Nâng cao hiệu quả sử dụng các công trình nước sạch

  • 10:59 | Thứ Năm, 30/06/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Giữa mùa nắng hạn, trong khi nhu cầu về nguồn nước sinh hoạt trở nên bức thiết thì tại nhiều địa phương, nhất là khu vực nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh, nhiều công trình cấp nước hư hỏng, ngưng hoạt động khiến người dân thiếu nước sinh hoạt.
 
Để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, những năm qua, tỉnh Quảng Bình luôn quan tâm xây dựng các công trình cấp nước sạch đến người dân, nhất là ở các vùng quê, khu vực còn nhiều khó khăn. Từ các nguồn vốn đầu tư, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đã được xây dựng để phục vụ nhu cầu của người dân. 
 
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 118 công trình cấp nước tập trung nông thôn, trong đó có khoảng 80% công trình đang hoạt động, 20% công trình ngưng hoạt động. Mặc dù số công trình ngưng hoạt động giảm 6% so với năm 2020 nhưng tỷ lệ công trình kém bền vững tăng 19%, công trình hoạt động tương đối bền vững giảm 14%.
 
Xã Liên Trạch (Bố Trạch) có 1.044 hộ dân. Trên địa bàn có 1 công trình nước sạch được xây dựng từ năm 2009, cung cấp nước cho người dân 2 thôn Phú Kinh và Phú Hữu. Tuy nhiên, từ năm 2017, đập dâng không giữ được nước, bị bùn đất bồi lấp, tắc đường ống nên công trình đã ngừng hoạt động.
 
Ông Đinh Xuân Chinh, Chủ tịch UBND xã Liên Trạch cho biết: “Công trình được xã giao cho các thôn tự quản lý và cử người trông coi. Khi hư hỏng, địa phương cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn các hộ dân được hưởng lợi sửa chữa, khắc phục. Tuy nhiên những năm gần đây, nguồn nước đầu nguồn bị khô cạn, bùn đất vùi lấp hoàn toàn đập dâng, dù sửa chữa thì nguồn nước cung cấp cho người dân vẫn bị thiếu nên họ không đồng ý sửa chữa. UBND xã cũng không có nguồn kinh phí cho việc này nên công trình bỏ không nhiều năm nay".
 Đập dâng không giữ được nước, bị bùn đất bồi lấp, tắc đường ống nên công trình nước tự chảy ở xã Liên Trạch (Bố Trạch) đã ngừng hoạt động.
Đập dâng không giữ được nước, bị bùn đất bồi lấp, tắc đường ống nên công trình nước tự chảy ở xã Liên Trạch (Bố Trạch) đã ngừng hoạt động.
Được biết, hiện người dân xã Liên Trạch chủ yếu dùng nước giếng đào, giếng khoan, nước suối tự chảy nhưng phần lớn giếng ở đây nhiễm phèn nặng, không dùng được. Vào mùa hè nắng gay gắt thì 70% giếng đào của các hộ dân nơi đây đều cạn nước, người dân phải mua nước bình về nấu nướng, dùng nước sông suối, nước giếng khoan để sinh hoạt. Mong ước của bà con là được đầu tư công trình nước sạch qua xử lý để toàn dân đều có nước sạch sử dụng, đồng thời xã đạt tiêu chí nước sạch để về đích nông thôn mới năm 2022.
 
Xã Quảng Hợp (Quảng Trạch) cũng tương tự khi địa phương có 3 công trình nước sạch nhưng chỉ có công trình nước sạch ở thôn Bưởi Rỏi là phát huy hiệu quả, cung cấp đủ nước cho 350 hộ dân. Riêng 2 công trình ở thôn Hợp Trung và thôn Thanh Xuân được xây dựng hơn 20 năm trước, đến nay đã hư hỏng nặng, nguồn nước đầu nguồn bị đất đá bồi lấp và cạn kiệt nên đã ngừng hoạt động. Thời gian gần đây, công trình nước sạch Thanh Xuân được duy tu, sửa chữa nhưng vào mùa khô, nguồn nước đầu nguồn không đủ để cung cấp nước cho các hộ dân.
 
Người dân mong muốn có nguồn nước sạch qua xử lý để sử dụng vì giếng đào và giếng khoan qua các cuộc kiểm định chất lượng nước có lượng phèn, chì, vôi khá cao. Đặc biệt, mùa nắng gay gắt thì giếng khoan, giếng đào đều bị cạn, nhiều hộ gia đình phải đi xin nước hoặc dùng nước khe suối, rất vất vả.
 
