Xanh thêm vùng gò đồi…

  • 06:41 | Chủ Nhật, 25/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với tiềm năng, lợi thế sẵn có về đất đai, gần đây, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình kinh tế trên vùng gò đồi tại một số địa phương ở huyện Lệ Thủy đã mang lại thu nhập cao, giúp người dân giảm nghèo bền vững. Nhưng, để cho vùng đồi thêm xanh, mùa quả thêm ngọt, trong chiến lược phát triển kinh tế vùng gò đồi ở Lệ Thủy vẫn còn nhiều câu chuyện đáng bàn…
 
Khai khẩn vùng gò đồi
 
Gia đình bà Trần Thị Luân (thôn Tân Đa, xã Tân Thủy) là một trong những người đi tiên phong ở địa phương mạnh dạn cải tạo, chuyển đổi giống cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để biến vùng đất đồi khô cằn năm xưa chỉ chuyên độc canh trồng keo, thông sang trồng chuyên canh các loại cây đặc trưng, có thế mạnh của địa phương.
 
Bà Luân kể rằng: “Xưa vùng đất này đìu hiu, khó khăn lắm. Trước kia, trên diện tích hơn 3ha đất sản xuất của gia đình chỉ trồng keo, sau 4-5 năm mới thu về được hơn 50 triệu đồng/ha. Cây chủ lực trong vườn của gia đình là hồ tiêu, sau bao nhiêu năm đưa vào trồng cứ héo quắt, bị sâu bệnh mà chết nên thu nhập không đáng kể. Năm 2018, gia đình đã mạnh dạn cải tạo, chuyển đổi hơn 8 sào đất trồng keo sang trồng chuyên canh một số loại cây, như: Mít, cam, bưởi, chuối… Thu nhập từ vườn đồi này gia đình tôi ngót nghét cũng được hơn 100 triệu đồng/năm...”.
 
Chủ tịch UBND xã Tân Thủy Trần Văn Lương cho hay, gia đình bà Luân chỉ là một trong số 45 hộ dân ở địa phương thực hiện chuyển đổi đất trồng kém hiệu quả, cải tạo vườn tạp để trồng những cây có giá trị kinh tế cao, như: Cam, bưởi, ổi..., nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Hiện, địa phương đã thực hiện chuyển đổi thành công hơn 30ha đất vùng gò đồi và xem phát triển kinh tế vùng gò đồi là chủ lực trong chiến lược phát triển kinh tế bền vững ở địa phương…
 
15 năm trước, gia đình chị Lê Thị Thơm (thôn Giang Sơn, xã Trường Thủy) bắt đầu vào vùng xóm Lầy để tiến hành đào ao thả cá, trồng rừng. Năm 2018, nhận thấy hiệu quả từ việc trồng rừng kinh tế cho thu nhập không cao, gia đình chị đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cam để nâng cao thu nhập. 
Bà Trần Thị Luân, xã Tân Thủy chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình.
Bà Trần Thị Luân, xã Tân Thủy chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình.
“Hiện, gia đình tôi đã chuyển đổi được 1ha đất rừng sang đầu tư bài bản mô hình trồng cam. Vườn cam của gia đình đến nay đã cho thu hoạch 2 vụ, mỗi vụ cũng đạt sản lượng hơn 5 tấn. Từ trồng cam, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập hơn 100 triệu đồng. Ngoài trồng cam, tôi còn tận dụng diện tích vùng gò đồi để phát triển chăn nuôi bò, gà… Mấy năm trước, gia đình thuộc diện khó khăn ở địa phương nhưng nay nhờ phát triển kinh tế vùng gò đồi, cuộc sống đã vơi bớt nhọc nhằn…”, chị Thơm chia sẻ.
 
Trong câu chuyện với chị Thơm, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Thủy Nguyễn Văn Tường tiếp lời: Hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng gò đồi ở địa phương thì đã rõ. Đến nay, Trường Thủy có khoảng 600 hộ dân đã thực hiện chuyển đổi những vùng đất kém hiệu quả, cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, như: Cam, bưởi, mít thái, na, ổi… với diện tích ước khoảng 40ha, riêng diện tích trồng cam khoảng 26ha. Mỗi vụ thu hoạch cam ở Trường Thủy, nhiều hộ gia đình có diện tích lớn, thu nhập đạt hơn trăm triệu đồng…
 
Để kinh tế vùng đồi tỏa sáng
 
Vùng gò đồi của huyện Lệ Thủy có diện tích hơn 45.000ha với 14 xã, thị trấn. Trước đây, đất gò đồi của địa phương chủ yếu trồng các loại cây: Keo, tràm, cao su, thông, tiêu… Những năm qua, nhiều diện rừng trồng bị thoái hóa do biến đổi khí hậu, hiệu quả kinh tế thấp. Do vậy, việc chính quyền các địa phương, người dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình mà còn góp phần mở ra những hướng đi mới cho nền sản xuất nông nghiệp của địa phương.
 
