Ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp bền vững

  • 11:34 | Thứ Bảy, 28/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV và nhằm tạo "cú hích" cho nông nghiệp phát triển bền vững, Huyện ủy Quảng Trạch đã ban hành chương trình hành động số 6 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) giai đoạn 2021-2025. Sau 2 năm thực hiện chương trình, ngành nông nghiệp Quảng Trạch đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững, đời sống người nông dân được nâng lên.
 
Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNN huyện Quảng Trạch Trần Văn Định cho biết, để tạo động lực mới cho phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ƯDCNC, phòng đã tham mưu UBND huyện ban thành kế hoạch thực hiện chương trình hành động số 6 của Huyện ủy, đồng thời hướng dẫn UBND các xã triển khai thực hiện chương trình theo từng bước cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
 
Theo đó, phòng phối hợp với UBND các xã tiến hành khảo sát thực tế từng địa bàn để có định hướng chỉ đạo và hỗ trợ đầu tư cơ sở sản xuất phù hợp. Nhờ vậy, mặc dù mới triển khai thực hiện nhưng NNƯDCNC trên địa bàn huyện đã tạo ra nhiều sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích được nâng cao. Trong 2 năm qua, huyện Quảng Trạch đã hỗ trợ nông dân trên địa bàn thực hiện 26 mô hình NNƯDCNC, trong đó 10 mô hình trồng trọt, 7 mô hình chăn nuôi, 6 mô hình nuôi trồng thủy sản, 3 mô hình lâm nghiệp.
Mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao của gia đình anh Nguyễn Văn Tiến (xã Quảng Hưng, Quảng Trạch).
Mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao của gia đình anh Nguyễn Văn Tiến (xã Quảng Hưng, Quảng Trạch).
Đã là năm thứ 2 gia đình anh Nguyễn Văn Tiến (SN 1992) ở thôn Hòa Bình, xã Quảng Hưng sản xuất rau củ quả an toàn VietGAP trong nhà lưới. Đây là một trong nhiều mô hình NNƯDCNC được Sở Nông nghiệp-PTNT và UBND huyện Quảng Trạch hỗ trợ đầu tư. Trên diện tích 1.200m2 gia đình anh Tiến trồng 1.400 gốc dưa lưới, 200 gốc dưa bao tử, ngoài ra còn trồng cà chua, mướp đắng...
 
Để cây trồng phát triển tốt, anh Tiến sử dụng phân hữu cơ và vi lượng nhập khẩu để bón cho cây. Giá thể trồng các loại cây rau củ được làm từ xơ dừa xử lý hoai mục theo phương pháp sinh học nên rau quả phát triển tốt, không bị côn trùng gây hại.
 
Theo anh Tiến, sản xuất NNƯDCNC cho hiệu quả vượt trội so với phương pháp trồng rau củ truyền thống, nhất là về tính chủ động trong tưới tiêu, hạn chế được côn trùng, sâu bọ. Nhờ đó, trong 2 năm qua, mô hình sản xuất của gia đình đã cho thu nhập khá, đặc biệt với việc trồng cây dưa lưới bán trong dịp Tết, gia đình anh đã thu lãi hơn 50 triệu đồng/vụ.
 
Để người dân có kiến thức, kỹ thuật thực hiện NNƯDCNC, huyện Quảng Trạch đã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) cho cán bộ cấp xã, cấp thôn và bà con nông dân. Cụ thể, Phòng Nông nghiệp-PTNT đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức 31 lớp đào tạo nghề nông thôn với hơn 1 nghìn lượt người tham gia; đồng thời hàng năm tổ chức các hội nghị đầu bờ với sự tham gia của hàng trăm cán bộ cấp thôn, cấp xã để chuyển giao KHKT về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
 
Bên cạnh đó, một số xã còn tổ chức các đoàn đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất từ các mô hình tiêu biểu trong và ngoài tỉnh. Nhờ vậy, đã từng bước nâng cao kiến thức khoa học và kinh nghiệm sản xuất cho người nông dân, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận và triển khai thực hiện các mô hình NNƯDCNC.
 