Ông Bùi Thái Nguyên, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn cho biết: Các công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân nông thôn, khu vực miền núi trên địa bàn tỉnh có thực trạng chung đó là đã đầu tư lâu năm, quy mô nhỏ lẻ, không đồng bộ, phần lớn các công trình tự chảy, công nghệ xử lý nước đơn giản và lạc hậu. Đặc biệt, nguồn nước của các công trình chủ yếu lấy từ khe suối nhỏ. Trước đây, rừng tự nhiên chiếm diện tích lớn nên khe suối nhiều nước nhưng thời gian gần đây, chất lượng thảm thực vật vùng sinh thủy ngày càng suy giảm, ảnh hưởng đến lưu lượng nguồn nước thô, khe suối bị cạn trong mùa nắng nóng kéo dài làm cho nhiều công trình ngưng hoạt động.
 
Bên cạnh đó, công tác quản lý đầu tư sau xây dựng ở các công trình nước sạch chưa được quan tâm đúng mức, thiếu quy trình quản lý, vận hành. Các địa phương đều thiếu cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ nên công tác duy tu, bảo dưỡng sau đầu tư gần như không được thực hiện, một phần cũng do thiếu kinh phí vì không thu được tiền nước của bà con nên không thể duy tu, bảo dưỡng khi xảy ra sự cố. Ngoài ra, ở Quảng Bình, thời tiết vô cùng khắc nghiệt, vào mùa nắng thì nguồn nước đầu nguồn thường bị cạn kiệt, xâm nhập mặn nên làm ảnh hưởng đến hiệu quả của công trình, về mùa mưa lũ thì nhiều công trình bị cuốn trôi hoặc bị đất đá bồi lấp đập dâng, gây hư hỏng đường ống…
 
Trước thực trạng nhiều công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung kém hiệu quả, Sở NN-PTNT đã tiến hành rà soát và nâng cấp, cải tạo một số công trình bằng các nguồn vốn khác nhau; chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp, đơn vị nhận đầu tư và quản lý, khai thác công trình; tổ chức tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý các công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh truyền thông về bảo vệ và sử dụng các công trình nước sạch nông thôn…
 
Ông Trần Xuân Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho rằng: Để các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung phát huy hiệu quả, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 4476/QĐ-UBND, ngày 20/12/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án “Nâng cao hiệu quả khai thác, vận hành và sử dụng bền vững các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung”; tiếp tục điều chuyển công trình từ UBND cấp xã sang cho các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng, nhiệm vụ và kinh nghiệm về cấp nước; đồng thời xây dựng và thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá nước sạch nông thôn; thực hiện bù chéo chi phí trong quản lý vận hành công trình cấp nước cho tất cả các công trình làm căn cứ khai thác và quản lý, từ đó trích kinh phí thu được để tái đầu tư, duy tu, sửa chữa. Mặt khác, tiếp tục khai thác các nguồn vốn, trong đó có nguồn xã hội hóa để đầu tư nâng cấp sửa chữa và duy tu bảo dưỡng các công trình nhằm phát huy hiệu quả tối đa, lâu dài cho người dân.
 
"Để tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch ngày càng tăng, tại các địa phương chưa có công trình nước sạch, hoặc công trình đã hư hỏng nặng, không thể duy tu, sửa chữa thì nên đầu tư mới, lấy nguồn nước từ hồ chứa lớn và liên kết các công trình nhỏ lẻ với nhau để dễ dàng quản lý và phát huy hiệu quả. Những công trình đang hoạt động hiệu quả cần mở rộng và nâng cấp để đáp ứng nhu cầu nước sạch của người dân hiện nay", ông Trần Xuân Tiến cho biết thêm.
Thanh Hoa
 
 

tin liên quan

Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

(QBĐT) - Với nhiều cách làm sáng tạo, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT), công nghệ mới vào sản xuất, nhiều nông dân ở huyện Lệ Thủy đã thành công với các mô hình kinh tế hiệu quả.

Du lịch vào mùa cao điểm

(QBĐT) - Những hàng quán tấp nập. Bãi biển đông đúc người. Vào dịp cuối tuần, nhiều điểm, tuyến du lịch đón hơn 1.000 lượt khách mỗi ngày... Du lịch Quảng Bình đã thực sự bước vào mùa cao điểm nhất trong năm.

Mỹ tiếp tục trừng phạt và cấm nhập khẩu vàng của Nga

Thông báo của Bộ Tài chính cho biết Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 70 thực thể, trong đó nhiều thực thể có liên quan đến lĩnh vực quân sự của Nga; đồng thời cấm nhập khẩu vàng của nước này.