Thu nhập ổn định từ nghề sản xuất nước mắm truyền thống

  • 15:04 | Thứ Ba, 27/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với nghề làm nước mắm thủ công truyền thống của cha ông để lại, gia đình bà Cao Thị Nịnh ở xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm cho hàng chục lao động.
 
Đến làng biển Cảnh Dương, hỏi thăm “thương hiệu” nước mắm Hiền Dục của gia đình bà Cao Thị Nịnh ai cũng biết, bởi đây là một trong những cơ sở chế biến nước mắm lớn và nổi tiếng nhất ở xã Cảnh Dương. Bà Nịnh cho biết, gia đình bà có truyền thống nhiều đời làm nghề sản xuất nước mắm, riêng bà cũng đã theo nghề này gần 40 năm.
 
Trong khi nhiều nơi ngày càng cải tiến việc sản xuất nước mắm để làm sao có lợi nhuận cao nhất thì gia đình bà Nịnh vẫn duy trì công thức chế biến truyền thống. Những công đoạn sơ chế nguyên liệu, ủ muối hay chưng cất đều được tiến hành kỹ lưỡng để tạo ra sản phẩm nước mắm mang tên “Hiền Dục” chất lượng tốt nhất.
 
Theo bà Nịnh, hiện ngoài việc bảo đảm tốt nhất chất lượng đầu ra, bà rất quan tâm đến khâu thu mua nguyên liệu đầu vào để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Gia đình bà không làm nước mắm theo mùa vụ như đa số những hộ dân khác đang theo nghề này do luôn chủ động được nguyên liệu đầu vào. Vì vậy, cơ sở sản xuất nước mắm của bà có thể chưng cất mắm quanh năm, kể cả những khi mất mùa, tàu thuyền không ra khơi đánh bắt được.
Sản phẩm nước mắm Hiền Dục đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh và được khách hàng trong, ngoài tỉnh ưa chuộng.
Sản phẩm nước mắm Hiền Dục đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh và được khách hàng trong, ngoài tỉnh ưa chuộng.
Bà Nịnh tự tìm ra cách bảo quản, trữ kho nguyên liệu tốt nhất, nên không sợ thời tiết xấu kéo dài. Bởi vậy nên cơ sở làm nước mắm của bà lúc nào cũng có sản phẩm bán cho khách hàng. Trung bình mỗi năm, cơ sở thu mua khoảng 40 tấn cá cơm và ruốc, xuất bán thường xuyên ra thị trường từ 30-40 nghìn lít nước mắm, thu lãi trên 300 triệu đồng, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
 
Bà Nịnh luôn tham gia đầy đủ các khóa tập huấn về công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để đem lại cho khách hàng sản phẩm an toàn tuyệt đối. Nhờ có thương hiệu nên sản phẩm nước mắm Hiền Dục của gia đình bà chinh phục được thị trường trong và ngoài tỉnh. Năm 2021, thương hiệu nước mắm Hiền Dục của bà Nịnh đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.
 
Ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho biết, đến nay trên địa bàn xã, ngoài cơ sở sản xuất nước mắm Hiền Dục, còn có hơn 50 hộ dân chuyên sản xuất các loại nước mắm, mắm ruốc, hải sản khô các loại, tập trung ở các thôn Trung Vũ, Yên Hải, Đông Cảng và khu vực làng nghề. Là địa phương chuyên khai thác thủy hải sản, nên các hộ dân làm nghề chế biến hải sản luôn thu mua được nguồn nguyên liệu bảo đảm. Nhờ vậy, các sản phẩm làm ra giàu giá trị dinh dưỡng, chất lượng thơm ngon, được thị trường ưa chuộng.
 
Lâm An

tin liên quan

Tín dụng chính sách thúc đẩy nông nghiệp phát triển

(QBĐT) - Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội (CSXH) đã được đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Với lãi suất ưu đãi, nguồn vốn tín dụng đã thu hút người dân vay vốn để đầu tư phát triển các mô hình nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu nông-lâm-ngư nghiệp, qua đó góp phần thúc đẩy sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tích cực.

Người nông dân và cơ hội làm giàu

(QBĐT) - Mặc dù số tiền vay tín dụng chính sách xã hội (CSXH) dành cho hộ nghèo không lớn, nhưng với sự đầu tư khôn khéo của người dân, nguồn vốn này đã phát huy tác dụng và trở thành điểm tựa để họ vươn lên thoát nghèo. Từ nguồn vốn tín dụng CSXH, cơ hội làm giàu của người nghèo trở nên dễ dàng hơn.
 

Quyết định về sửa đổi, bổ sung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh

(QBĐT) - Ngày 21/9, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 38/QĐ-UBND về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.