Mở hướng đi cho rừng "03"

  • 10:43 | Thứ Ba, 28/06/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-UBND, ngày 19/3/2019 của UBND tỉnh vềtăng cường thực hiện các biện pháp quản lý rừng, quản lý đất lâm nghiệp và phòng cháy chữa cháy rừng (sau đây gọi là Chỉ thị số 03), huyện Tuyên Hóa đã triển khai phương án xử lý đất rừng vi phạm theo quy định. Theo phương án, huyện sẽ mở "hướng đi mới" cho hàng nghìn ha rừng “03” bằng việc để người dân khai thác hết diện tích cây trồng trên đất vi phạm và trồng lại rừng bằng cây bản địa...
 
Thời gian qua, việc trồng rừng kinh tế tại huyện Tuyên Hoá phát triển mạnh, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, cải thiện môi trường sinh thái của địa phương. Tuy nhiên, tình trạng chặt phá rừng tự nhiên và lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật để trồng rừng sản xuất vẫn còn tồn tại, diện tích vi phạm khá lớn, việc xử lý vi phạm gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tổng diện tích rừng vi phạm theo Chỉ thị số 03 toàn huyện có trên 3.700ha. Trong đó, nhiều nhất là diện tích đất rừng tự nhiên tự ý chuyển đổi và đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm.
 
Ông Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hoá cho biết: “Để giải quyết hàng nghìn ha đất lâm nghiệp vi thạm theo Chỉ thị số 03, huyện đã xây dựng và triển khai phương án xử lý vi phạm về phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp và tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng trái pháp luật. Mục tiêu của phương án là xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm về đất lâm nghiệp, góp phần thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và quản lý đất đai trên địa bàn”.
 
Thời gian thực hiện phương án từ năm 2022 đến hết năm 2024. Theo phương án, diện tích đất có nguồn gốc từ rừng tự nhiên bị chặt phá đã xác định được đối tượng vi phạm còn thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì Hạt Kiểm lâm Tuyên Hóa chủ trì phối hợp UBND các xã, thị trấn xử lý, như: Phạt tiền và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả bằng cách trồng lại toàn bộ diện tích rừng đã chặt phá bằng cây bản địa hoặc trả lại đất đã lấn, chiếm. Nếu hết thời hiệu xử lý vi phạm hành chính thì UBND cấp xã áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc trả lại đất đã lấn, chiếm hoặc trồng lại rừng bằng cây bản địa. 
Giống cây bản địa trên địa bàn huyện Tuyên Hoá khá cao nên người dân rất mong được hỗ trợ kinh phí mua giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc.
Giống cây bản địa trên địa bàn huyện Tuyên Hoá khá cao nên người dân rất mong được hỗ trợ kinh phí mua giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc.
Đối với diện tích đất rừng tự nhiên đã giao cho hộ gia đình quản lý tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, UBND các xã, thị trấn lập hồ sơ xử lý vi phạm. Trường hợp vượt quá thẩm quyền xử lý thì chuyển hồ sơ lên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện để tham mưu Chủ tịch UBND huyện xử lý vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc trồng lại rừng bằng cây bản địa. Trường hợp chủ rừng vi phạm không trồng lại rừng bằng cây bản địa thì UBND huyện thu hồi đất theo đúng quy định…
 
Để thực hiện tốt Chỉ thị số 03, UBND huyện Tuyên Hoá cũng đã chỉ đạo cụ thể các cơ quan, ban, ngành liên quan cung cấp bản đồ, vị trí các lô đất và các hồ sơ liên quan của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân lấn, chiếm rừng, đất lâm nghiệp và tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng cho các cơ quan liên quan phục vụ công tác xử lý, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp; xử lý vi phạm diện tích đất có nguồn gốc từ rừng tự nhiên bị chặt phá đã xác định được đối tượng vi phạm; đo đạc, cắm mốc, lập bản đồ địa chính trên toàn bộ diện tích vi phạm; thẩm định hỗ trợ trồng rừng sản xuất, tuyên truyền, huy động lực lượng, phương tiện và hỗ trợ công tác thu hồi đất bị lấn, chiếm khi được đề nghị…
 
Ông Nguyễn Văn Huệ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tuyên Hoá cho biết: “Hiện chúng tôi cũng đang cử lực lượng để hướng dẫn bà con khai thác rừng trồng trên đất vi phạm, ký cam kết trồng cây bản địa, như: Lim, gõ, vàng tâm, dổi... trồng hỗn giao với keo để phục hồi rừng, mở ra hướng đi mới cho bà con. Tuy nhiên, địa phương vẫn còn gặp một số khó khăn do giá cây giống bản địa khá cao, kỹ thuật trồng khó, thời gian thu hoạch lâu nên một số bà con vẫn chưa mạnh dạn đầu tư”.
 
