Nâng tầm gỗ rừng trồng

  • 07:00 | Thứ Ba, 17/05/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với mục tiêu nâng tầm cho gỗ rừng trồng, năm 2021, huyện Tuyên Hóa đã phối hợp với Hợp tác xã lâm nghiệp (HTX LN) An Việt Phát (thuộc Tập đoàn An Việt Phát) hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC cho 1.153 chủ rừng. Việc cấp chứng chỉ FSC đã giúp cho gỗ rừng trồng của bà con được ký kết bao tiêu cao hơn giá thị trường, các sản phẩm từ gỗ sau khi chế biến còn được xuất khẩu sang nước ngoài.
 
Quản lý rừng bền vững
 
“Đến nay, Quảng Bình đã có trên 4.300ha rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Huyện Tuyên Hóa là địa phương có diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC nhiều nhất với diện tích 3.070ha, tiếp đến là Lệ Thủy 740ha và Quảng Ninh 490ha. Tỉnh cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan để tiếp tục mở rộng thêm diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC nhằm nâng cao giá trị kinh tế rừng cho bà con”, ông Nguyễn Văn Duẫn, Phó chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết.
Huyện Tuyên Hóa có diện tích rừng trồng 12.000ha, tập trung ở các xã, như: Lâm Hóa, Thanh Hóa, Thanh Thạch, Hương Hóa, Cao Quảng, Ngư Hóa, Kim Hóa…
Khoảng 20 năm trở lại đây, việc trồng rừng đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
 
Tuy nhiên, bà con chủ yếu trồng keo, tràm phục vụ cho sản xuất giấy và gỗ dăm nên giá trị kinh tế còn thấp, việc bán gỗ rừng trồng cũng gặp nhiều khó khăn do giá cả không ổn định. Có những năm gặp bão lớn, rừng gãy đổ hàng nghìn ha khiến người trồng rừng lâm vào cảnh trắng tay.
 
Để giải quyết những khó khăn trên, huyện Tuyên Hóa đã phối hợp với HTX LN An Việt Phát (một đơn vị chuyên chế biến, xuất khẩu gỗ rừng trồng) hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng FSC cho người dân.
 
Cụ thể, HTX LN An Việt Phát đã mời 3 tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ rừng quốc tế được Hội đồng Quản lý rừng thế giới ủy nhiệm để thực hiện các dịch vụ đánh giá cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên toàn thế giới cho bà con; phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tuyên truyền, tập huấn và xây dựng hồ sơ kỹ thuật cho người dân theo yêu cầu quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC của Hội đồng Quản lý rừng thế giới.
 
Ông Nguyễn Xuân Quang, chuyên viên kỹ thuật về FSC, HTX LN An Việt Phát cho hay: "Để rừng của bà con huyện Tuyên Hóa được cấp chứng chỉ FSC, chúng tôi đã tiến hành rà soát những diện tích đất trồng rừng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các xã Lâm Hóa, Thanh Thạch, Thanh Hóa, Hương Hóa để hướng dẫn bà con cải tạo lại rừng, làm hồ sơ kỹ thuật. Trước khi chuyển đổi, bà con phải vệ sinh rừng sạch sẽ, tuyệt đối không vứt rác thải nhựa, không dùng các loại hóa chất độc hại để xử lý thực bì trong rừng. Khi cải tạo rừng, nếu phát hiện cây bản địa có giá trị, mồ mả, am, miếu, khe suối cần phải bảo vệ. Rừng sau khi khai thác không được đốt thực bì mà phải dọn lại để xử lý theo quy định. Trong quá trình trồng mới phải theo quy hoạch, kỹ thuật để tiện cho xe, máy móc vào khai thác".
 
Người dân phấn khởi
 
Đến nay, huyện Tuyên Hóa đã có 3.070ha rừng trồng với 1.153 chủ rừng được cấp chứng chỉ FSC. Ông Phan Văn Thiên, một người dân ở bản Cáo, xã Lâm Hóa phấn khởi: “Sau khi rừng trồng nhà tôi được cấp chứng chỉ, phía HTX LN An Việt Phát đã ký cam kết bao tiêu sản phẩm cao hơn giá thị trường 15%, kể cả rừng bị gãy đỗ do mưa bão. Trước đây, gỗ rừng trồng nhà tôi bán xong thì cành ngọn đều đem đốt tại chỗ nhưng nay cũng được thu gom bán hết nên giá trị kinh tế ngày càng cao”.
 
