Di sản xuyên biên giới

  • 07:12 | Thứ Năm, 29/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Núi liền núi, sông liền sông, hai đất nước Việt-Lào cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, cùng sẻ chia nhau sự hào phóng mà thiên nhiên ban tặng. Một di sản xuyên biên giới, kết nối Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) (Quảng Bình, Việt Nam) và VQG Hin Nậm Nô (Khăm Muộn, Lào) sẽ mở ra nhiều cơ hội trong bảo tồn di sản và phát triển du lịch hang động.
 
Kho báu nơi biên giới Việt-Lào
 
VQG Phong Nha-Kẻ Bàng rộng hơn 123.000ha, nằm tại huyện Bố Trạch và Minh Hóa (Quảng Bình). Với đặc trưng các kiến tạo đá vôi dày đặc, PN-KB được ví là “vương quốc hang động” với hơn 400 hang động lớn nhỏ, trong đó hang Sơn Đoòng được Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đánh giá là hang động lớn nhất thế giới. Nơi đây còn sở hữu hệ thống sông ngầm và hệ động thực vật quý hiếm, nhiều loài trong số đó nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới. Với những giá trị quý giá, mang tính toàn cầu về địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học, VQG PN-KB hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. 
Oxalis Adventure đang khai thác nhiều tour mạo hiểm tại Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Ảnh: Oxalis Adventure.
Oxalis Adventure đang khai thác nhiều tour mạo hiểm tại Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Ảnh: Oxalis Adventure.
Phía bên kia biên giới, VQG Hin Nậm Nô thuộc huyện Bualapha (tỉnh Khăm Muộn, Lào) có tổng diện tích hơn 82.000ha. Với hệ sinh thái phong phú nằm trên núi đá vôi liên hoàn, đây là nơi cư trú của đa dạng các loài động thực vật, các loài động vật quý hiếm và nhiều hang động đẹp.
 
PN-KB và Hin Nậm Nô có vị trí liền kề nhau, tiếp giáp bởi hệ thống núi đá vôi trên tuyến biên giới của hai nước Việt-Lào. Theo ông Đinh Huy Trí, Phó Giám đốc Ban Quản lý VQG PN-KB, cả hai vườn quốc gia đều được xem là một trong những khu vực sinh thái có tầm quan trọng trong khu vực Đông Nam Á với khu vực karst rộng lớn có giá trị toàn cầu về đa dạng sinh học. Nơi đây là một khu hệ sinh thái hoàn chỉnh, có biên giới chung. Công tác quản lý, bảo vệ đa dạng sinh học của khu vực PN-KB và Hin Nậm Nô đều có liên quan đến nhau.
 
“Thời gian qua, hai bên đã tích cực triển khai các hoạt động hợp tác chung về bảo tồn sinh học của hai nước Việt-Lào nói chung cũng như của hai tỉnh Quảng Bình và Khăm Muộn nói riêng. Nội dung hợp tác bảo tồn và phát huy các giá trị đa dạng sinh học hai khu vực đều được đưa vào trong các biên bản thỏa thuận hằng năm giữa hai tỉnh, nhằm xác định mục tiêu quan trọng trong công tác quản lý, góp phần bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học và cảnh quan liên biên giới nối liền của hai bên”, ông Trí cho biết thêm.
 
Cần một khung quản lý xuyên biên giới
 
Theo ông Khăm-Keo-La-Than-Ho, Trưởng ban Quản lý VQG Hin Nậm Nô, VQG này đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đề cử thành di sản thiên nhiên thế giới lên UNESCO, thông qua việc trở thành phần mở rộng xuyên biên giới của khu Di sản thiên nhiên thế giới PN-KB. Nếu đề cử được chấp thuận, đây sẽ là khu di sản thiên nhiên thế giới đầu tiên của Lào. Điều này không chỉ dừng lại ở việc mở rộng về diện tích thành 217.000ha mà đồng thời sẽ mở rộng cả các giá trị, hình thành nên một trong những khu bảo tồn vùng karst rộng lớn nhất thế giới. Thời gian qua, đầu mối liên lạc của hai bên cũng thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ thông tin kỹ thuật và phối hợp góp ý đối với các nội dung liên quan trong việc xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận VQG Hin Nậm Nô là di sản thiên nhiên thế giới.
Đại diện Văn phòng UNESCO tại Thái Lan và Lào: “UNESCO luôn khuyến khích việc thành lập 1 khu di sản xuyên biên giới giữa hai vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và Hin Nậm Nô”.
Đại diện Văn phòng UNESCO tại Thái Lan và Lào: “UNESCO luôn khuyến khích việc thành lập 1 khu di sản xuyên biên giới giữa hai vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và Hin Nậm Nô”.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng hồ sơ, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) nhận thấy, hồ sơ đề cử di sản thiên nhiên thế giới sẽ cần có một khung quản lý xuyên biên giới. Ông Jake Brunner, Trưởng đại diện IUCN tại Việt Nam cho biết: “Việc xây dựng khung quản lý xuyên biên giới cần tôn trọng những điều, những giá trị hiện có. Việc quan trọng là cải thiện sự điều phối, chia sẻ thông tin để những chia sẻ đó ngày càng hoàn thiện hơn, bảo đảm việc bảo vệ hiệu quả các giá trị nổi bật toàn cầu của cả hai khu vực”.
 