Ông Phạm Văn T., một người dân ở xã Lâm Hoá chia sẻ: “Hiện nay, huyện yêu cầu trồng cây bản địa hoặc thu hồi lại đất khiến chúng tôi hơi lo lắng. Bởi nếu bị thu hồi đất thì không biết lấy gì để sản xuất, còn trồng cây bản địa thì chi phí cây giống quá cao, trồng xong cũng không biết khi nào mới cho thu hoạch. Do vậy, tôi mong các cấp chính quyền, dự án, nhà hảo tâm… có chính sách hỗ trợ giống cây bản địa, kỹ thuật trồng, chăm sóc cho bà con”.
 
Toàn xã Lâm Hoá có gần 800ha rừng trồng, trong đó có trên 300ha đất vi phạm do lấn chiếm đất lâm nghiệp. Hiện xã và các lực lượng chức năng đang tuyên truyền, hướng dẫn bà con ký cam kết và cách trồng rừng cây bản địa. Anh Phạm Tiến Hải, cán bộ Địa chính-Nông nghiệp-Xây dựng xã Lâm Hoá cho biết: “Phương án xử lý đất rừng vi phạm theo Chỉ thị số 03 của huyện là hợp lý, phù hợp với lòng dân. Tuy nhiên, có nhiều diện tích rừng trồng vi phạm cây đang nhỏ, chưa đến thời điểm khai thác nên một số bà con chưa ký cam kết. Với lại, giống cây lâm nghiệp giá khá cao, đời sống kinh tế của người dân còn thấp nên có nhiều người không mấy mặn mà trồng”...
 
Có thể nói, việc giải quyết trên 3.700ha đất rừng vi phạm theo Chỉ thị số 03 của huyện Tuyên Hoá không chỉ mở hướng đi mới cho người dân trong huyện mà còn là "hướng đi" cho hàng chục nghìn ha đất vi phạm toàn tỉnh, góp phần cải thiện môi trường trong tương lai. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, huyện Tuyên Hoá cần hết sức cẩn trọng giải quyết các vấn đề có thể phát sinh, nhất là trường hợp phải thu hồi đất sao cho hợp tình, hợp lý để phương án triển khai thành công và người dân đồng tình, ủng hộ.
 
Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 14.600ha rừng bị phá và đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trái pháp luật. Diện tích bị phá, lấn, chiếm tập trung nhiều tại các huyện: Minh Hóa, Tuyên Hóa, Lệ Thủy, Quảng Trạch… Trước khi huyện Tuyên Hoá có phương án xử lý đồng loạt trên 3.700ha rừng vi phạm, các cơ quan chức năng đã lập 1.868 hồ sơ với diện tích 3.097ha, trong đó, có 477 vụ đã xử lý với diện tích đã xử lý là 854ha, mới chỉ đạt 6,22%.
 
Xuân Vương

tin liên quan

Bố Trạch: Tích cực bảo vệ rau màu mùa nắng nóng

(QBĐT) - Trước tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện nay, nông dân huyện Bố Trạch gặp rất nhiều khó khăn trong việc canh tác rau màu. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, bảo đảm hiệu quả kinh tế, bà con đang tích cực thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ cây trồng.

Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai

(QBĐT) - Huyện Bố Trạch luôn chú trọng đưa ra những giải pháp sát thực nhằm tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn, qua đó tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh và ổn định đời sống nhân dân.

Ứng dụng mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn

(QBĐT) - Thời gian gần đây, mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn được nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đưa vào ứng dụng sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình có mô hình nuôi tôm của gia đình anh Lê Trường Thịnh, thôn 2, xã Hạ Trạch (Bố Trạch).