Gia đình ông Thiên có 3ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC. Sau khi được cấp chứng chỉ, ông cùng bà con trong bản thu hoạch rừng không đốt thực bì sau khai thác nữa. Khu rừng của bà con cũng được cải tạo lại sạch sẽ. Riêng diện tích rừng trồng mới cũng được quy hoạch bài bản, đúng kỹ thuật. 
Một khu rừng đã được cấp chứng chỉ FSC ở bản Cáo, xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa).
Một khu rừng đã được cấp chứng chỉ FSC ở bản Cáo, xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa).
Xã Lâm Hóa có 800ha rừng trồng, trong đó 492ha rừng đã được cấp chứng chỉ FSC. Trước đây chưa có chứng chỉ, bà con trong xã trồng rừng thiếu quy hoạch, mật độ cây dày nên rừng chậm phát triển. Mỗi trận bão lớn đi qua, rừng gãy đổ khá nhiều làm cho giá trị kinh tế giảm đáng kể.
 
Ông Cao Phương Hướng, Chủ tịch UBND xã Lâm Hóa cho biết: “Để rừng được cấp chứng chỉ FSC, Đảng ủy, UBND xã Lâm Hóa cũng đã tuyên truyền, vận động và yêu cầu bà con thực hiện cải tạo rừng theo quy định. Sau khi được cấp chứng chỉ FSC, sản phẩm từ gỗ rừng trồng của bà con sẽ đủ điều kiện xuất khẩu sang nước ngoài, được các đơn vị ký cam kết bao tiêu sản phẩm cao hơn 10-20% so với sản phẩm không có chứng chỉ”.
 
Hiện xã Thanh Hóa có 1.441ha rừng trồng đã được cấp chứng chỉ FSC với 697 chủ rừng tại 11 thôn bản. Ông Thái Đình Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hóa cho hay: “Có chứng chỉ FSC, sản phẩm gỗ rừng trồng của bà con trong xã được bán với giá cao hơn. Phần cành, ngọn cũng được thu mua đến mức tối đa nên người dân vô cùng phấn khởi. Ngoài ra, yếu tố môi trường tại những khu rừng được cấp chứng chỉ FSC cũng được cải thiện đáng kể”.
 
Anh Đinh Thanh Lãm, thôn 3 Bắc Sơn, xã Thanh Hóa có 5ha rừng trồng đã được cấp chứng chỉ FSC. Anh Lãm kể: “Trước khi được cấp chứng chỉ rừng, HTX LN An Việt Phát đã yêu cầu chúng tôi cải tạo rừng trồng. Trong quá trình cải tạo, trồng mới phải trừa hành lang ven suối để cây bản địa phát triển, thu hút động vật về trú ngụ. Ngoài ra, chúng tôi còn được hướng dẫn lập kế hoạch quản lý lô rừng của mình từ việc trồng, chăm sóc, bảo vệ, tỉa thưa và khai thác theo từng năm phù hợp; kiểm tra và giám sát rừng của mình để khỏi bị tác động xấu gây thiệt hại”.
 
Ông Đinh Xuân Thương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Mục tiêu từ nay đến năm 2025, huyện Tuyên Hóa sẽ phấn đấu đưa diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC đạt khoảng 6.000-7.000ha. Đồng thời, phát triển các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng và hỗ trợ cấp giấy chứng nhận FSC cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình có diện tích rừng trồng đạt yêu cầu. Qua đó, góp phần đưa năng suất rừng gỗ lớn trên địa bàn đạt trên 100-150m3/ha/10 năm; diện tích rừng trồng được chuyển hóa khi đưa vào khai thác đạt trữ lượng trên 100-150 m3/ha/10 năm. Tỷ lệ gỗ lớn (gỗ xẻ có đường kính ≥ 20 cm) vào chế biến tinh sâu từ 10-15% sản lượng khai thác hiện nay lên 30-40%. Giá trị ngành lâm nghiệp của huyện đạt 100 tỷ đồng, chiếm 12% trong giá trị nông lâm thủy sản…
 
 Xuân Vương

tin liên quan

Phát huy mô hình kinh tế tập thể trong xây dựng nông thôn mới

(QBĐT) - Hiện nay, nhiều mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Quảng Trạch đã và đang phát triển mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Các mô hình này đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động của địa phương. Qua đó, góp phần không nhỏ trong việc thay đổi diện mạo nông thôn mới (NTM).

Thủ tướng tiếp lãnh đạo quỹ đầu tư, tập đoàn kinh tế Hoa Kỳ

Tiếp lãnh đạo Quỹ Warburg Pincus và Tập đoàn Glenfarne Hoa Kỳ, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẵn sàng đối thoại với doanh nghiệp để giải đáp các thắc mắc, giúp doanh nghiệp hoạt động thuận lợi.
 

Thử nghiệm phần mềm Xác minh thông tin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

(QBĐT) - Từ ngày 16/5, Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai vận hành thử nghiệm phần mềm Xác minh thông tin Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) tại TX. Ba Đồn trong thời gian 2 tháng, sau đó sẽ bổ sung, hoàn thiện để áp dụng rộng rãi trên địa bàn toàn tỉnh.