Ngăn chặn hành vi gian lận thương mại điện tử

  • 07:56 | Chủ Nhật, 02/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) thời gian gần đây đã có những bước phát triển đáng kể, đem lại những giá trị, lợi ích to lớn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, đây cũng là nơi mà các đối tượng lợi dụng kẽ hở trong kiểm soát để kinh doanh các mặt hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu hòng trục lợi. 
 
Ông Vũ Quang Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, hiện nay, hàng hoá giới thiệu trên các website bán hàng trực tuyến, mạng xã hội, sàn TMĐT… rất phong phú, đa dạng với hàng nghìn chủng loại sản phẩm, nhiều hình thức dịch vụ giao nhận, thanh toán khác nhau. Việc lợi dụng TMĐT để kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ... hiện đang là vấn đề nhức nhối đối với các cơ quan chức năng.
 
Tại Quảng Bình, hoạt động TMĐT phần lớn là những cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ, họ xem TMĐT là một kênh buôn bán phụ, nhỏ, không xuyên suốt nên không đăng ký hoạt động hay thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước mà chỉ thực hiện bán hàng dưới dạng những bài đăng trên trang cá nhân qua mạng xã hội, mặt hàng được kinh doanh chủ yếu là hoa quả, thực phẩm, mỹ phẩm, đồ ăn vặt tự làm, thức ăn chế biến sẵn, áo quần may sẵn, giày dép...
 
Một số đối tượng đăng trên mạng thấy rất quy mô nhưng thực tế lại kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún, số lượng hàng rất ít, chủ yếu chờ có người mua hàng mới thực hiện đặt hàng; không có kho hàng hay cửa hàng cụ thể; phân tán hàng hóa nhiều nơi; chỉ giao hàng với số lượng dè dặt nhỏ lẻ, khó xác định được kho hàng… nên khi thực hiện thu thập, xác minh thông tin thực tế thì không còn các mặt hàng, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Lực lượng QLTT tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tổ chức, cá nhân sử dụng TMĐT để kinh doanh.
Lực lượng QLTT tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tổ chức, cá nhân sử dụng TMĐT để kinh doanh.
Trước thực trạng đó, bám sát chỉ đạo của cấp trên, Cục QLTT đã chỉ đạo các đội QLTT trực thuộc thực hiện tốt công tác quản lý địa bàn để dự báo, thu thập đầy đủ thông tin về đối tượng, nắm bắt các phương thức thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng hoạt động TMĐT để kinh doanh bất hợp pháp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các đối tượng kinh doanh TMĐT cũng như nhận thức của người tiêu dùng trong việc mua bán, sử dụng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ...
 
Ngoài ra, Cục QLTT cũng đã thành lập tổ công tác về TMĐT do Đội QLTT số 7 chủ trì, thực hiện nắm tình hình, tham mưu cho Cục trưởng để chỉ đạo công tác kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các quy định pháp luật về TMĐT của tổ chức, cá nhân sử dụng các website, các ứng dụng bán hàng trên nền tảng công nghệ số, các trang mạng xã hội để kinh doanh.
 
Cùng với đó, thu thập, tiếp nhận, xác minh thông tin các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong kinh doanh trên môi trường TMĐT; kiểm tra và xử lý các vụ việc, hành vi vi phạm; tuyên truyền, hướng dẫn các cá nhân, tổ chức kinh doanh và người tiêu dùng tự giác, chấp hành thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của nhà nước, không tham gia hoặc tiếp tay cho các hành vi vi phạm trong hoạt động TMĐT.
 
Nhờ đó, nhiều vụ vi phạm đã được Cục QLTT kiểm tra và xử lý. Đơn cử gần đây, ngày 16/8/2022, Đội QLTT số 7 kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Hi Kids có địa chỉ tại số 116 đường Hai Bà Trưng, phường Đồng Phú (TP. Đồng Hới), phát hiện 175 đơn vị sản phẩm thực phẩm bổ sung và thực phẩm các loại do nước ngoài sản xuất có dấu hiệu nhập lậu.
 
Đội đã lập hồ sơ vụ việc trình Cục trưởng Cục QLTT ban hành quyết định xử phạt với tổng số tiền 37,5 triệu đồng, buộc nộp lại số thu lợi bất hợp pháp 2,6 triệu đồng; buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm có giá trị hơn 35 triệu đồng. Được biết, trước đó, qua theo dõi trên facebook “Phạm Lệ Hằng (Shop Hi Kids)”, lực lượng QLTT đã phát hiện các hàng hóa đăng bán có nhiều loại thực phẩm do nước ngoài sản xuất có dấu hiệu nhập lậu.
 
Được biết, từ đầu năm 2022 đến nay, trong lĩnh vực TMĐT, lực lượng QLTT đã thực hiện kiểm tra 20 vụ việc, phát hiện 18 vụ vi phạm, đã xử lý 17 vụ, 1 vụ đang trong quá trình xử lý. Số tiền phạt vi phạm hành chính 296 triệu đồng, tiền bán hàng bị tịch thu hơn 133 triệu đồng, tiền đã nộp ngân sách nhà nước hơn 438 triệu đồng.
 
"Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng kinh doanh trên TMĐT hiện ngày càng tinh vi,thường xuyên đăng ảnh hàng thật, hình ảnh hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với các cửa hàng chính hàng. Các mặt hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại lưu thông trên thị trường nội địa thường được các đối tượng kinh doanh trà trộn với hàng thật, hàng có xuất xứ rõ ràng và có hóa đơn đầy đủ. Chính vì vậy, người tiêu dùng cần cẩn thận khi mua hàng hóa trên TMĐT", Cục trưởng Cục QLTT Vũ Quang Thắng khuyến cáo.
Theo ông Vũ Quang Thắng, để tăng cường hiệu quả hoạt động trong công tác kiểm tra, kiểm soát đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực TMĐT, thời gian tới, Cục QLTT tiếp tục nắm vững diễn biến tình hình thị trường để xây dựng các kế hoạch, phương án, triển khai đồng bộ các hoạt động kiểm tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về TMĐT và lợi dụng TMĐT để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn toàn tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tại địa phương triển khai kịp thời các nhiệm vụ được giao nhằm bảo đảm sự đồng bộ, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ QLTT tại địa phương.
 
Ngoài ra, Cục QLTT tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; chú trọng công tác đào tạo, tập huấn cho lực lượng QLTT về công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, đặc biệt là các kỹ năng liên quan tới điều tra, thu thập chứng cứ, thông tin đối tượng liên quan đến lĩnh vực TMĐT.
 
Thanh Hoa

tin liên quan

Triệu phú vùng cao

(QBĐT) - Từ hai bàn tay trắng, anh Lê Ngọc Thái ở thôn Xuân Sơn, xã Văn Hóa (Tuyên Hóa) đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ đất vườn kém hiệu quả sang trồng giống ổi lê Đài Loan bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Giải ngân 356 tỷ đồng theo Nghị quyết số 11

(QBĐT) - Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30//1/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, NHCSXH tỉnh đã đẩy nhanh việc giải ngân các gói vay. Đến nay, số tiền giải ngân đạt 94% kế hoạch.

Xúc tiến phát triển các sản phẩm du lịch bằng đường hàng không

(QBĐT) - Sở Du lịch Quảng Bình và Cảng hàng không Đồng Hới sẽ hợp tác, chủ động làm việc với các hãng hàng không có tiềm năng phát triển mở đường bay thẳng đến Đồng Hới từ các thị trường trọng điểm.