Mùa bưởi ngọt ở Kim Hóa

  • 06:40 | Chủ Nhật, 25/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm gần đây, giống bưởi Phúc Trạch trồng trên vùng rẻo cao xã Kim Hóa (Tuyên Hóa) đã khẳng định được chất lượng. Nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đã biết đến loại bưởi này vì độ ngon ngọt, múi dày, đều và tép bưởi mọng nước. Năm nay, người trồng bưởi Kim Hóa rất phấn khởi khi loài cây này cho một vụ mùa bội thu, nhiều thương lái đã đến tận vườn để đặt hàng.
 
Xã Kim Hóa trước đây là địa phương có diện tích cây cao su lớn nhất nhì huyện Tuyên Hóa. Cây cao su được chính quyền và người dân nơi đây xem như là một trong những mũi nhọn, tạo sự đột phá mạnh mẽ về phát triển kinh tế. Không ít người tiên phong đã đổi đời nhờ loài “vàng trắng” này. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, giá cao su đột ngột giảm mạnh, kéo dài liên tục trong nhiều năm khiến người dân lao đao. Chưa kể, nhiều diện tích cao su bị đổ gãy do bão... gây thiệt hại đáng kể.
 
Trước thực trạng này, chính quyền địa phương đã vận động người dân tiếp tục bảo vệ, chăm sóc các vườn cao su bị thiệt hại nhẹ, mặt khác khuyến khích các hộ có vườn bị gãy đổ nhiều chuyển đổi cây trồng để tăng thu nhập và tránh rủi ro do thiên tai, chú trọng phát triển vườn cây có múi, trong đó có cây bưởi Phúc Trạch.
 
Được “khai sinh” từ vùng đất Phúc Trạch (Hà Tĩnh), giờ đây giống bưởi này đã được nhân rộng trên 60ha ở Kim Hóa, trong đó có 2 mô hình đã xây dựng được nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc và chứng nhận sản phẩm đủ tiêu chuẩn VietGAP. Giống bưởi Phúc Trạch "bén đất" Kim Hóa đã thực sự chinh phục được những vị khách sành ăn bởi vị ngọt thanh mát, múi bưởi dày và đều nhau, khi bóc ra múi bưởi mọng nước.
Vườn bưởi của anh Nguyễn Văn Sơn cho mùa bội thu năm nay.
Vườn bưởi của anh Nguyễn Văn Sơn cho mùa bội thu năm nay.
Người tiên phong đưa giống bưởi Phúc Trạch về trồng ở địa phương là ông Nguyễn Văn Minh, thôn Kim Lũ 1. Ông Minh chia sẻ: Giống bưởi này được ông đưa về trồng ở đất Kim Hóa hơn 18 năm trước. Mặc dù đây là giống bưởi cho quả to, ngọt nhưng ban đầu, do không biết cách chăm sóc nên năng suất đạt thấp. Năm 2015, ông ra Hà Tĩnh tham quan mô hình bưởi Phúc Trạch, quyết tâm học hỏi kỹ thuật. Nhờ đó, ông đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chú trọng đến việc thụ phấn cho hoa nên những năm gần đây, gia đình ông thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình trồng bưởi Phúc Trạch. "Năm nay, vườn bưởi có khoảng 60.000 quả, nếu được giá như năm 2020 thì sẽ thu về cho gia đình gần 1 tỷ đồng" ông Minh ước tính.
 
Từ hiệu quả của mô hình chuyển đổi sang trồng bưởi Phúc Trạch của ông Nguyễn Văn Minh, nhiều người dân xã Kim Hóa đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng bưởi. Điển hình có mô hình của anh Nguyễn Văn Sơn, thôn Kim Lịch. Được biết, vùng đất trồng bưởi của gia đình anh Lịch trước đây là đất hoa màu trồng lạc và ngô. Tuy nhiên, do hiệu quả kinh tế thấp nên năm 2016, gia đình anh đã cải tạo để trồng bưởi Phúc Trạch.
 
Để chuẩn bị nguồn giống, anh Lịch đã chiết giống từ các gốc bưởi già được gia đình anh trồng trước đó. Tuy nhiên, khi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở các chủ vườn ở Phúc Trạch (Hà Tĩnh), anh được biết giống bưởi chiết cây thường yếu, dễ chết, sinh bệnh…Vì vậy, anh đã bỏ hết giống bưởi chiết, bán chiếc xe máy, phương tiện đi lại duy nhất của gia đình để lấy tiền mua giống bưởi ghép về trồng.
 
