lượng sản phẩm khai thác được bảo quản tốt, tạo ra nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng cao cho các doanh nghiệp chế biến, phát huy được tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau trong hoạt động sản xuất, giảm bớt các rủi ro.
Tàu dịch vụ hậu cần trên biển giúp các doanh nghiệp chế biến cũng như người tiêu dùng tiếp cận được sản phẩm chất lượng cao.
Tàu DVHC trên biển giúp các doanh nghiệp chế biến cũng như người tiêu dùng tiếp cận được sản phẩm chất lượng.
Anh Nguyễn Văn Hào, chủ tàu DVHC nghề cá ở thôn Văn Phú, xã Quảng Văn (TX. Ba Đồn) chia sẻ: Trước đây, do chưa có các tàu dịch vụ thu mua hải sản và cung ứng xăng dầu, lương thực, thực phẩm nên tàu cá của ngư dân phải ra vào liên tục, chi phí cho những chuyến đi biển tăng cao. Bên cạnh đó, thỉnh thoảng gặp được luồng cá nhưng không có tàu thu mua nên phải chấp nhận về bờ trong sự tiếc nuối. Mặt khác, cá biển để lâu ngày dù bảo quản tốt cũng sẽ không còn độ tươi ngon nên giá thành thấp hơn.
 
Nhận thấy những bất cập khi không có tàu DVHC nghề cá, năm 2016 anh Nguyễn Văn Hào đã quyết định góp cổ phần cùng một số ngư dân khác đầu tư tàu dịch vụ để thu mua hải sản, tiếp tế nhiên liệu, vật dụng và các nhu yếu phẩm cho các tàu đánh bắt xa bờ tại địa phương cùng như các tàu cá trong tỉnh. Mỗi chuyến đi khoảng 5-6 ngày, thu mua khoảng 40-50 tấn hải sản… Sau khi vào bờ, tàu của anh liên kết với các doanh nghiệp chế biến hải sản, thương lái bao tiêu sản phẩm, không lo bị ép giá. 
 
Hiện, xã Quảng Văn có 44 tàu cá khai thác hải sản xa bờ, trong đó có 8 tàu DVHC, bên cạnh công việc thu mua hải sản thì tàu dịch vụ còn mang giúp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm cho các chủ tàu cá khi cần; hỗ trợ lẫn nhau mỗi lúc gặp rủi ro, tạo chỗ dựa vững chắc trong quá trình đi biển của ngư dân.
 
Tàu dịch vụ trên biển thiếu và yếu
 
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), hiện toàn tỉnh có 35 tàu hậu cần nghề cá (trong đó 12 tàu vừa hoạt động khai thác thủy sản vừa làm thêm nghề hậu cần); trong đó, TP.Đồng Hới 14 tàu, TX. Ba Đồn 18 tàu, Quảng Trạch 3 tàu.
 
Việc phát triển các đội tàu này đã giúp cho quá trình sản xuất trên biển của tàu khai thác trở nên thuận lợi hơn; sản phẩm khai thác được bán với giá cao hơn, giảm chi phí nhiên liệu đi lại. Tuy nhiên, so với số lượng tàu khai thác hải sản xa bờ toàn tỉnh (1.200 chiếc) thì lượng tàu làm DVHC vẫn còn quá ít dẫn đến nhiều tàu khai thác vẫn chưa thể tiếp cận được với các dịch vụ này.
 
Những năm gần đây, đội tàu DVHC nghề cá còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Hiện nay, nhiều tàu cá của ngư dân di chuyển vào vùng biển phía Nam để đánh bắt nên tiếp cận gần hơn với đội tàu hậu cần ở các tỉnh khu vực này. Vì vậy, tàu hậu cần trong tỉnh không cạnh tranh được vì chi phí cao. Ngoài ra, nhiên liệu cao, giá thành sản phẩm bấp bênh, nguồn hải sản ngày càng cạn kiệt nên sản lượng thu mua thấp, nhiều tàu cá thu mua làm ăn không có lãi.
Tàu dịch vụ hậu cần thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu cho đội tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn toàn tỉnh
Tàu DVHC thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu cho đội tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn  tỉnh.
Đặc biệt hiện nay, lô hàng hải sản nhập khẩu vào thị trường các nước phải kê khai thông tin về loài cá đánh bắt, địa điểm khai thác, ngày bắt và loại tàu đánh bắt cùng tất cả các phương tiện tham gia nhưng Quảng Bình hiện chưa có nhà máy chế biến hải sản, các thương lái, tàu dịch vụ sau khi thu mua phải đưa qua các tỉnh khác mới có đủ giấy tờ xuất khẩu nên chi phí tăng cao, gây khó khăn cho các tàu dịch vụ trên biển.
 