Ngay tại hội thảo tham vấn về việc xây dựng khung quản lý xuyên biên giới với sự có mặt của các bên liên quan, bà Kamonrat Chayamarit, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Thái Lan và Lào đã giới thiệu nhiều mô hình quản lý của các khu di sản xuyên biên giới hiện có trên thế giới. Đại diện UNESCO cũng khẳng định, quan điểm của Ủy ban Di sản thế giới và UNESCO luôn khuyến khích việc thành lập 1 khu di sản xuyên biên giới giữa hai VQG PN-KB và Hin Nậm Nô. Nếu Hin Nậm Nô được công nhận là khu mở rộng của PN-KB thì cần có sự điều phối, phối hợp để xây dựng một báo cáo chung cho toàn bộ vùng di sản. Điều này sẽ rất cần thiết trong việc trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong tuần tra bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển sinh kế, phát triển du lịch cho cả hai bên.
 
Bắt tay phát triển du lịch
 
Một biên bản hợp tác đã được ký kết giữa hai đơn vị khai thác tour hang động lớn nhất của Việt Nam và Lào là Oxalis Adventure và Green Discovery Laos. Điều này được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh các hoạt động du lịch liên thông giữa hai tỉnh, góp phần mang lại những trải nghiệm có chất lượng cao cho du khách ở cả hai bên biên giới nhưng vẫn bảo tồn được các giá trị thiên nhiên vốn sẵn. Đồng thời, điều quan trọng là những hoạt động du lịch sẽ góp phần hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng địa phương, giảm áp lực cho các vườn quốc gia. 
Du khách tham gia tour khám phá hang động tại Vườn quốc gia Hin Nậm Nô.
Du khách tham gia tour khám phá hang động tại Vườn quốc gia Hin Nậm Nô.
“Chúng tôi nhận thấy sự tương đồng giữa 2 công ty về định hướng và cách phát triển du lịch. Đặc biệt, tuy là cùng chung chí hướng làm du lịch mạo hiểm nhưng mỗi công ty lại có hướng đi độc đáo riêng. Do vậy, chúng tôi quyết định 2 đơn vị sẽ trở thành đối tác của nhau. Đặc biệt, nhân viên của 2 công ty có thể học hỏi lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển du lịch”, ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Oxalis Adventure cho biết.
 
Chương trình hợp tác giữa hai đơn vị sẽ tập trung vào việc trao đổi các chương trình đào tạo về an toàn, bảo tồn, dịch vụ cho nhân viên, quản lý và cộng đồng địa phương; chia sẻ kinh nghiệm quản lý, xây dựng hệ thống và phát triển du lịch cộng đồng. Mục tiêu đặt ra của hai đơn vị là hợp tác phát triển các sản phẩm du lịch xuyên biên giới, từ đó tạo sinh kế bền vững cho người dân sống quanh khu vực biên giới tham gia vào các hoạt động du lịch.
 
Một trong những bước đi đầu tiên trong sự hợp tác du lịch xuyên biên giới giữa hai công ty chính là áp dụng chính sách “xiều Oxalis”-giảm giá 10% cho các khách đã từng tham gia một tour bất kỳ của Green Discovery Laos khi đi tour của Oxalis Adventure. Ngược lại, những du khách đã từng đi tour của Oxalis Adventure cũng được giảm giá 10% khi tham gia tour của Green Discovery Laos.
 
Diệu Hương

tin liên quan

37 sản phẩm được công nhận OCOP

(QBĐT) - Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2019-2021, đến nay, toàn huyện có 37/94 sản phẩm của tỉnh được công nhận sản phẩm OCOP.

Giá trị sản xuất CN-TTCN tăng 16,5%

(QBĐT) - Huyện Bố Trạch đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp. Nhờ đó, trong 8 tháng năm 2022, giá trị sản xuất CN-TTCN toàn huyện đạt trên 1.300 tỷ đồng.
 

Đóng cửa tạm thời Cảng Hàng không Đồng Hới từ 22 giờ ngày 27/9

(QBĐT) - Thông tin từ Cảng Hàng không Đồng Hới cho biết, đơn vị sẽ thực hiện đóng cửa tạm thời trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày 27/9 đến 20 giờ ngày 28/9/2022 do ảnh hưởng của bão số 4 (bão Noru).