Một số công nghệ mới, tiên tiến được áp dụng vào sản xuất, như: Tưới tiết kiệm nước, trồng cây trên giá thể, thủy canh, nuôi cấy mô trong trồng trọt, công nghệ lai tạo giống trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…được ứng dụng vào sản xuất bước đầu mang lại hiệu quả cao, làm tiền đề cho việc mở rộng và phát triển sản xuất NNƯDCNC trên địa bàn huyện trong thời gian tới.
 
Đặc biệt, việc sản xuất NNƯDCNC đã giúp nông dân trên địa bàn huyện chủ động hơn, giảm dần sự phụ thuộc vào thời tiết, giảm dịch bệnh và những tác động bất ngờ của môi trường. Nhờ vậy, nhiều loại cây trồng như nhóm rau, củ, quả được sản xuất quanh năm giúp thu nhập của người sản xuất tăng nhiều lần so với lối sản xuất theo mùa vụ. Một số mô hình sản xuất nông nghiệp được xây dựng theo kết hợp phát triển tham quan du lịch đã làm tăng giá trị thu nhập lên gấp nhiều lần; đồng thời giúp việc quảng bá tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được thuận lợi hơn.
 
Đến nay, trên địa bàn huyện Quảng Trạch có 11 cơ sở nhà màng sản xuất trồng trọt; 17 cơ sở chăn nuôi tập trung; 6 mô hình nuôi trồng thủy sản; 2HTX sản xuất giống cây lâm nghiệp; 10 cơ sở chế biến nông sản có ƯDCNC.
Theo ông Trần Văn Định, các mô hình sản xuất NNƯDCNC trên địa bàn huyện Quảng Trạch đã góp phần tăng năng suất, sản lượng, giá trị của nông sản; từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các cơ sở sản xuất tập trung quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị. Thông qua việc sản xuất NNƯDCNC cũng đã góp phần nâng cao nhận thức, tư duy của người nông dân, giảm dần lối sản xuất truyền thống lạc hậu.
 
Có thể nói, tinh thần mạnh dạn đầu tư sản xuất NNƯDCNC đang được nâng lên trong cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện Quảng Trạch. Các mô hình tổ chức sản xuất, như: Tổ hợp tác, hợp tác xã, công ty TNHH về sản xuất NNƯDCNC ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, tạo ra nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho nhiều hộ gia đình ở khu vực nông thôn của huyện.
 
“Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình hành động số 6 của Huyện ủy trong thời gian tới, Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc sản xuất NNƯDCNC, tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng, giá cả phù hợp, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.Đặc biệt tham mưu cho Sở Nông nghiệp-PTNN, UBND huyện tiếp tục có chính sách hỗ trợ, xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất NNƯDCNC trên địa bàn. Tăng cường tổ chức các lớp đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao KHKT cho nông dân để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh chuyển đổi số, kết nối thông tin, giới thiệu sản phẩm để giải quyết đầu ra cho hàng hóa nông sản”, ông Trần Văn Định nhấn mạnh.
 
Phan Phương

tin liên quan

Toàn tỉnh có 21 tàu cá vươn khơi đánh bắt xuyên Tết

(QBĐT) - Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Quảng Bình có 21 tàu đánh cá xa bờ đăng ký vươn khơi, bám biển khai thác xuyên Tết.

Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường qua thương mại điện tử

(QBĐT) - Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại cho biết, thời gian qua, đơn vị luôn tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu trên sàn thương mại điện tử.

Đón hơn 11.000 lượt khách trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán

(QBĐT) - Ngày 27/1, thông tin từ Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng cho biết, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 (từ ngày 20-26/1), lượng khách đến tham quan tại VQG PN-KB đạt hơn 11.000 lượt khách.