Ông Đào Xuân Dũng, xã Bảo Ninh (TP.Đồng Hới) trước đây có 5 tàu DVHC thu mua hàng tươi sống gồm tôm, ghẹ, ốc, cá mú… ở vùng lộng. Ông Dũng cho biết: Hiện đội tàu dịch vụ của ông chỉ còn lại 3 chiếc hoạt động và chỉ hoạt động vào mùa vụ chính đánh bắt còn mùa thu và mùa đông chỉ hoạt động 1 chiếc vì không có hải sản để thu mua. Trước đây, mỗi chuyến thu mua được khoảng 1 tấn tôm, ghẹ nhưng nay chỉ còn 5-7 tạ hải sản là phải vào bờ vì không có hàng để gom.
 
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Lê Ngọc Linh cho biết: Để phát triển các DVHC nghề cá đáp ứng yêu cầu thực tế, thời gian tới, chi cục sẽ tiếp tục tham mưu cho Sở NN-PTNT tổ chức rà soát, sắp xếp lại các hoạt động DVHC nghề cá, nhất là khâu thu mua, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác kinh doanh tiêu thụ hải sản và hậu cần tại cảng, tạo điều kiện cho tàu DVHC ngày càng phát triển.
 
Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh đã ban hành để khuyến khích, tạo động lực cho hoạt động DVHC nghề cá nói chung và đội tàu DVHC nói riêng phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngư dân; mở các lớp tập huấn cho ngư dân làm dịch vụ về công tác cứu nạn, cứu hộ, nắm bắt thông tin hai chiều giữa đất liền và tàu thuyền trên biển, thông tin tình hình về bão, giúp ngư dân yên tâm sản xuất…
 
"Đối với tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, nếu đáp ứng đủ điều kiện tham gia hoạt động dịch vụ trên các vùng biển xa theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg thì sẽ được hỗ trợ kinh phí mua máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp định vị vệ tinh GPS; hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên; hỗ trợ chi phí nhiên liệu cho chuyến biển", ông Lê Ngọc Linh cho biết thêm.
 
Thanh Hoa

tin liên quan

'Từ trang trại đến bàn ăn' - Bài 2: Khó khăn và sức hút

(QBĐT) - "Từ trang trại đến bàn ăn" là mô hình sản xuất nông nghiệp nhiều tiềm năng để phát triển, tuy nhiên với người nông dân không phải ai cũng dám mạo hiểm đầu tư vì lo ngại còn tiềm ẩn khó khăn, thách thức. Nếu biết giải quyết những khó khăn, thách thức này thì mô hình sẽ thực sự có sức hút khó cưỡng với những ai muốn làm nông nghiệp nghiêm túc.

'Từ trang trại đến bàn ăn'

(QBĐT) - Lâu nay, khái niệm nông nghiệp 3F (Feed-Fam-Food) hay còn gọi là "Từ trang trại đến bàn ăn" dường như còn khá mới lạ với không ít người nông dân. Tuy nhiên hiện nay, trên địa bàn tỉnh, những mô hình theo hướng từ trang trại đến bàn ăn đã dần xuất hiện. Với những ưu việt: Sản xuất theo quy trình khép kín, tạo ra sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, sức cạnh tranh cao..., mô hình "Từ trang trại đến bàn ăn" hứa hẹn sẽ tạo sức hút và trở thành xu hướng làm nông nghiệp được nhiều người nông dân hướng đến.

Nỗ lực giữ vững vị thế dẫn đầu nộp ngân sách

(QBĐT) - 3 năm qua (2020-2022) kinh tế cả nước nói chung và hoạt động kinh doanh xổ số nói riêng phải đối mặt với những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, bằng những nỗ lực cố gắng, kịp thời đổi mới chiến lược kinh doanh, thích ứng, linh hoạt với tình hình mới, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Quảng Bình đã trở thành một trong những đơn vị đứng tốp đầu về nộp ngân sách của tỉnh.