Chia sẻ bí quyết để cho vườn bưởi năng suất và giữ được vị ngon ngọt vốn có, anh Sơn cho biết: Khi trồng bưởi diện tích lớn thì quan trọng nhất vẫn là khâu chọn giống và cách chăm sóc. Giống phải có nguồn gốc xuất xứ, không mua trôi nổi trên thị thường. Tiếp đến là cách chăm bón, muốn cây bưởi to, khỏe thì không nên cho trái sớm, vì nếu cho trái sớm, cây sẽ mất sức, những năm tới bưởi sẽ cho năng suất thấp. Khi cây có trái rồi, người dân nên chăm bón thường xuyên, theo dõi sâu bệnh để phòng trừ. Khi cây đến độ cho trái thì mỗi năm phải bón phân 3 lần, bón cho cây ra hoa và lộc vào dịp đầu xuân, bón phân để nuôi quả khi cây ra trái và bón khi thu hoạch xong để cây phục hồi sức.
 
Hiện vườn bưởi của anh Sơn có 1.000 gốc, khoảng 60% vườn đã cho trái vụ thứ 2 với giá bàn từ 15-20 nghìn đồng/kg tùy kích cỡ. Giờ đây, cứ đến vụ bưởi, không cần gọi điện, thương lái đã tự tìm đến nhà anh để thu mua. Thỏa thuận xong giá, thương lái tự hái và mang đi tiêu thụ.
 
"Hiện xã Kim Hóa đang hướng dẫn, hỗ trợ cho các gia đình trồng bưởi thành lập hợp tác xã để hợp tác sản xuất hàng hóa các sản phẩm cây có múi với quy mô lớn, chất lượng cao, gắn liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, hướng tới tham dự sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đây là “cánh cửa” mở cơ hội lớn hơn cho quả bưởi thâm nhập sâu hơn và khẳng định chỗ đứng trên thị trường nông sản", ông Hoàng Anh Tuấn cho biết thêm.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Kim Hóa cho biết: Để giúp người dân phát triển mở rộng diện tích trồng bưởi, thời gian qua, xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở nhiều lớp tập huấn và dạy nghề về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả có múi nhằm đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào phát triển nhân rộng vùng bưởi ngọt…
 
Bên cạnh đó, địa phương cũng đã đã lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc chương trình 135, vốn chương trình xây dựng nông thôn mới và các nguồn hỗ trợ bên ngoài để hỗ trợ người dân mua cây giống, phân bón nhằm chuyển đổi sang trồng bưởi. Hiện bưởi Phúc Trạch đang là cây ăn quả mang lợi ích kinh tế cao cho nhân dân trong xã, nhiều hộ giàu lên từ cây bưởi. Do đó, địa phương sẽ tiếp tục chỉ đạo, tập trung mọi biện pháp để bảo vệ, nhân rộng và phát triển giống bưởi này.
 
Việc mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng quy mô diện tích hy vọng sẽ mở ra cơ hội cho người nông dân, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa, tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, người dân vẫn còn đó nỗi lo "được mùa, mất giá", cùng với việc mở rộng diện tích trồng bưởi, chính quyền địa phương cũng như người dân mong muốn sự vào cuộc của các cấp, ngành, doanh nghiệp trong việc tiêu thụ, đưa sản phẩm ra thị trường.
 
Thanh Hoa

tin liên quan

Cá quẫy trên cát…

(QBĐT) - Vùng biển bãi ngang xã Ngư Thủy (Lệ Thủy) mấy năm gần đây phong trào nuôi cá lóc trên cát phát triển khá rầm rộ, tạo sinh kế bền vững và mang lại thu nhập đáng kể cho người dân. Nhưng, để mô hình nuôi cá lóc thực sự phát triển bền vững hơn trên vùng cát Ngư Thủy vẫn là câu chuyện còn nhiều trăn trở ở phía trước…

Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh

(QBĐT) - Ngày 22/9, đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 14/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh.

Cục Thuế tỉnh: Triển khai chương trình "Hoá đơn may mắn"

(QBĐT) - Trong tháng 10/2022, Cục Thuế tỉnh sẽ tổ chức chương trình "Hóa đơn may mắn" đối với các hóa đơn điện tử đã lập trong quý II/2022.