Chủ tịch UBND xã Tân Thủy Trần Văn Lương trăn trở rằng, hiện diện tích rừng của địa phương có trên 500ha, 7/12 thôn ở đây đều có đất rừng. Trước đây, người dân chỉ tập trung trồng trọt theo hình thức quảng canh (trong vườn cây gì cũng trồng), nay được tuyên truyền vận động, người dân đã mạnh dạn chuyển sang hình thức chuyên canh một loại cây trồng để cho thu nhập cao hơn…
 
“Muốn phát triển kinh tế vùng gò đồi, các hộ dân phải có kinh phí để đầu tư mua giống, cải tạo vườn… Hàng năm, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các thôn khảo sát các hộ có diện tích, nhu cầu để thực hiện chuyển đổi. Trước đây, trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, mỗi hộ chuyển đổi được chính quyền hỗ trợ 5 triệu đồng. Hiện kinh phí địa phương hạn hẹp nên không thể hỗ trợ cho người dân, đấy là một trong những khó khăn mà địa phương đang gặp phải trong chiến lược phát triển kinh tế vùng gò đồi...”, Chủ tịch UBND xã Tân Thủy cho biết.
 
Gần cả tháng nay, chị Nguyễn Thị Thơm, xã Trường Thủy phải tất bật ngược xuôi về tận các xã Cam Thủy, Hồng Thủy (cách nhà gần 20km) để nhập cam cho những người mua nhỏ lẻ. Đang vào vụ cam, nên công việc của chị Thơm ngày nào cũng bận bịu từ sáng đến tối mịt mới xong.
 
“Vụ cam này, gia đình tôi được mùa, ngày bán ít nhất được 1 tạ, cao điểm nhất là 2 tạ. Cam vào vụ mà người mua thì ít, kẻ bán thì nhiều. Với người nông dân trồng cam hiện nay, sức cản lớn nhất đó chính là tìm đầu ra cho nông sản. Hiện, người trồng cam ở đây đang phải tự lực cánh sinh, loay hoay giữa thị trường đầy biến động để tiêu thụ sản phẩm do chính mình làm ra…”, chị Thơm chia sẻ.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Trường Thủy Nguyễn Văn Tường cho hay, diện tích thu hoạch cam năm nay ở địa phương khoảng 18ha, ước đạt tổng sản lượng hơn 180 tấn. Đến giờ, bà con nông dân gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Để hỗ trợ bà con, chính quyền xã phải thông qua một số kênh ở huyện thực hiện công tác “giải cứu” nông sản cho bà con. Đến nay, đã có hơn 6,5 tấn cam được “giải cứu” trong tổng số hơn 35 tấn cam bà con cần hỗ trợ…
 
“Mỗi năm địa phương thực hiện chuyển đổi từ 4-5ha đất trồng kém hiệu quả sang trồng cam. Trong tương lai, vùng chuyên canh cây cam sẽ mở rộng, vì vậy, việc tìm giải pháp bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu cam Trường Thủy và hướng dẫn người dân trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap, kết nối với các doanh nghiệp, tỉnh bạn để thu mua sản phẩm cho bà con đang được địa phương triển khai…”, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Thủy bộc bạch.
 
"Để phát triển kinh tế vùng gò đồi theo hướng bền vững và hiệu quả, thời gian tới, huyện Lệ Thủy sẽ định hướng, tuyên truyền, nhân rộng một số mô hình hiệu quả, trong đó, tập trung ưu tiên công tác quy hoạch phù hợp với từng địa phương. Bên cạnh đó, huyện sẽ tập trung phát triển chăn nuôi, kinh tế rừng, kinh tế trang trại, gia trại sản xuất công nghệ cao; tăng cường công tác tập huấn cho người dân, tạo các chuỗi liên kết sản phẩm. Đối với các địa phương đang khó khăn về tiêu thụ nông sản, huyện sẽ chỉ đạo tiến hành xây dựng thương hiệu, nhãn mác để nâng cao chất lượng sản phẩm…", Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Nguyễn Hữu Hán cho biết. 
Ngọc Hải
 
 

tin liên quan

Mùa bưởi ngọt ở Kim Hóa

(QBĐT) - Những năm gần đây, giống bưởi Phúc Trạch trồng trên vùng rẻo cao xã Kim Hóa (Tuyên Hóa) đã khẳng định được chất lượng. Nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đã biết đến loại bưởi này vì độ ngon ngọt, múi dày, đều và tép bưởi mọng nước. Năm nay, người trồng bưởi Kim Hóa rất phấn khởi khi loài cây này cho một vụ mùa bội thu, nhiều thương lái đã đến tận vườn để đặt hàng.

Cá quẫy trên cát…

(QBĐT) - Vùng biển bãi ngang xã Ngư Thủy (Lệ Thủy) mấy năm gần đây phong trào nuôi cá lóc trên cát phát triển khá rầm rộ, tạo sinh kế bền vững và mang lại thu nhập đáng kể cho người dân. Nhưng, để mô hình nuôi cá lóc thực sự phát triển bền vững hơn trên vùng cát Ngư Thủy vẫn là câu chuyện còn nhiều trăn trở ở phía trước…

Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh

(QBĐT) - Ngày 22/9, đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 14/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh.