Tuyên Hóa:

Phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi

  • 06:52 | Thứ Năm, 19/05/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hiện đang là thời điểm giao mùa, nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm rất cao. Huyện Tuyên Hóa đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan và người dân tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm đàn vật nuôi phát triển ổn định.
 
Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn huyện Tuyên Hóa có 21.530 con trâu, bò; 24.364 con lợn và hơn 400.000 gia cầm. Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh lở mồm long móng xảy ra ở thôn 4, xã Thanh Hóa và dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở 2 thôn thuộc 2 xã Lâm Hóa và Lê Hóa làm hàng chục con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy. Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, bệnh cúm gia cầm và một số bệnh truyền nhiễm khác chưa xảy ra nhưng có nguy cơ xuất hiện trong thời gian tới do thời tiết nắng nóng.
 
Trước tình hình đó, huyện Tuyên Hóa đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh, tuyên truyền và hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; khẩn trương rà soát, đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm đợt I năm 2022 bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn. Các địa phương tiếp tục triển khai Tháng tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường, đặc biệt là tại các vùng đã xảy ra dịch bệnh động vật, vùng nguy cơ cao.
 
Ông Trần Văn Cần, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuyên Hóa cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện, đơn vị đã cung ứng 800 lít hóa chất và hơn 59.000 liều vắc-xin các loại cho các xã, thị trấn. Hiện nay, các địa phương đang đồng loạt ra quân thực hiện tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi và phun hóa chất khử trùng tiêu độc chuồng trại, khu vực chăn nuôi.
Cán bộ thú y xã Mai Hóa tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn.
Cán bộ thú y xã Mai Hóa tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn.

Về chính sách, ngoài hỗ trợ 100% hóa chất để khử trùng tiêu độc môi trường, UBND huyện hỗ trợ 40% giá cho đồng bào Kinh, 100% giá cho đồng bào dân tộc thiểu số ở hai xã Thanh Hóa và Lâm Hóa đối với 2 loại vắc-xin lở mồm long móng và viêm da nổi cục. Ngoài việc cung ứng vắc-xin và hóa chất, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã cử cán bộ đến tận cơ sở để theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo công tác tiêu độc khử trùng và tiêm vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi.

Các địa phương và đơn vị chức năng cũng đang tăng cường công tác giám sát dịch bệnh động vật, nhất là tại các khu vực đã xảy ra dịch bệnh trước đó, vùng có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo kịp thời và xử lý dứt điểm ổ dịch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; khuyến cáo các hộ gia đình khi phát hiện có gia súc, gia cầm ốm, chết phải báo ngay với chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời...
 
Tại xã Mai Hóa, ông Hà Duy Nam, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xã Mai Hóa có tổng đàn gia súc trên 4.300 con, gia cầm hơn 37.000 con. Với số lượng gia súc, gia cầm lớn nên công tác phòng, chống dịch bệnh luôn được xã quan tâm. Hiện tại, UBND xã đã triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin đợt I và Tháng tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường đến các thôn, đồng thời tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi thực hiện tiêm phòng đầy đủ, không thả rong trâu, bò làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh”.
 
Gia đình anh Nguyễn Phương Chân, thôn Đông Thuận, xã Mai Hóa hiện đang nuôi trên 60 con trâu, bò vỗ béo với tổng trị giá gần 2 tỷ đồng. Đây là tài sản lớn bởi toàn bộ vốn liếng anh Chân đã dồn vào để xây dựng chuồng trại và mua con giống về nuôi. Ngoài cung cấp đầy đủ chế độ dinh dưỡng cho vật nuôi, anh Chân quan tâm vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, theo dõi những biểu hiện bất thường trâu, bò để phát hiện sớm dịch bệnh, từ đó có biện pháp phòng, chống phù hợp.
 
“Gia đình luôn tuân thủ theo hướng dẫn của thú y xã về tiêm phòng vắc-xin mỗi năm 2 đợt theo chu kỳ. Ngoài ra, phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, dự trữ đầy đủ thức ăn, thức uống và thường xuyên kiểm tra đàn bò xem có biểu hiện gì bất thường để báo cáo kịp thời cho thú y xử lý”, anh Võ Sỹ Hoàn, thôn Đức Phú 2, xã Đức Hóa cho biết.
 
Với các giải pháp tích cực cùng sự chủ động của người dân, công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn huyện Tuyên Hóa trong thời điểm giao mùa sẽ được thực hiện hiệu quả, góp phần ổn định sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân.
 
Văn Tư
(Đài TT-TH Tuyên Hóa)

tin liên quan

Giải ngân 2.319 tỷ đồng các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP

(QBĐT) - Sáng 18/5, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các chính sách tín dụng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/1/2022 của Chính phủ. Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. 

Bảo đảm cung ứng, vận hành lưới điện mùa khô

(QBĐT) - Vào mùa khô, nhu cầu sử dụng điện của khách hàng sẽ tăng, trong khi nguồn điện cung ứng từ thủy điện sẽ suy giảm do hạn hán, lượng nước tích về các hồ xuống thấp. Để bảo đảm nguồn điện phục vụ sản xuất và đời sống của người dân trên địa bàn, Điện lực Bố Trạch đã sớm chuẩn bị các phương án ứng phó, thích ứng.
 

Đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế

(QBĐT) - Những năm qua, Hội Nông dân xã Dương Thủy (Lệ Thủy) đã chú trọng triển khai hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.